Khả năng chấm dứt đại dịch trong tầm tay

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Sự xuất hiện của các loại vaccine từ cuối năm 2020 và gần đây là tế bào T "sát thủ" đã mang lại hi vọng mới về khả năng chấm dứt đại dịch COVID-19 trong tầm tay.

Cần sự đoàn kết toàn cầu

Rõ ràng, hiện tại vaccine ngừa COVID-19 có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ gói kích thích tài chính hay tiền tệ nào trong đại dịch, không chỉ về việc cứu sống và bảo vệ mọi người, mà còn về việc đặt ra một con đường dẫn tới phục hồi kinh tế. Điều này là bởi chừng nào virus SARS-CoV-2 còn lan truyền, sự tái nhiễm vẫn sẽ tiếp tục và các nỗ lực phục hồi thương mại, du lịch vẫn bị trì hoãn. Tuy nhiên, tác động tiềm tàng của vaccine lại hoàn toàn không chắc chắn trong việc đảm bảo sự tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với người dân trên khắp thế giới.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự đoàn kết toàn cầu để ủng hộ kế hoạch Cơ sở Tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX), một sáng kiến quốc tế nhằm đưa vaccine tới khắp mọi nơi trên toàn cầu. Kế hoạch COVAX là cách duy nhất để có thể phục hồi nền kinh tế thế giới và tránh được chia rẽ về vaccine toàn cầu.

Với hơn 190 chính phủ tham dự, sáng kiến này đã đảm bảo 2,3 tỉ liều vaccine COVID-19 ban đầu cho năm 2021. Với sự hạn chế nguồn cung toàn cầu hiện tại, kế hoạch COVAX hy vọng sẽ phân phát khoảng 120 triệu liều vaccine cho tới cuối tháng 3, và 340 triệu liều cho tới giữa năm 2021. Điều này có nghĩa là kể cả trong một thế giới bị hạn chế nguồn cung, kế hoạch COVAX vẫn sẽ đi đúng hướng để đáp ứng lịch trình phân phối vaccine ban đầu.

Tuy nhiên, mặc dù đây là một tin tốt, nhưng tốc độ tiếp cận vaccine lại là điểm mấu chốt và thế giới có thể hành động nhanh hơn nữa. Đặc biệt, các nước có thu nhập cao hơn có thể giúp thúc đẩy việc phân phối vaccine công bằng bằng cách ủng hộ các liều vaccine dư thừa cho COVAX.

Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga.

Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga.

Bằng cách làm việc cùng nhau thay vì tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các công ty dược phẩm, chính phủ có thể giảm thiểu áp lực trực tiếp lên nguồn cung cấp vaccine toàn cầu mới. Điều này sẽ cho phép các quốc gia cần vaccine nhất được ưu tiên sao cho phù hợp, và ngăn chặn lịch sử lặp lại giống như trận đại dịch cúm heo (H1N1) vào năm 2009, khi vaccine về tay người trả giá cao nhất. Chủ nghĩa dân tộc về vaccine cũng cần phải chấm dứt dưới mọi hình thức.

Việc hạn chế nguồn cung toàn cầu vốn chỉ có giới hạn sẽ khiến những nước cần vaccine nhất càng khó có được nó và do đó đặt mọi người vào tình thế nguy hiểm bằng cách cho phép virus tiếp tục lan rộng và biến đổi. Sự đoàn kết toàn cầu trong phân phối vaccine là giải pháp duy nhất. Trong bối cảnh các chính phủ đang phải chịu áp lực nặng nề nhằm đảm bảo vaccine COVID-19 cho tất cả công dân của nước mình, việc đưa ra một lập trường toàn cầu có lẽ không phải sự lựa chọn dễ dàng nhất hoặc phổ biến nhất. Tuy nhiên, việc đảm bảo rằng tất cả người dân trên khắp thế giới được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với vaccine không chỉ đúng về mặt đạo đức, mà còn là cách nhanh nhất để kết thúc cuộc khủng hoảng và giúp phục hồi nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu, 103 quốc gia và vùng lãnh thổc đã tiêm hơn 231 triệu liều. Israel là nước đi đầu trong nỗ lực này, với hơn 50% tổng dân số được tiêm ngừa ít nhất một mũi. Tiến độ tiêm vaccine tại Mỹ cũng vượt kế hoạch, khi hoàn thành được 50% mục tiêu trong khoảng 1/3 thời gian đề ra, với trung bình 1,44 triệu mũi tiêm/ngày.

Nỗ lực triển khai vaccine toàn cầu cũng có thêm các tín hiệu vui khi một số loại vaccine được chứng minh có hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, nguồn cung có thể sẽ dồi dào hơn sau khi có thêm một số mẫu được cấp phép lưu thông. Nghiên cứu khoa học quy mô nhất của Israel mới đăng trên tạp chí uy tín Lancet khẳng định, vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ lên tới 94% đối với những trường hợp mắc có triệu chứng.

Kết luận khoa học này có ý nghĩa rất lớn với chiến dịch tiêm phòng đại trà trên thế giới, khi các kết luận về hiệu quả vaccine trước đó mới chỉ dừng ở góc độ thử nghiệm lâm sàng, không phải trong các điều kiện thực tế với sự đa dạng về thành phần, hậu cần cũng như bảo quản vaccine. Liên danh Pfizer-BioNTech cũng đang tiến hành cứu bổ sung thêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba vào cơ chế tiêm chủng và thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi.

Tế bào T "sát thủ"

Trong cuộc chiến với các biến chủng mới của SARS-CoV-2, ngoài kháng thể, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu khả năng bảo vệ cơ thể trước COVID-19 của tế bào T. Theo đó, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu thêm về tế bào T vì lo ngại các biến chủng mới có thể vô hiệu hóa kháng thể. Tế bào T là một nhóm tế bào miễn dịch có thể tìm và phá hủy tế bào nhiễm virus. Họ hy vọng tế bào T có thể giúp cơ thể có chút miễn dịch chống COVID-19 khi mà kháng thể không còn hiệu quả tuyệt đối trong chống căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu đang chọn lọc dữ liệu hiện có để tìm dấu hiệu cho thấy tế bào T có thể giúp duy trì miễn dịch lâu dài.

Trong cơ thể người, ngoài kháng thể, hệ miễn dịch còn sản sinh ra nhiều tế bào T có thể nhằm vào virus. Một số loại tế bào T được gọi là tế bào T "sát thủ" (tế bào CD8+ T), có khả năng tìm và phá hủy tế bào nhiễm virus. Một số tế bào khác được gọi là tế bào T hỗ trợ (tế bào CD4+ T) rất quan trọng với các chức năng miễn dịch, trong đó có chức năng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào T sát thủ. Tế bào T không ngăn chặn lây nhiễm virus, vì nó chỉ hành động sau khi virus đã xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, tế bào T có vai trò quan trọng trong xử lý tình trạng lây nhiễm đã bắt đầu trong cơ thể.

Trong trường hợp COVID-19, tế bào T có thể quyết định tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân. Bà Annika Karlsson, nhà miễn dịch tại Viện Karokinska ở Stockholm, nhận định: "Nếu tế bào T có thể diệt tế bào nhiễm virus trước khi chúng lan rộng từ đường hô hấp trên, tế bào này sẽ quyết định mức độ nhiễm bệnh của bạn". Tế bào T có thể giảm lây lan virus bằng cách hạn chế số lượng virus di chuyển trong cơ thể bệnh nhân, có nghĩa là người đó sẽ phát tán ít virus hơn ra cộng đồng. Tế bào T cũng có thể mạnh hơn kháng thể khi đối mặt với các mối đe dọa mà biến chủng mới gây ra.

Nghiên cứu của ông Alessandro Sette và đồng nghiệp tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California (Mỹ) cho thấy, những người nhiễm virus SARS-CoV-2 thường sản sinh ra tế bào T nhằm vào ít nhất từ 15 đến 20 mảnh khác nhau của protein trong virus. Tuy nhiên, tế bào T nhằm vào mảnh protein nào thì khác nhau ở từng người, có nghĩa là một cộng đồng dân số sẽ tạo ra rất nhiều loại tế bào T có thể đối phó virus. Ông Sette nói: "Điều này khiến virus rất khó biến đổi để trốn tránh bị tế bào nhận diện, khác với trường hợp kháng thể". Vì thế, khi thử nghiệm tại phòng thí nghiệm cho thấy biến thể 501Y.V2 ở Nam Phi (hay còn gọi là B.1.351) làm giảm hiệu quả kháng thể được sinh ra để chống lại các biến thể trước đó, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến khả năng tế bào T có thể ít bị tổn thương trước các đột biến của virus. Kết quả ban đầu cho thấy điều này có thể có khả năng. Nếu tế bào T có tác dụng với biến thể 501Y.V2, chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị mắc bệnh nặng. Dù vậy, vẫn chưa thể biết chắc chắn với lượng dữ liệu hiện nay.

Một số nhà sản xuất vaccine COVID-19 đã tìm cách nâng cấp vaccine để vaccine có thể kích thích tế bào T hiệu quả hơn. Kháng thể chỉ phát hiện được protein bên ngoài tế bào và nhiều vaccine COVID-19 chỉ nhằm vào protein gai bên ngoài bề mặt virus. Tuy nhiên, protein gai lại hay biến đổi, gây nguy cơ biến thể mới sẽ lẩn trốn kháng thể. Trái lại, tế bào T có thể nhằm vào các protein bên trong tế bào nhiễm virus và một số protein này rất ổn định. Điều này đặt ra khả năng phát triển vaccine nhằm vào các protein ít biến đổi hơn protein gai. Hoặc vaccine có thể được thiết kế để nhằm vào nhiều protein hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Lính TBN mặc áo hở ngực, cơ bắp cuồn cuộn chống Covid-19

Bộ trang phục đặc biệt càng khiến những người lính Tây Ban Nha lộ rõ vẻ nam tính và cơ bắp đầy sức hút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN