Khang Hi và Càn Long nhiều lần tuần du, vì sao Ung Chính cả đời không rời khỏi kinh thành?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Ung Chính tại vị suốt 13 năm nhưng không thực hiện dù chỉ một chuyến tuần thú đến các vùng đất mà ông cai trị.

Hình ảnh nhân vật Ung Chính trên phim truyền hình Trung Quốc.

Hình ảnh nhân vật Ung Chính trên phim truyền hình Trung Quốc.

Trong suốt quãng thời gian ngồi trên ngai vàng, Khang Hi và Càn Long đều nhiều lần tuần du Giang Nam. Thậm chí một số lần tuần du của hai nhân vật này còn được người Trung Quốc chuyển thể thành phim truyền hình.

Theo QQ, không chỉ tuần du Giang Nam, hai vị hoàng đế này còn thường xuyên đến nhiều khu vực khác nhau trên lãnh thổ của nhà Thanh.

Khang Hi đã đến vùng biên cương phía Bắc của nhà Thanh hơn 40 lần, 3 lần đến vùng Đông Bắc. Ngoài ra, ông còn đến Ngũ Đài Sơn, Tây An, Giang Tô…

Trong thời gian tại vị, Càn Long còn tuần du nhiều hơn Khang Hi. Ông đến vùng biên cương phía Bắc 52 lần, 5 lần đến Sơn Đông, 4 lần đến Đông Bắc và hơn chục địa phương khác.

Nếu so với hai ông cháu “thích đi” là Khang Hi và Càn Long thì trong 13 năm trị vì của mình, Ung Chính chưa từng tuần du dù chỉ một lần. Thậm chí đến tận lúc qua đời, ông vẫn chỉ ở tại kinh thành.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Trước tiên, cùng tìm hiểu lý do tại sao Khang Hi và Càn Long lại thường xuyên ra ngoài tuần du.

Lý do khiến Khang Hi và Càn Long thường xuyên tuần du là gì?

Khang Hi và Càn Long thường xuyên tuần thú các vùng đất cách xa kinh thành. Điều này đã được ghi chép rõ ràng trong sách sử của Trung Quốc.

Khang Hi 6 lần đến Giang Nam, nhưng mục đích không hẳn chỉ là đi chơi. Ông đến đây để thị sát dân tình và giám sát công trình thủy lợi.

Dưới thời nhà Thanh, sông Hoàng Hà và Trường Giang thường có lũ lụt, thiên tai. Triều đình nhà Thanh khi đó rất coi trọng việc xử lý các vấn đề này. Hơn thế, khu vực Giang Nam còn là “vựa lúa” của Thanh triều và là trung tâm thu tô thuế, cho nên Khang Hi tất nhiên phải coi trọng nơi đây.

Mặt khác, phong trào phản Thanh phục Minh ở Giang Nam cũng nghiêm trọng hơn nhiều so với những nơi khác. Khang Hi thường xuyên đến Giang Nam, bái tế lăng Minh Hiếu, bái tế Chu Nguyên Chương nhằm xoa dịu sự thù địch của người Hán.

Tranh vẽ minh họa cảnh Khang Hi du ngoạn Giang Nam.

Tranh vẽ minh họa cảnh Khang Hi du ngoạn Giang Nam.

Còn Càn Long, ông 6 lần tuần du Giang Nam, một phần là để thăm thú, hưởng lạc, một phần cũng là để giải quyết việc triều chính như thị sát dân tình, giám sát thi công các công trình thủy lợi.

Không chỉ tuần du Giang Nam, Khang Hi và Càn Long còn đến Ngũ Đài Sơn.

Có ý kiến cho rằng Khang Hi đến đây để tìm gặp cha ruột của mình. Theo các ghi chép dã sử, hoàng đế Thuận Trị đã xuất gia, tu hành trên núi Ngũ Đài Sơn.

Tuy nhiên, lý do thực sự khiến ông thực hiện những chuyến tuần du này là muốn thông qua việc lễ Phật để lôi kéo, khống chế các bộ lạc Mông Cổ vốn đang tin theo đạo Lạt Ma. Đây chính là một trong những thủ đoạn chính trị của Khang Hi.

Càn Long còn thường xuyên đến Miếu Khổng ở Khúc Phụ, Sơn Đông để tế bái Khổng Tử. Việc này nhằm mục đích để các học sĩ người Hán thấy được vương triều nhà Thanh coi trọng Nho giáo, Đạo giáo, coi trọng văn hóa, lễ nhạc…

Theo QQ, nói một cách thẳng thắn thì cả Khang Hi và Càn Long đều đang cố diễn kịch cho người trong thiên hạ xem để cảm hóa họ, từ đó xây dựng một xã hội người Hán và người Mãn chung sống hài hòa, vui vẻ.

Không chỉ tuần du phương Nam, Khang Hi và Càn Long còn tuần du phương Bắc. Mục đích của việc tuần du phía Nam là để làm suy yếu hoặc loại bỏ tư tưởng phản Thanh phục Minh trong dân chúng, củng cố sự thống nhất. Trong khi đó, tuần du phương Bắc là để săn bắn, từ đó lôi kéo các bộ lạc Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng.

Năm Khang Hi thứ 20, Khang Hi cho xây dựng bãi săn Mộc Lan, tổ chức 38 lần săn bắn kết hợp mở đại tiệc rượu thiết đãi các vị vương công đại thần Mông Cổ.

Người Mãn Thanh vốn lớn lên trên lưng ngựa, người dân có thể cưỡi ngựa, chăn thả gia súc. Vì thế, việc tổ chức các buổi săn bắn không chỉ nhằm mục đích lôi kéo các bộ lạc Mông Cổ mà còn là để phô bày cho họ thấy sự oai phong của của quân Bát Kỳ, mang hàm ý thị uy.

Đến khi Càn Long làm hoàng đế, ông tổ chức 52 lần săn bắn, quy mô còn lớn hơn những lần được tổ chức dưới thời Khang Hi.

Càn Long từng nói: “Từ các vương công Mông Cổ, bốn mươi chín tộc Nội Mông Cổ, cùng bốn tộc Khách Nhĩ Khách, các thủ lĩnh của các bộ tộc Thanh Hải, trên dưới 100 ngọn cờ. Triều ta trên dưới, trong ngoài đồng lòng, một nhà thịnh vượng, là điều mà sử sách trước nay chưa từng có.”

Hình ảnh nhân vật Càn Long trên phim truyền hình Trung Quốc.

Hình ảnh nhân vật Càn Long trên phim truyền hình Trung Quốc.

Trên các bộ phim truyền hình Trung Quốc, chúng ta được xem Khang Hi và Càn Long tuần du rồi để lại nợ phong lưu trong dân gian. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những biến tấu trong dã sử và các bộ phim truyền hình.

Mỗi chuyến tuần du của hoàng đế đều mang theo nhiều trách nhiệm về chính trị, nhàm tăng cường, củng cố sự thống trị quốc gia, lôi kéo các dân tộc xung quanh, vì thế nên công việc này không hề dễ dàng hay thoải mái.

Tại sao Ung Chính lại chưa từng một lần rời khỏi kinh thành?

Thực ra, Ung Chính không phải không muốn đến những vùng đất xa kinh thành mà có một số nguyên nhân:

Thứ nhất: Sợ ngai vàng bị nhòm ngó

Trước khi lên ngôi, Ung Chính phải tranh giành với các anh em khác của mình, tạo thành sự kiện “Cửu tử đoạt đích” trong lịch sử Thanh triều. Khi đó, mỗi một vị hoàng tử đều có khả năng trở thành hoàng đế tương lai, mỗi người lại lôi kéo bè đảng riêng cho mình, ngầm tranh đấu qua lại với nhau.

Tuy rằng Ung Chính là người chiến thắng cuối cùng, song tàn dư đảng phái của các vị hoàng tử kia vẫn còn đó.

Khi Ung Chính vừa mới lên ngôi, vị trí còn chưa vững chắc, tàn dư đảng phái của các hoàng tử, trong đó lớn mạnh nhất là của Bát A Ca Dận Tự, luôn nhăm nhe vị trí hoàng đế, thậm chí sau này còn từng xảy ra chuyện “Bát Vương nghị chính”.

Trong hoàn cảnh đó, ngai vàng có thế bị cướp bất cứ lúc nào, bản thân ông cũng có thể bị hãm hại bất cứ lúc nào, làm sao Ung Chính dám tùy tiện đi ra ngoài? Kinh thành còn không an toàn huống hồ là những nơi xa xôi bên ngoài.

Phải đến năm Ung Chính thứ tư, Ung Chính mới hoàn toàn tiêu diệt triệt để thế lực của Bát A Ca.

Việc này vừa xong, Thanh triều lại ngay lập tức đối mặt với chuyện lớn. Bộ tộc Chuẩn Cáp Nhĩ ngày một lớn mạnh, lăm le rình rập Đại Thanh như hổ rình mồi. Việc này khiến Ung Chính không khỏi đau đầu.

Thế nên từ năm Ung Chính thứ 6 đến năm thứ 11, Đại Thanh liên tục cử quân đội đối phó với Chuẩn Cáp Nhĩ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ung Chính không thể tuần thú ở bất cứ đâu.

Tranh vẽ chân dung vua Ung Chính thời Thanh.

Tranh vẽ chân dung vua Ung Chính thời Thanh.

Thứ hai: Do sức khỏe

Khang Hi trị vì hơn 60 năm, sức khỏe vẫn luôn rất tốt. Trước khi qua đời, Khang Hi vẫn còn ra ngoài săn bắn.

Càn Long cũng rất ít khi mắc bệnh. Ông không những ngủ nghỉ có quy luật mà còn rất thích dưỡng sinh. Bản thân Càn Long tuy có hơi phong lưu nhưng vẫn luôn biết chăm sóc sức khỏe, cho nên về cơ bản sức khỏe Càn Long rất tốt.

Nếu so với cha và con trai thì sức khỏe của Ung Chính lại kém hơn rất nhiều. Ung Chính lên ngôi khi đã ở tuổi 45. Ở độ tuổi này, cơ thể đã bắt đầu mắc các vấn đề về tuổi tác ở giai đoạn trung niên.

Vào năm Ung Chính thứ 7, ông còn mắc trận bệnh nặng, suýt chút nữa đã không qua khỏi, phải chăm sóc hai năm mới hồi phục. Khi bệnh tình nghiêm trọng, Ung Chính thậm chí đã phải viết di chiếu truyền ngôi.

Cũng bởi sức khỏe yếu nên Ung Chính không thể tuần du đến những vùng đất xa xôi. Việc lênh đênh trên thuyền, đi đường mệt nhọc, khí hậu không hợp đều sẽ đe dọa đến tính mạng của ông.

Thứ ba: Bận rộn chuyện quốc gia

Ung Chính vẫn luôn được ca ngợi là vị hoàng đế cần cù, chăm chỉ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, có lẽ Ung Chính không thể không dốc sức làm việc. Nguyên nhân là bởi khi kế vị vua cha là Khang Hi, Ung Chính đã nhận về một quốc khố rỗng tuếch. Trong khi đó, tình hình chính trị thì rối loạn.

Muốn quốc gia phát triển hưng thịnh, Ung Chính không thể không ra sức cải tổ bộ máy quan lại, chỉnh đốn triều đình.

Trong thời gian trị vì, trừ khi ăn ngủ, có lẽ Ung Chính đều phải phê duyệt tấu chương, xử lý chuyện chính sự, mệt mỏi đến kiệt sức.

Ung Chính ngày đêm xử lý chuyện quốc gia, làm đầy quốc khố đã bị cha mình đào rỗng, cố gắng ổn định thiên hạ. Cũng chính nhờ vậy mà Càn Long mới lại được thoải mái tiêu xài, có tiền để sáu lần tuần du Giang Nam.

Công việc áp lực khiến sức khỏe Ung Chính ngày một suy yếu, cuối cùng qua đời ở tuổi 57, không có cơ hội tuần du Giang Nam hay đi săn ở phương Bắc như cha và con trai của ông.

Không phải Càn Long, đây mới là nhân vật quyền lực thực sự “chống lưng” cho Hòa Thân?

Nếu người này còn sống, đến cả Càn Long cũng chưa chắc dám xử tử Hòa Thân chứ đừng nói đến vị hoàng đế trẻ tuổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Khánh (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN