Kẹp giữa 2 điểm nóng Covid-19, quốc gia châu Âu vẫn kiểm soát tốt nhờ "thượng tôn" sức khỏe

Có vị trí địa lý gần cận với Italia và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 vùng dịch Covid-19 lớn tại châu Âu với số ca nhiễm vượt Trung Quốc, tuy nhiên, quốc gia này đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ phản ứng nhanh chóng và đặc biệt là truyền thống tôn trọng sức khỏe của người dân.

Anh Michalis Stratakis – sống tại Athens, Hy Lạp, đang ăn mừng lễ phục sinh cùng người vợ Nancy. Họ vẫn cùng nhau ăn thịt cừu, cùng tô màu cho những quả trứng và chơi các trò chơi, tuy nhiên, tất cả đều diễn ra qua điện thoại.

“Nói thật với bạn, tôi cũng hơi đau lòng. Không khí gia đình trong lễ phục sinh năm nay không được trọn vẹn. Tôi không thể trở về nhà với vợ mình. Chúng tôi phải trò chuyện qua camera. Mọi năm, chúng tôi đón dịp lễ này trong những bữa tiệc với khoảng 20 người bạn và người thân”, anh Stratakis chia sẻ.

Tuy nhiên, Stratakis nhận thức được rằng việc không thể trở về với vợ là sự hy sinh cần thiết để bảo vệ sức khỏe của những người khác, đặc biệt là người già yếu. Đây là truyền thống lâu đời của người dân Hy Lạp – tôn trọng sức khỏe.

Hai nữ bác sĩ đang tham gia chống dịch Covid-19 tại Hy Lạp (ảnh: Euronews)

Hai nữ bác sĩ đang tham gia chống dịch Covid-19 tại Hy Lạp (ảnh: Euronews)

Dịp lễ Phục sinh năm nay, giới chức Hy Lạp đã tăng cường giám sát, tuần tra bằng máy bay không người lái trên đường phố và các nhà thờ để đảm bảo tuân thủ quy định hạn chế tụ tập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc người dân Hy Lạp luôn chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng mới là chìa khóa giúp quốc gia này kiểm soát thành công Covid-19.

Đến ngày 23.4, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 2.408 ca nhiễm Covid-19 và 125 người tử vong. Hy Lạp là một trong những nước có số người nhiễm virus thấp nhất tại châu Âu.

Ban đầu, nhiều người lo ngại rằng, sự bùng phát Covid-19 tại Hy Lạp sẽ là thảm họa khi quốc gia này là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất thế giới.

Hy Lạp đón 27,2 triệu lượt khách trong năm 2019. Đây cũng là nước có dân số già đứng thứ 2 tại Liên minh châu Âu (EU), sau Italia. Hệ thống y tế của Hy Lạp bị suy yếu nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng với đó là chính sách thắt lưng buộc bụng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, cả Hy Lạp chỉ có 560 giường chăm sóc đặc biệt cho hơn 11 triệu dân.

Một người đàn ông đi mua thực phẩm giữa đường phố trống vắng tại Hy Lạp (ảnh: Time)

Một người đàn ông đi mua thực phẩm giữa đường phố trống vắng tại Hy Lạp (ảnh: Time)

Hy Lạp có biên giới trên bộ giáp Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia với gần 100.000 ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 23.4. Người “hàng xóm trên biển Địa Trung Hải” của Hy Lạp – Italia, cũng không hề may mắn khi là một trong những nước có số người nhiễm và tử vong do Covid-19 nhiều nhất thế giới.

Bằng một cách thần kỳ hay chính xác hơn là nhờ vào truyền thống tôn trọng sức khỏe lâu đời của người dân, Hy Lạp đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của chính phủ nước này trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19.

Từ cuối tháng 2, trước khi ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do nhiễm Covd-19, Hy Lạp đã hủy bỏ nhiều sự kiện quy mô lớn. Các trường học trên cả nước đã được cho đóng cửa từ ngày 10.3. Các hàng quán, địa điểm du lịch tại Hy Lạp bị dừng hoạt động 3 ngày sau đó.

Giới chức Hy Lạp biết rằng, phải tìm cách để làm cho sự bùng phát của Covid-19 tại nước này ít nghiêm trọng hơn so với “người hàng xóm Italia” – nơi bệnh nhân nằm ngổn ngang tại các hành lang bệnh viện và nhiều người tử vong tại nhà do không được chăm sóc.

Khách du lịch tại Hy Lạp trước khi Covid-19 bùng phát (ảnh: Euronews)

Khách du lịch tại Hy Lạp trước khi Covid-19 bùng phát (ảnh: Euronews)

“Thật không may, tại Italia, cứ 2 phút lại có một người qua đời vì Covid-19. Chúng ta phải bảo vệ lợi ích của bản thân, cũng như sức khỏe chung cho cả cộng đồng”, Thủ tướng Hy Lạp – ông Kyriakos Mitsotakis, phát biểu khi tuyên bố phong tỏa cả nước hôm 22.3.

Ngày 22.3, Hy Lạp có hơn 600 ca nhiễm Covid-19. Cùng khoảng thời gian đó, Anh tuyên bố phong tỏa toàn quốc khi số ca nhiễm Covid-19 lên tới 6.650 trường hợp.

Chính phủ Hy Lạp cho phát sóng chương trình hàng ngày về tình hình dịch bệnh. Tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống Covid-19.

“Mỗi ngày vào lúc 6 giờ tối, mọi người đều dừng công việc đang làm để theo dõi diễn biến của dịch bệnh”, ông Panos Tsakloglou, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens, cho biết.

“Theo truyền thống của Hy Lạp, sức khỏe con người luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Đây là một trong những lý do khiến người dân vui lòng chấp nhận lệnh phong tỏa. Xét từ góc độ văn hóa mà nói, mọi cuộc thảo luận, mọi mong ước cho tương lai của người dân Hy Lạp đều kết thúc bằng câu ‘có một sức khỏe tốt’.

Không người dân nào tại Hy Lạp đi tranh luận về vấn đề bảo vệ sức khỏe với việc mở lại các cửa hàng thì cái nào quan trọng hơn. Sức khỏe luôn là mối quan tâm số một, kinh tế ở vị trí thứ hai”, Tiến sĩ Stella Ladi, cựu cố vấn chính sách công của chính phủ Hy Lạp, cho biết.

Đeo khẩu trang cho trẻ em tị nạn tại Hy Lạp (ảnh: Time)

Đeo khẩu trang cho trẻ em tị nạn tại Hy Lạp (ảnh: Time)

Cùng với lệnh phong tỏa, chính phủ Hy Lạp cũng nỗ lực tăng số lượng giường điều trị đặc biệt lên 910 chiếc vào cuối tháng 3. Một thỏa thuận giữa chính phủ với khối bệnh viện tư đã được đặt ra, giải phóng không gian cho những bệnh nhân không nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện công.

Hy Lạp có 5 trại cho 40.000 người tị nạn sinh sống. Khu tị nạn đông người nhất tại Hy Lạp là đảo Lesvos – nơi chỉ có 3 bác sĩ cho hơn 18.000 người sống chen chúc nhau trong một không gian chưa đến 1/10 km vuông, chưa có ai bị nhiễm Covid-19.

Mặc dù kiểm soát tốt sự bùng phát của dịch bệnh, nhưng Covid-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Hy Lạp.

“Kinh tế Hy Lạp phụ thuộc khá nhiều vào du lịch. Ngành du lịch chiếm 11,7% GDP của Hy Lạp trong năm 2018”, ông Tsakloglou cho biết.

Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Dân sự Hy Lạp - ông Nikos Hardalias, thừa nhận những khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế và cho biết chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào đầu tháng 5.

Ông Nikos Hardalias cho rằng người dân Hy Lạp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc tuân thủ các quy định của chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Quay trở lại câu chuyện của Michalis Stratakis, anh nói rằng không người nào tại Hy Lạp lại thích lệnh phong tỏa, nhưng mối quan hệ gia đình và sự tôn trọng sức khỏe luôn được đề cao tại quốc gia này.

“Sẽ không ai có thể tha thứ cho chính mình nếu họ bị nhiễm virus rồi lây cho người thân”, anh Stratakis chia sẻ.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỉnh ”điểm nóng” Covid-19 của TQ từng hứng chịu dịch bệnh khiến 6 vạn người chết ra sao?

Năm 1911, một dịch bệnh chết chóc đã quét qua Trung Quốc, khiến hơn 60.000 người tử vong và thiếu chút nữa trở thành đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Time ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN