Khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của nền kinh tế Nga
Theo giới chuyên gia, gần hai năm sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngay chính Tổng thống Nga Vladimir Putin khi chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2024 cũng đã tuyên bố, thời kỳ tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga đã qua.
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột vào tháng 2/2022 tới nay, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 11 gói trừng phạt đối với Nga bao gồm cả việc đánh vào ngành xuất khẩu dầu khí quan trọng của Moscow. Gói trừng phạt thứ 12, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, vừa được EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh hôm 14/12 vừa qua.
Tổng thống Nga phát biểu tại sự kiện giao lưu “Kết quả trong năm với Vladimir Putin”.
Theo số liệu chính thức, 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của Nga đang bị trừng phạt. Ngay cả khi Nga trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nền kinh tế của nước này chỉ bị ảnh hưởng nhưng không bị tàn phá. Phát biểu tại sự kiện giao lưu có nhan đề “Kết quả trong năm với Vladimir Putin” hôm 14/12, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước. Ông nêu rõ, trong 10 tháng qua, tăng trưởng GDP của Nga đã tăng 3,2% và dự kiến sẽ đạt 3,5% trong năm nay, cao hơn so với trước khi có lệnh trừng phạt của phương Tây và Nga đang dẫn đầu so với các nước EU về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Biên độ an toàn của nền kinh tế đủ để Moscow tự tin. Ngoài ra, tiền lương thực tế đã tăng 7% và thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, lạm phát có thể ở mức 8% vào cuối năm nay. Trong khi đó, nợ công nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD. Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng, những con số này là một yếu tố quan trọng không chỉ trong chính sách xã hội mà còn trong phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với nước Nga là củng cố chủ quyền, trong đó chủ quyền kinh tế và công nghệ là ưu tiên.
Theo chuyên gia Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, thu nhập xuất khẩu chính của Nga vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan giám sát môi trường Global Witness chỉ ra rằng, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào EU đã tăng 40% từ tháng 1-7 năm nay, lên tới gần 5,3 tỷ euro. Bà Alexandra Prokopenko cho biết thêm rằng, ngay cả các công ty châu Âu cũng sẵn sàng tiếp tục giao dịch với Nga, bao gồm cả hàng hóa có công dụng kép, nếu những giao dịch này có thể được chuyển qua nước thứ ba. Bên cạnh đó, thực tế cũng đã chứng minh, thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Theo tính toán của Bloomberg được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách ròng của nước này trong tháng. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022, mặc dù các lệnh trừng phạt ban đầu có gây ra biến động lớn cho xuất khẩu Nga.
Để giúp vượt qua các lệnh trừng phạt liên quan đến việc bán dầu, Nga đã thiết lập một đội tàu “hỗn hợp” số lượng lớn, mà các nước phương Tây gọi là đội tàu bóng tối hay hạm đội bóng tối, và cơ sở hạ tầng tài chính song song. Các chủ sở hữu đội tàu trong nước và các đội tàu bóng tối đã cùng nhau vận chuyển hơn 70% hàng hóa dầu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023, cho phép Moscow duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng dần giá dầu. Dữ liệu hải quan chính thức của Ấn Độ cho thấy giá dầu Nga phải trả trung bình là 72 USD/thùng trong năm nay tính đến thời điểm dầu đến quốc gia châu Á này. Theo dữ liệu do Viện KSE tại Kiev (Ukraine), mức giá này cao hơn 12 USD so với giá công bố tại điểm xuất khẩu ở Nga (60 USD, bằng mức trần mà G7 đã áp). Dữ liệu của Argus Media, chuyên theo dõi về giá hàng hóa và năng lượng, cho thấy có sự chênh lệch tương tự kể từ tháng 3. Trước tháng 2/2022, phần lớn dầu mỏ của Nga được xử lý bởi một nhóm nhỏ gồm các nhà bán buôn siêu quyền lực, vốn không đặt trụ sở ở các trung tâm lớn của thế giới như London và Geneva, như Tập đoàn Vitol, Glencore Plc và Tập đoàn Trafigura.
Họ đã vận chuyển khoảng 40% lượng dầu thô Urals của Nga vào năm 2021. Bộ ba công ty này đã rút khỏi hoạt động buôn bán dầu thô của Nga không lâu sau khi xung đột bùng phát do lo ngại các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thay thế họ là những tổ chức nhỏ hơn và khó “truy vết” hơn với các chi nhánh và trụ sở không rõ ràng. Ngoại trừ Lukoil PJSC của Nga, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ, 5 khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga hiện nay đều là những thực thể không rõ danh tính. Theo dữ liệu của Viện KSE, một trong số các công ty chỉ được thành lập sau tháng 2/2022. Một số công ty khác, trong đó có Bellatrix Energy và Nord Axis Ltd, có liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất riêng lẻ của Nga. Từ tháng 1-9/2023, Bellatrix đã xử lý khoảng 20% lô hàng từ Surgutneftegas, nhà xuất khẩu lớn thứ ba của Nga trong giai đoạn đó. Trong khi Nord Axis, được thành lập tại Hong Kong vào ngày 15/2/2022 – chỉ 9 ngày trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nord Axis chỉ mua dầu thô từ Rosneft PJSC. Gần 1/3 doanh thu của Rosneft PJSC đến từ Nord Axis.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Gallup thực hiện, 56% người Nga được hỏi tin rằng, nền kinh tế trong nước đang được cải thiện, trong khi 46% đồng ý rằng, mức sống cũng đang được cải thiện - một kỷ lục kể từ khi cuộc thăm dò được bắt đầu tiến hành vào năm 2006. Tâm lý lạc quan trên xuất hiện khi các nước phương Tây đang mất đi động lực tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với nhiều nhà phân tích hiện cho rằng Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến. Cuộc thăm dò của Gallup cho thấy nhận thức của người Nga về sự ổn định vẫn không thay đổi, chỉ 1/5 số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy căng thẳng, buồn bã hoặc tức giận, so với 36% người Ukraine. 75% người Nga được thăm dò cho biết họ hài lòng với quyền tự do cá nhân của mình, và con số đó đã tăng lên kể từ khi xung đột nổ ra. Một báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho thấy hành động nhanh chóng của Nga sau các lệnh trừng phạt toàn cầu đã cứu nước này khỏi sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn và người dân đã “thích nghi” với những điều kiện mới, không khác biệt nhiều so với trước xung đột. Một số người thậm chí còn có sự cải thiện về mức sống khi Chính phủ Nga tiến hành trợ cấp xã hội quy mô lớn và tăng lương. Hầu hết người Nga đều biết xung đột sẽ không kết thúc sớm nhưng “thay vào đó họ thích tập trung vào cuộc sống của chính mình hơn”, các tác giả của báo cáo viết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ bắt đầu được cảm nhận vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Một nguồn tin ngoại giao châu Âu bình luận rằng: “Các biện pháp trừng phạt giống như một vết thủng nhỏ trên lốp xe. Nó không xì hơi ngay lập tức nhưng sẽ có tác động”.
Bà Agedit Demarais, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nêu quan điểm: Đó là một cuộc đua đường dài chứ không phải một cuộc chạy nước rút. Bà cho biết mục tiêu của các biện pháp trừng phạt không phải là làm cho kinh tế Nga sụp đổ vì có thể tác động tới toàn cầu. Thay vào đó, mục đích của các biện pháp trừng phạt là hạn chế nguồn lực của Nga để đầu tư cho cuộc chiến với Ukraine.
Trong khi đó, chuyên gia Alexandra Prokopenko, người từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Nga từ năm 2019 đến đầu năm 2022, cho rằng, nền kinh tế Nga hoạt động tốt nhưng các chỉ số hoạt động có thể đang gây hiểu nhầm. Về phần mình, viết cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, ông Denis Volkov và Andrei Kolesnikov cho rằng người Nga đã thích nghi với các điều kiện kinh tế mới chỉ trong vòng một năm. Họ lưu ý: “Hầu hết người Nga hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc sớm và họ cố gắng không tập trung quá nhiều vào các chủ đề quân sự hoặc diễn biến ở mặt trận. Có vẻ xã hội Nga đã học được cách không quá lo lắng về xung đột”.
Điện Kremlin cảnh báo nguy cơ căng thẳng sau khi nhà chức trách Phần Lan tuyên bố sẽ kí thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận 15 căn cứ quân sự của nước này gần biên giới Nga.
Nguồn: [Link nguồn]