Khác biệt duy nhất của Mỹ và Triều Tiên khi ở Hà Nội
Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, không ít người tìm kiếm ra ngay lý do là cuộc thượng đỉnh này được chuẩn bị chưa đủ mức. Có người còn đi xa hơn khi cho rằng kiểu cách "ngoại giao áp đặt từ cấp cao xuống" như ông Trump và ông Kim Jong-un đang thực hiện đã bị thất bại và vì thế từ nay chỉ có khuôn khổ diễn đàn đa phương mới có thể giải quyết được vấn đề, tức là phải cầu viện đến sự tham gia trước hết của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.
Do diễn biến không đúng và không được như dự kiến ban đầu, cuộc gặp lại nhau ở Hà Nội của tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Không ít người soi việc ông Trump và ông Kim Jong-un không cùng có bữa trưa chung, không ký tuyên bố chung và không họp báo chung để thiên về nhận xét cho rằng sự kiện này không thành công, thậm chí còn cả đến mức không thành công bằng lần gặp nhau trước đó của hai người này ở Singapore.
Không ít người tìm kiếm ra ngay lý do là cuộc thượng đỉnh này được chuẩn bị chưa đủ mức. Có người còn đi xa hơn khi cho rằng kiểu cách "ngoại giao áp đặt từ cấp cao xuống" như ông Trump và ông Kim Jong-un đang thực hiện đã bị thất bại và vì thế từ nay chỉ có khuôn khổ diễn đàn đa phương mới có thể giải quyết được vấn đề, tức là phải cầu viện đến sự tham gia trước hết của Trung Quốc và Hàn Quốc. Sử dụng tiêu chí nào và hệ quy chiếu nào cũng như nhằm mục đích nào thì sẽ có nhận xét và đánh giá tương ứng về sự kiện lớn này của thế giới.
Câu trả lời cho những câu hỏi sau đây sẽ giúp cho nhìn nhận khách quan và xác thực hơn về kết quả của cuộc thượng đỉnh này: Mỹ và Triều Tiên coi kết quả cuộc gặp như thế là thất bại hay thành công ? So với lần gặp trước đây của ông Trump và ông Kim Jong-un thì cuộc gặp này là bước tiến hay lùi, là hơn hay không bằng ? Và cuộc thượng đỉnh ở Hà Nội đóng vai trò gì đối với triển vọng tương lai của tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên ?
Sau cuộc gặp cấp cao này ở Hà Nội, thiên hạ chỉ biết được kết quả của sự kiện qua cuộc họp báo của ông Trump ở khách sạn Mariott và trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình Fox News cũng như một vài phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng, qua nội dung cuộc họp báo đêm khuya của đoàn Triều Tiên ở khách sạn Melia và sự thể hiện quan điểm của ông Kim Jong-un thông qua bản tin của hãng TTX Triều Tiên. Và đương nhiên qua những hình ảnh công khai của họ trước giới truyền thông và công chúng ở Hà Nội.
Những hình ảnh chung của họ cho thấy bầu không khí rất thân thiện và cởi mở. Những phát biểu của họ đều lộ tâm trạng lạc quan. Những biểu hiện từ cả hai phía trước cũng như trong quá trình diễn ra cuộc cấp cao đều hàm ý hai bên đã đạt được không ít thoả thuận quan trọng. Những trình bày của hai bên sau sự kiện về cơ bản đồng thuận với nhau.
Khác biệt duy nhất ở chỗ phía Triều Tiên đính chính phát biểu của ông Trump cho rằng phía Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên trong khi Triều Tiên chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần trong số những biện pháp ấy, cụ thể là những biện pháp trong khuôn khổ 5 nghị quyết của HDBA LHQ từ năm 2016. Từ tháng 11.2017 đến nay, Triều Tiên không tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Cũng từ đó đến nay, Mỹ không xiết chặt thêm mức độ cấm vận và trừng phạt Triều Tiên.
Cam kết tiếp tục như thế được ông Kim Jong-un và ông Trump đưa ra tại Hà Nội, được coi là một kết quả tích cực của cuộc thượng đỉnh. Sau khi cuộc thượng đỉnh kết thúc, Mỹ và Triều Tiên đều cho biết đàm phán vẫn được tiếp tục, tiến trình vẫn được duy trì, định hướng vẫn được giữ vững và hai vị lãnh đạo không hẹn hò nhau cụ thể nhưng không loại trừ khả năng rồi sẽ lại gặp nhau.
Tất cả những điều ấy cho thấy cuộc gặp cấp cao này đã đạt kết quả tích cực chứ không phải là không đạt được kết quả gì đối với hai bên. Đối với Mỹ và Triều Tiên, những tiến triển cụ thể, những hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và tạm ngừng lại khi chưa thể cùng nhau tiến tiếp còn hơn là vì mục đích tiến tiếp mà để bất đồng làm cho tiến trình bị đổ bể được coi trọng và ưu tiên hàng đầu. Vì thế, việc cuộc thượng đỉnh kết thúc sớm hơn dự định ban đầu và một vài hoạt động chung bị huỷ bỏ là điều không khó hiểu và việc họ không ký tuyên bố chung không gây tổn hại gì đến thực chất của kết quả sự kiện.
So với lần họ gặp nhau ở Singapore, ông Trump và ông Kim Jong-un ở Hà Nội đã đi xa hơn ở chỗ thực chất hoá và cụ thể hoá tiến trình. Qua phát biểu của ông Trump có thể thấy hai bên đã trao cho nhau cách hiểu của mình về "phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên", tức là bên này đã hiểu rõ ràng và cụ thể phía bên kia muốn gì. Vướng mắc bây giờ chỉ là - và vì thế cuộc thương thảo ở Hà Nội bị tạm ngừng - làm sao hài hoà hoá được mức độ nhượng bộ lẫn nhau giữa hai bên, lộ trình cái gì trước cái gì sau với phạm vi và giới hạn nào để kết quả đạt được vừa thúc đẩy tiến trình vừa giúp hai bên trang trải nhu cầu đối nội. Từ đây, hai bên biết được từng bên phải như thế nào thì sẽ đi được xa hơn nữa trong thời gian tới.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục cách thức ngoại giao đang áp dụng chứ không dựa cậy vào khuôn khổ ngoại giao đa phương nào. Họ không loại bỏ sự tham gia của bên ngoài nhưng rõ ràng chưa muốn đối tác bên ngoài can dự trực tiếp sâu hơn hiện tại. Ông Trump và ông Kim Jong-un rồi sẽ lại gặp nhau, trong năm 2019 này có thể có có thể không nhưng trong năm 2020 thì chắc chắn. Năm ấy, ông Trump hướng tới mục tiêu được tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Càng khó khăn và khó xử về đối nội thì thành quả đối ngoại mới càng thêm quan trọng đối với ông Trump mà trong năm bầu cử tổng thống thì không có thành quả đối ngoại nào có giá trị và ý nghĩa quyết định hơn đối với triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump bằng xử lý ổn thoả mọi vấn đề của Mỹ với Triều Tiên. Thành quả mới vào đúng thời điểm sẽ giúp đưa ông Trump đến bến bờ của mong ước là có được nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai ở Mỹ.
Bắc Kinh vẫn lạc quan mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận nào.