Kết quả cuộc họp khẩn giữa các nước châu Âu khi Nga - Mỹ xúc tiến đàm phán
Cuộc họp khẩn do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập tại Paris nhằm thảo luận về phản ứng của châu Âu trước các động thái mới từ chính quyền Trump và cuộc đàm phán sắp diễn ra giữa Nga và Mỹ.
Đức và Pháp là hai quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu ở châu Âu. Ảnh: AFP.
Kết quả cuộc họp cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu và lo ngại về an ninh khu vực khi Mỹ dường như đang rút lui khỏi trách nhiệm bảo vệ châu lục.
Lí do cuộc họp khẩn cấp tại Paris
Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo châu Âu tại Điện Elysee diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái khiến châu Âu lo ngại. Sau chuyến thăm châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, các lãnh đạo châu Âu đã bị sốc bởi thái độ cứng rắn của Washington và kế hoạch đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine hay châu Âu.
Đặc biệt, bài phát biểu của ông Vance tại Hội nghị An ninh Munich chỉ trích việc châu Âu loại bỏ các đảng cánh hữu khỏi quyền lực đã làm dấy lên tranh cãi. Thêm vào đó, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin – động thái đi ngược lại chính sách cô lập Moscow mà châu Âu duy trì từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen tới tham dự cuộc họp ở Điện Elysee, thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: AFP.
Trước tình hình này, Tổng thống Macron đã triệu tập cuộc họp với sự tham gia của các lãnh đạo Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, cùng đại diện của Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và NATO.
Bước ngoặt về an ninh
Tại cuộc họp, các lãnh đạo châu Âu bàn về cách đảm bảo an ninh cho lục địa trong bối cảnh Mỹ có thể rút bớt lực lượng và thỏa thuận riêng với Nga. Họ cũng xem xét các biện pháp duy trì hỗ trợ Ukraine về tài chính và quân sự, đồng thời tính đến khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "An ninh châu Âu đang ở bước ngoặt. Không chỉ về Ukraine mà còn là về chính chúng ta. Chúng ta cần tư duy khẩn trương và đẩy mạnh quốc phòng ngay lập tức”.
Tuy nhiên, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan phản đối ý tưởng đưa quân đến Ukraine, cho rằng thảo luận về vấn đề này bây giờ vẫn còn quá sớm và mang tính rủi ro cao. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: "Thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình lúc này là hoàn toàn không phù hợp." Ông cũng cảnh báo không nên để Mỹ và châu Âu bị chia rẽ: "NATO dựa trên nguyên tắc cùng hành động và chia sẻ rủi ro. Điều này không thể bị thách thức”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng đồng ý: "Nếu ai đó muốn bàn về đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ phải chắc chắn có khả năng thực hiện cam kết đó”.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof đánh giá chiến lược của Mỹ là cách buộc châu Âu tăng chi tiêu quân sự: "Chúng ta phải gửi thông điệp rằng châu Âu vẫn sát cánh cùng nhau”.
Nguy cơ chia rẽ nội bộ
Các binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện ở vùng Donbass vào tuần trước. Ảnh: NYT
Dù các lãnh đạo châu Âu kêu gọi đoàn kết, cuộc họp lại bộc lộ sự chia rẽ. Một số quốc gia tuyến đầu trong vai trò đối phó Nga như các nước vùng Baltic và Phần Lan lại không được mời tham dự. Một quan chức cấp cao vùng Baltic chỉ trích ông Macron: "Cuộc họp này làm suy yếu sự đoàn kết của châu Âu. Đáng lẽ vai trò chủ trì phải là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, chứ không phải Pháp”.
Ông Macron từ lâu đã kêu gọi châu Âu tự chủ hơn về quốc phòng, ít phụ thuộc vào Mỹ. Ông đã thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine từ nhiều tháng qua, nhưng chưa rõ cơ chế thực hiện.
Sau cuộc họp, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: "Nếu châu Âu triển khai quân tới Ukraine, chúng ta cần có sự đảm bảo từ Mỹ. Chỉ có Mỹ mới có thể thực sự ngăn Nga tấn công Ukraine một lần nữa”.
Triển vọng về quốc phòng châu Âu và vai trò của Mỹ
Một vấn đề lớn khác được bàn luận tại Paris là việc tăng ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu. NATO từng yêu cầu các thành viên chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng từ năm 2014, nhưng đến nay chỉ 23/32 nước đạt mức này. NATO dự kiến nâng mục tiêu lên 3-3,5% GDP trong hội nghị mùa hè tới.
Thủ tướng Anh Keir Starmer tham dự cuộc họp ở Paris ngày 17/2. Ảnh: Reuters.
Các lãnh đạo châu Âu cũng nhận ra rằng Mỹ có thể giảm mạnh sự hiện diện quân sự tại châu Âu. Một cựu đại sứ Mỹ tại NATO, ông Ivo Daalder, nhận xét: "Châu Âu nhận ra họ không thể dựa vào Mỹ nữa. Giờ họ phải tự quyết định: hoặc tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, hoặc chấp nhận một thỏa thuận không có lợi cho Kyiv."
Dù cuộc họp không đưa ra quyết định cụ thể, một cố vấn của ông Macron xác nhận đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong chuỗi thảo luận giữa các lãnh đạo châu Âu trong những tuần tới.
Theo NYT, cuộc họp tại Paris phản ánh sự lúng túng của các cường quốc châu Âu khi phải tự định đoạt tương lai an ninh. Khi Mỹ thúc đẩy đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của châu Âu và Ukraine, châu Âu bị đặt vào thế bị động và lo ngại viễn cảnh mất đi sự bảo trợ quân sự từ Washington.
Dù các lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh sự đoàn kết, nội bộ khối này vẫn có những bất đồng về cách ứng phó với chiến lược mới của Mỹ. Khi Nga và Mỹ tiến hành đàm phán tại Ả Rập Saudi, châu Âu đang đứng trước ngã rẽ quan trọng: tăng cường khả năng tự vệ hay tiếp tục phụ thuộc vào sự bảo trợ của Mỹ, dù ngày càng mong manh.
Các lãnh đạo châu Âu khẩn trương hành động trong bối cảnh châu lục này đứng trước nguy cơ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump “bỏ qua” trong tiến trình đàm...
Nguồn: [Link nguồn]
-18/02/2025 10:28 AM (GMT+7)