Kết quả xét nghiệm ADN, chụp X quang, chụp CT xác ướp "nàng tiên cá" Nhật Bản

Bí ẩn kéo dài suốt hàng thế kỷ về xác ướp “nàng tiên cá” ở Nhật Bản cuối cùng đã có lời giải đáp.

Xác ướp “nàng tiên cá” cùng bức thư đi kèm (ảnh: The Sun)

Xác ướp “nàng tiên cá” cùng bức thư đi kèm (ảnh: The Sun)

Xác ướp sinh vật bí ẩn, dài khoảng 30 cm, mệnh danh là “nàng tiên cá” được thờ trong ngôi đền Enjuin ở thành phố Asakuchi, tỉnh Okayama (Nhật Bản). Theo trụ trì ngôi đền, xác ướp này xuất hiện vào khoảng từ năm 1736 – 1741.

Với khuôn mặt có vẻ như đang nhăn nhó, hàm răng nhọn, có tóc và lông mày, nửa thân trên của sinh vật này khá giống người, còn nửa thân dưới là đuôi cá.

“Ở Nhật Bản, các nàng tiên cá thường gắn liền với huyền thoại về sự bất tử. Người ta nói rằng, nếu ăn thịt của tiên cá, bạn sẽ không bao giờ chết. Có một câu chuyện được kể từ đời này sang đời khác ở nhiều nơi trên nước Nhật, rằng, một ngư dân đã ăn thịt tiên cá và sống thọ tới 800 năm”, Hiroshi Kinoshita – chuyên gia thuộc Hiệp hội Văn hóa Dân gian tỉnh Okayama – cho biết.

Theo ông Kinoshita, một bức thư có niên đại từ năm 1903 được lưu giữ cùng xác ướp “nàng tiên cá” có thể giải thích phần nào nguồn gốc của sinh vật này.

“Một tiên cá bị mắc vào lưới ở tỉnh Kochi. Ngư dân bắt được nó không biết đây là tiên cá. Họ mang đến tỉnh Osaka và bán nó như một con cá kỳ lạ. Tổ tiên của tôi đã mua được nó và giữ nó như một báu vật gia đình”, nội dung thư viết.

Để khám phá bí ẩn về “nàng tiên cá”, nhóm các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki (Nhật Bản) đã sử dụng công nghệ chụp X quang, chụp CT và xét nghiệm ADN xác ướp.

Quá trình phân tích kéo dài hơn 1 năm, từ đầu tháng 2/2022.

Hôm 18/2, The Sun dẫn kết quả nghiên cứu từ nhóm khoa học cho biết, xác ướp “nàng tiên cá” trong đền Enjuin là “đồ giả”.

Ảnh chụp X quang xác ướp “nàng tiên cá” (ảnh: Asahi)

Ảnh chụp X quang xác ướp “nàng tiên cá” (ảnh: Asahi)

Phần thân dưới xác ướp chứa xương và đây có thể là đuôi của một con cá thuộc loài Sciaenidae (cá lù đù). Phần mặt xác ướp có xương hàm của một giống cá ăn thịt. Tuy nhiên, xác ướp này không có xương sống, xương sọ và xương sườn, kết quả nghiên cứu cho thấy.

Bên trong xác ướp chứa nhiều vải, giấy, bông và thạch cao. Phần đầu gần như làm hoàn toàn bằng bông. Bề mặt xác ướp dán các lớp giấy mỏng, da cá nóc và lông động vật.

Các nhà nghiên cứu cho biết, xác ướp “nàng tiên cá” rất có thể được con người tạo ra vào cuối những năm 1880, muộn hơn khoảng một thế kỷ so với ước tính trước đó của trụ trì đền Enjuin.

Ông Kozen Kuida – trụ trì đền Enjuin – cho biết, mặc dù là giả, nhưng xác ướp “nàng tiên cá” vẫn sẽ là bảo vật quý của ngôi đền.

“Nó mang ý nghĩa tâm linh. Nhiều người đã tới đền và cầu nguyện trước nàng tiên cá”, ông Kuida nói.

“Mặc dù xác ướp được xác định là giả nhưng phần nào nó cũng cấu tạo từ những vật sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ nó một cách cẩn thận”, ông Kuida nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện mới về xác ướp ”cậu bé vàng” Ai Cập: 49 bùa hộ mệnh quý giá

Xác ướp thiếu niên Ai Cập với 49 loại bùa hộ mệnh được giới khảo cổ đặt tên là “cậu bé vàng” vì chiếc mặt nạ vàng đặc trưng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – The Sun, Asahi ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN