Cảnh báo khả năng đánh bắt "vô tận" của đội tàu cá TQ
Trong khi Bắc Kinh tuyên bố “không khoan nhượng” hành vi đánh bắt trái phép và siết chặt hơn hoạt động đánh cá của các đội tàu nước này thì hơn 300 tàu cá Trung Quốc vẫn ở lại vùng biển gần quần đảo di sản Galapagos.
Một đội tàu đánh cá Trung Quốc (ảnh: BBC)
Việc hải quân Ecuador mới đây phát hiện một đội tàu đánh cá “khủng” của Trung Quốc ngay ngoài khơi quần đảo di sản Galapagos đã khiến Bắc Kinh hứng chỉ trích từ truyền thông phương Tây.
Dưới áp lực dư luận quốc tế và từ Ecuador, Trung Quốc cho biết họ sẽ siết chặt hoạt động của các đội tàu cá trên vùng biển quốc tế với loạt quy định mới.
Tuy nhiên, 325 tàu cá Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở vùng biển gần Ecuador. Một nửa trong số những tàu cá này ngắt tín hiệu liên lạc vệ tinh – hành động vi phạm quy định của tổ chức nghề cá khu vực và tỏ ra thiếu hợp tác với chính quyền địa phương.
Điều này phần nào cho thấy sự khó khăn của những nước nhỏ trong việc phản đối hoạt động đánh bắt cá theo kiểu “càn quét” của các đội tàu đông đảo từ Trung Quốc, The Guardian bình luận.
Trung Quốc là quốc gia sở hữu đội tàu đánh cá đông nhất thế giới. Những đội tàu cá Trung Quốc di chuyển khắp các đại dương, từ vịnh Guinea ở châu Phi cho tới bán đảo Triều Tiên.
Ở các vùng biển tranh chấp, tàu cá Trung Quốc hoạt động như một “công cụ” để thực thi các yêu sách chủ quyền.
Các tàu này thường tắt tín hiệu liên lạc để tránh bị phát hiện. Việc khai thác quá mức của tàu cá Trung Quốc gây cạn kiệt nguồn lợi sinh vật và đe dọa an ninh lương thực của những quốc gia nghèo.
Trung Quốc đã ban hành một số quy định mới, bao gồm việc phạt nặng một số công ty, thuyền trưởng tàu cá có liên quan đến việc đánh bắt cá trái phép, không báo cáo hoạt động.
Tàu hải quân Ecuador giám sát một tàu cá nước ngoài gần quần đảo Galapagos (ảnh: The Guardian)
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường ở Galapagos tỏ ra nghi ngờ điều này.
“Thông báo của Trung Quốc chỉ mang tính hình thức, họ vẫn chẳng có gì thay đổi”, Pablo Guerrero – giám đốc tổ chức bảo tồn biển WWF Ecuador – nhận xét.
“Những đội tàu Trung Quốc hoạt động không ngừng nghỉ, khả năng đánh bắt của họ dường như là vô tận khi không cần quay trở lại cảng. Họ có các ‘tàu mẹ’. Cá được chất lên các ‘tàu mẹ’ và họ đánh bắt thoải mái suốt ngày, không có sự kiểm soát”, ông Pablo Guerrero nói.
“Đội tàu cá Trung Quốc rất lớn và phức tạp. Họ có hàng trăm tàu đánh bắt, có tàu cung cấp nguyên liệu, tiếp tế, tàu đông lạnh trữ cá… Những tàu này chủ yếu nằm trong tay một vài công ty”, ông Pablo Guerrero nhận xét.
Tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch và Viện phát triển Nước ngoài (ODI) cho rằng, số lượng tàu cá thực tế của Trung Quốc vượt xa dự báo. Theo ODI, Trung Quốc có tới 16.966 tàu cá.
“Chúng tôi khá sốc trước con số này. Trước đó, chúng tôi ước tính Trung Quốc chỉ có 4.000 – 5.000 tàu cá”, Miren Gutierrez – chuyên gia từ ODI – nói.
Nghiên cứu của ODI cho rằng, Trung Quốc hỗ trợ khoảng 16,6 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động đánh bắt cá, bao gồm miễn thuế, giảm giá nhiên liệu.
“Hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển quốc tế không phải bất hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các tàu Trung Quốc thường sử dụng những ngư cụ bị cấm dùng trong nước vì nguy cơ tổn hại nghiêm trọng hệ sinh thái. Họ khai thác cả sinh vật cần bảo tồn”, ông Miren Gutierrez nói.
Một tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt giữ với hơn 300 tấn cá mập búa quý hiếm (ảnh: The Guardian)
Philip Chou – chuyên gia bảo tồn biển tại tổ chức Oceana – cho rằng, để ngăn chặn việc đánh bắt quá mức, đã đến lúc Trung Quốc phải minh bạch hơn, công bố công khai sản lượng khai thác cá, vị trí và thời gian hoạt động thực tế của những đội tàu. Đặc biệt là công bố những thỏa thuận khai thác cá ký kết với các nước nghèo.
“Trung Quốc phải chứng minh bằng hành động, sự minh bạch để thể hiện sự thay đổi của họ. Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc nói đi đôi với làm”, chuyên gia Philip Chou nhận xét.
Theo ông Philip Chou, sự thiếu minh bạch khiến quốc tế không thể biết được Trung Quốc đã khai thác được bao nhiêu hải sản trong bối cảnh suy giảm sinh vật biển đang ở tình trạng báo động.
“Những tàu cá Trung Quốc đến đây, thả lưới và kéo tất cả mọi thứ lên thuyền. Theo quy định của Ecuador, chúng tôi phải đưa một người có kiến thức hoặc một chuyên gia sinh vật biển lên tàu khi đánh bắt xa bờ. Người đó có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của chúng tôi. Nếu chúng tôi bắt được một con cá mập búa, chúng tôi phải thả nó về biển. Vậy còn các tàu Trung Quốc thì sao? Ai kiểm soát họ?”, thuyền trưởng của một tàu cá ở Ecuador nói.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cùng một số cơ quan khác đang điều tra chính quyền một huyện ở tỉnh...
Nguồn: [Link nguồn]