Khả năng Mỹ can thiệp trực tiếp vào Ukraine ra sao?
Mỹ ủng hộ Ukraine trong thế đối đầu với Nga, song sẽ khó có khả năng can thiệp trực tiếp bởi Ukraine hiện không mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.
Họp báo ngày 11-4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington đang rất quan ngại về số lượng binh sĩ, khí tài quân sự Nga tập trung ở biên giới Ukraine. Ông cảnh báo nếu Nga có hành động gây hấn và làm phức tạp thêm tình hình ở vùng Donbass (Đông Ukraine) “sẽ phải hứng chịu hậu quả”, theo hãng tin Reuters. Vị ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ đang thảo luận về diễn biến khu vực biên giới Nga - Ukraine với đồng minh và đối tác.
Một sĩ quan quân đội Mỹ (phải) hướng dẫn các binh sĩ Vệ binh quốc gia Ukraine (trái) khi hai nước tập trận chung ở TP Yavoriv hồi tháng 11-2014. Ảnh: AP
Mỹ tăng hiện diện ở Ukraine
Trước phát ngôn này, điện đàm với những người đồng cấp các nước đồng minh châu Âu là Pháp, Anh và Đức trong hai ngày 9 và 10-4, ông Blinken đã liên tục tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền Ukraine. Ông Blinken cũng công khai tuyên bố Mỹ và đồng minh sẵn sàng hỗ trợ Kiev chống lại “các đòn khiêu khích đơn phương” từ Moscow và phe muốn ly khai ở Donbass.
Do vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có khả năng Mỹ sẽ can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp vào khu vực Donbass một khi kịch bản xung đột quân sự Ukraine - Nga thành hiện thực? Đang dần xuất hiện những chỉ dấu đầu tiên cho thấy Washington muốn thiết lập sự hiện diện rõ ràng và thực tế hơn ở Donbass, với việc trang tin quân sự Avia.pro mới đây cho biết các máy bay vận tải quân dụng của Mỹ nhiều ngày qua đã liên tục bay tới Ukraine.
27 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong các đợt giao tranh với phe ly khai ở khu vực Donbass tính trong nửa đầu năm nay, tờ The Guardian ngày 11-4 dẫn nguồn quân đội Ukraine đưa tin. Con số này nếu so với năm ngoái là nhiều hơn gấp hai lần. |
Chưa rõ các máy bay này mang theo gì nhưng Avia.pro dự đoán có khả năng là chở tên lửa chiến thuật cho quân đội Ukraine, đặc biệt là các tổ hợp HIMARS có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly lên đến 300 km cùng các chuyên viên, cố vấn quân sự Mỹ hỗ trợ công tác tham mưu. Một số báo, đài Nga dẫn nguồn lực lượng ly khai ở Donbass đưa tin rằng Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Mỹ (USSOCOM) đã điều lực lượng đặc nhiệm đến Ukraine để hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine, dù thông tin hiện chưa thể xác thực được vì chưa bên nào lên tiếng xác nhận.
Song song với các hoạt động này, hải quân Mỹ chuẩn bị điều hai khu trục hạm đến biển Đen phía bắc Ukraine vào tuần tới, thông tin vừa được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận ngày 9-4, theo đài CNN. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko quan ngại rằng ngày càng “nhiều nước không có đường bờ biển ở biển Đen” nhưng lại liên tục gia tăng hoạt động quân sự ở đây.
Mỹ sẽ đi xa tới mức nào?
Theo trang tin World Politics Review, có thể các động thái trên đã là giới hạn xa nhất mà Mỹ có thể làm với Ukraine mà vẫn tránh làm Nga quá phật lòng. Nếu làm quá đến mức Moscow có động thái trả đũa thì xung đột sẽ lôi cả Mỹ và toàn liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào. Một cuộc chiến với quy mô như vậy chắc chắn sẽ gây tổn thất nghiêm trọng và không tốt cho hình ảnh người hòa giải, chú trọng đàm phán mà ông Biden đang muốn truyền tải đến cộng đồng quốc tế.
Nhìn rộng ra, về mặt chiến lược, Mỹ cũng khó thu được lợi ích nào đáng kể khi can thiệp vào Donbass để giúp chính quyền Kiev đánh phe ly khai, lý do là Donbass cách quá xa lãnh thổ Mỹ và bị kẹp giữa Ukraine và Nga. Ngay cả khi chiến thắng thì Mỹ chắc chắn sẽ phải hỗ trợ thêm quá trình tái thiết sau xung đột và cuối cùng rút quân về, vì sau cùng đây vẫn là lãnh thổ của Ukraine chứ không phải một quốc gia độc lập để Mỹ có thể lan rộng ảnh hưởng.
Ngày 11-4, khi được hỏi về khả năng nổ ra chiến tranh trực tiếp giữa Nga và Ukraine về vấn đề Donbass, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitri Peskov khẳng định hiện tại Nga không phải là một bên trực tiếp xung đột ở Ukraine và không có ý định phát động cuộc chiến, theo hãng tin TASS. Dù vậy, ông Peskov cũng nhấn mạnh tuy không phải một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng Moscow chắc chắn “sẽ không thờ ơ” với số phận của những người nói tiếng Nga sinh sống ở vùng chiến sự và sẽ làm mọi cách để giải quyết tình hình. Phát ngôn của ông Peskov nhìn chung có phần dễ chịu hơn Phó Chánh Văn phòng tổng thống Nga Dmitri Kozak, khi ông này hôm 9-4 từng cảnh báo Moscow sẽ hành động quyết liệt nếu Kiev có ý định khiêu khích, đe dọa đối đầu với Nga sẽ là “hồi kết của Ukraine”. |
Có ý kiến cho rằng giúp bảo vệ Donbass sẽ khiến Kiev có thiện cảm hơn với Washington nhưng rõ ràng là các gói viện trợ quân sự hàng trăm triệu USD lâu nay của Mỹ đã giúp hoàn thành nhiệm vụ đó. Cái Ukraine cần là được gia nhập NATO để được bảo vệ trước mối đe dọa an ninh lớn nhất ngay sát sườn là Nga thì lại không nằm hoàn toàn trong quyết định của Mỹ, bởi mọi thành viên NATO đều có quyền phủ quyết đơn xin gia nhập của một nước ngoài khối.
Hơn nữa, từ cuối nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama đến nay, giới lãnh đạo Mỹ xác định rõ trọng tâm cân bằng quyền lực sẽ tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và đã dồn rất nhiều công sức vạch chiến lược phát triển ở khu vực này và kìm hãm Trung Quốc - vốn đang đe dọa trực tiếp vị thế của Mỹ. Mỹ rất khó thay đổi cách tiếp cận này để bắt đầu một cuộc xung đột như ở Donbass.
Cuối cùng, Nga về cơ bản cũng không thực chất muốn tiến hành chiến tranh ở Donbass bởi tình thế căng thẳng có lợi hơn cho nước này về mặt chính trị trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây đang xuống dốc. Việc có một tình huống như Donbass sẽ là con bài đắc lực để Nga mặc cả với phương Tây trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới, hoặc đơn giản chỉ dùng để gây áp lực với phương Tây theo kiểu: “Nếu các ông không lùi bước thì chúng tôi sẽ làm căng ở Donbass, và tất cả chúng ta đều không muốn điều đó xảy ra”.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc bộ đồ màu đen tới mắt cá chân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky âm thầm cùng các binh sĩ đến thăm khu vực tiền...