Khẳng định vai trò, nâng tầm vị thế của Việt Nam suốt 28 năm tham gia ASEAN

Hoạt động và đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN suốt 28 năm qua đã phản ánh thành công của công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á, khẳng định vai trò, nâng tầm vị thế của Việt Nam tại diễn đàn khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết

Trong suốt 28 năm qua kể từ ngày tham gia (28-7-1995/28-7-2023), Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của ASEAN và đạt những thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực. Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, sự tham gia sâu rộng của Việt Nam vào các hoạt động của ASEAN không chỉ giúp thu hút nguồn ngoại lực, kết hợp với nội lực vào việc thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam, mà còn góp phần to lớn vào sứ mệnh chung là bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển của cả Hiệp hội.

Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong tiến trình ASEAN và sự tham gia ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam

Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong tiến trình ASEAN và sự tham gia ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam

Hành trình 28 năm tham gia ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn công nhận. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999), mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản.

Việt Nam thực sự đã trở thành cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á chính thức trở thành hiện thực. Với sự tham gia của cả 10 nước trong khu vực, nghi kỵ giữa các dân tộc dần được xóa bỏ, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia từng bước được thu hẹp, tinh thần tự chủ của khu vực cũng được nâng cao đáng kể.

Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn trong ASEAN, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ, năm 1995); Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997) và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, như Chương trình hành động Hà Nội, Kế hoạch hành động Vientiane; Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (năm 2003); Hiến chương ASEAN (năm 2007); Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015); Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, như kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển...

Không chỉ tham gia xây dựng quyết sách, trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN, Việt Nam luôn tích cực và trách nhiệm cao cùng ASEAN đưa các quyết sách vào triển khai, như hiện thực hóa các tài liệu tầm nhìn, đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống. Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột của cộng đồng, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi ngày càng sâu rộng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Singapore) có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của những biến động nhanh chóng và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, “luật chơi” với vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN nhằm ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Với sự đóng góp thiết thực của Việt Nam, ASEAN đã bày tỏ lập trường trên các vấn đề quan trọng, trong đó có việc ra Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông và hiện đang cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy triển khai đàm phán với Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)...

Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Nhìn lại chặng đường 28 năm qua, có thể thấy quá trình hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” và trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”. Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, nhất là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Trong đó, nội dung được nhấn mạnh là cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), tư duy về đối ngoại song phương và đa phương có những bước phát triển mới. Về đối ngoại đa phương, Đảng ta xác định cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”. Dù hội nhập thế giới nhưng đường lối đối ngoại của Đảng ta vẫn “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.”

Trên tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên đóng góp thiết thực vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, duy trì sự đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Chính sách, đường hướng tham gia hợp tác ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Gia nhập ASEAN đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực. Cụ thể, ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đi đôi với thúc đẩy hợp tác ASEAN, Việt Nam đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác. Vai trò ngày càng tăng trong ASEAN giúp Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Việc tham gia ASEAN giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao sức mạnh tổng hợp. Hội nhập ASEAN giúp Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng.

Tham gia ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.

Financial Times: Việt Nam là 'miền đất hứa' với nhà đầu tư

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm chuyển mình mang tính quyết định, theo báo Anh Financial Times.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN