Khả năng Mỹ quay lại Afghanistan và hợp tác với Taliban
Vụ đánh bom tuần qua khiến kế hoạch di tản, rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ chệch hướng hoàn toàn.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28-8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận Bộ Quốc phòng đã ra lệnh tiến hành không kích bằng máy bay không người lái tiêu diệt một loạt mục tiêu thuộc tổ chức khủng bố ISIS-K đang hoạt động ở Afghanistan, bao gồm ít nhất hai tên là thủ lĩnh cấp cao. Nhóm này trước đó đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom ở sân bay Kabul khiến ít nhất 90 dân thường Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng hôm 26-8.
Binh sĩ Mỹ chăm sóc một bé gái Afghanistan ở sân bay Kabul ngay sau vụ đánh bom ngày 26-8. Ảnh: AP
“Đây không phải là đợt không kích cuối cùng ở Afghanistan. Chúng tôi đã lựa chọn thời điểm kỹ lưỡng và chờ khi tất cả phụ nữ và trẻ em rời khỏi khu vực sẽ tấn công. Việc tiêu diệt các phần tử khủng bố này là hoàn toàn đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn cho các công dân Mỹ và người Afghanistan đang di tản ở thủ đô Kabul” - ông Biden nhấn mạnh, theo đài CNN.
Hiện chiến dịch di tản của Mỹ và đồng minh chỉ còn một ngày nữa là tới hạn kết thúc nhưng số lượng người cần được đưa khỏi Afghanistan vẫn rất đông, làm gia tăng nguy cơ xảy ra thêm một vụ đánh bom khác.
Thế khó xử của ông Biden về Afghanistan
Hiện câu hỏi được đặt ra là liệu ông Biden có thể hoàn thành lời hứa chấm dứt hoàn toàn hiện diện quân sự Mỹ khỏi quốc gia này hay không trước tình hình bất ổn an ninh mới.
Trong bài phát biểu ngày 26-8, ông Biden đã sử dụng những ngôn từ mạnh bạo như sẽ “săn lùng” các đối tượng khủng bố, “bắt chúng phải trả giá” và “chúng tôi sẽ không bao giờ quên, không bao giờ tha thứ”. Tuyên bố của ông Biden dường như có nét tương đồng với phát biểu của người tiền nhiệm George W. Bush sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 - bước ngoặt dẫn tới việc Mỹ gửi quân vào Afghanistan. Theo CNN, sự tương đồng đó phản ánh sự thật rằng tổng thống Mỹ vẫn bị bóng ma khủng bố bủa vây, ngay cả khi Mỹ đang quyết tâm rút khỏi vũng lầy.
Trên thực tế, vụ tấn công đã cho thấy mục tiêu nhổ tận gốc chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan của Mỹ vẫn chưa hoàn thành như ông Biden tuyên bố khi thông báo rút quân. ISIS-K thậm chí không phải là nhóm khủng bố duy nhất đang hoạt động ở Afghanistan mà hàng loạt tổ chức cực đoan khác cũng đang trỗi dậy, một phần do phe Taliban khi tiến quân tái chiếm Afghanistan đã mở cửa tù, phóng thích thành viên của các tổ chức này.
Hơn nữa, năng lực tấn công đáp trả của quân đội Mỹ lúc này đang rất hạn chế do không còn căn cứ quân sự nào ở Afghanistan hay ở các nước có đường biên giới liền kề. Lựa chọn khả dĩ nhất là sử dụng không quân để trấn áp các mối đe dọa.
“Giai đoạn sắp tới sẽ là bài kiểm tra thực tế đầu tiên về năng lực tác chiến sử dụng sức mạnh không quân hoặc máy bay không người lái trang bị tên lửa mà không có bộ binh mặt đất xuất hiện trên chiến trường của chính quyền ông Biden” - chuyên gia quân sự Stephen Collinson của CNN nhận định. Tuy nhiên, nếu ông Biden chọn giải pháp sử dụng không quân như trên thì rõ ràng ông đã thừa nhận kế hoạch rút khỏi Afghanistan và sự can dự của Mỹ chỉ chuyển từ dạng chiến tranh này sang dạng chiến tranh khác.
Ông Collinson còn nhận định thêm rằng việc Mỹ ở lại hay rời đi cũng ảnh hưởng tới chiến dịch di tản hiện tại. Nếu rời đi thì Mỹ sẽ không có nhân lực trên mặt đất để hỗ trợ những người muốn di tản khỏi Afghanistan trước thời hạn 31-8 nhưng bị mắc kẹt lại. Còn nếu ở lại thêm thì có thể quân đội Mỹ và dân thường lại phải chịu thêm tổn thất từ các đợt tấn công khủng bố mới.
Cơ hội để Mỹ - Taliban hợp tác?
Theo tờ The New York Times, các quan chức ngoại giao, tình báo và quân sự của Mỹ đang có các cuộc thảo luận mang tính hợp tác với Taliban, vì nhóm này đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ ở sân bay Kabul, chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ và cả vũ khí của hành khách. Đây nhìn chung là một mối “quan hệ chiến trường” không thể tránh khỏi bởi ban đầu phía Mỹ muốn làm việc với quân đội của chính quyền Afghanistan nhưng lực lượng này sụp đổ quá nhanh khiến Mỹ phải thay đổi ý định.
Sau vụ đánh bom ngày 26-8, người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ - tướng Kenneth F. McKenzie đã cho biết quân đội Mỹ đã yêu cầu Taliban điều chỉnh các hàng rào an ninh và đóng một số tuyến đường cụ thể mà Mỹ đã xác định là nguồn đe dọa. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho những cuộc tấn công có thể xảy ra. Điều đó bao gồm việc tiếp cận Taliban. Chúng tôi sẽ vẫn phối hợp với họ chừng nào lực lượng này còn tiếp tục công việc hiện nay” - tướng McKenzie khẳng định.
Mặt khác, cũng trong ngày 26-8, các lực lượng Mỹ đã đánh sập căn cứ Eagle ở ngoại ô Kabul - từng được tình báo Mỹ sử dụng làm nơi huấn luyện các lực lượng chống khủng bố Afghanistan, nhằm ngăn chặn khả năng căn cứ này rơi vào tay Taliban. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Taliban.
Nhìn chung, The New York Times nhận định các quan chức Mỹ đến giờ vẫn có thể tin tưởng rằng họ có thể dựa vào Taliban để ngăn chặn các cuộc tấn công từ các tổ chức khủng bố như ISIS-K. Nhóm này và Taliban cũng đã từng nhiều lần đối đầu nhau ở Afghanistan.
Dù vậy, việc Taliban phóng thích hàng loạt tù nhân trước khi xảy ra vụ đánh bom ở sân bay Kabul vẫn là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy lực lượng này sẽ hành động theo những cách không đáng tin cậy, từ đó dẫn đến những diễn biến có thể gây nguy hiểm cho Mỹ.
Kịch bản khả dĩ nhất là khi quá trình di tản hoàn tất, phần lớn công tác liên lạc thường xuyên với Taliban có thể do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thực hiện. Chuyến thăm Kabul hôm 23-8 của Giám đốc CIA William J. Burns có thể là sự khởi đầu cho các phiên làm việc chung giữa hai bên những năm tới.
Tuy nhiên, việc CIA đàm phán và hợp tác với Taliban ở mức độ nào có thể sẽ phụ thuộc vào hành vi của nhóm này. Nếu Taliban cho phép Mỹ tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu của ISIS-K và al-Qaeda cũng như cung cấp thông tin về các phần tử khủng bố tại Afghanistan thì chính phủ Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ hợp tác với họ.
Hướng đi cụ thể nào cho quan hệ Mỹ - Taliban vẫn còn đang được xem xét. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc Mỹ can dự sâu hơn với Taliban là điều cần thiết bởi sự thật phe này đang là thế lực kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan và sẽ là lực lượng quan trọng chống lại các nhóm khủng bố lẻ tẻ. THE NEW YORK TIMES |
ISIS-K là ai? Theo hãng tin AP, ISIS-K, hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan hoặc IS-K, là một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan và là kẻ thù không đội trời chung của lực lượng Taliban. Trong những năm gần đây, ISIS-K đã nhiều lần tấn công thường dân ở Afghanistan. Chi nhánh IS ở Afghanistan cực đoan hơn Taliban nhiều. ISIS-K từng công khai chặt đầu các nhà báo nước ngoài và những người khác bị nhóm này bắt giữ tại Iraq và Syria. Địa bàn hoạt động chính của ISIS-K là các đô thị, gây khó khăn hơn cho các nỗ lực tấn công của Mỹ nhắm vào nhóm này vì rủi ro gây thương vong cho dân thường. Theo một báo cáo công bố năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), ISIS-K đặt căn cứ chính tại hai tỉnh là Kunar ở phía đông Kabul và Nangarhar gần biên giới Pakistan. Thời điểm đó, nhóm này có khoảng 1.500-2.000 tay súng nhưng số lượng hiện nay thì không rõ. |
Talian đã tăng cường lực lượng quanh sân bay Kabul hôm 28/8 để ngăn các đám đông tụ tập, sau khi IS thực hiện vụ đánh...
Nguồn: [Link nguồn]