Kẻ xả súng chết 50 người ở Mỹ thề trung thành với IS
Nghi phạm giết hại 50 người ở Mỹ đã gọi điện cho cảnh sát trước khi thực hiện vụ tấn công và thề trung thành với tổ chức khủng bố IS.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại thành phố Orlando, Mỹ.
Các quan chức bang Florida xác nhận Omar Seddique Mateen, nghi phạm giết hại 50 người tại hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando ngày 12.6 đã gọi điện cho cảnh sát trước khi thực hiện vụ tấn công và thề trung thành với phiến Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Trong cuộc họp với các nhân viên hành pháp ngay sau vụ tấn công, cảnh sát bang Massachusetts đã nắm được thông tin nghi phạm, trong lúc xả súng vào hộp đêm ở Orlando, đã thề trung thành với phiến quân IS và nhắc tới anh em nhà Tsarnaev (thủ phạm đánh bom giải chạy marathon ở Boston vào năm 2013)”, phát ngôn viên David Procopio của cảnh sát bang Massachusetts nói với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo với các phóng viên rằng: “Chúng tôi chưa xác định được động cơ của kẻ sát nhân, nhưng hắn chắc chắn là một người chứa đầy lòng thù hận”.Ông gọi vụ tấn công là vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nghị sĩ Mỹ Adam Schiff trích dẫn nguồn tin của cơ quan hành pháp cho biết Mateen đã thực hiện vụ tấn công nhân danh phiến quân IS.
“Vụ xả súng này đã diễn ra trong tháng lễ Ramadan của của người Hồi giáo và thủ lĩnh IS tại thành phố Raqqa ở Syria đã kêu gọi thực hiện các vụ tấn công trong thời gian này. Nếu thông tin nghi phạm tuyên bố trung thành với phiến quân IS là chính xác, đây là một hành động khủng bố”, ông Schiff nói.
Theo Amaq, một kênh truyền thông có liên hệ với IS, tổ chức khủng bố này đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tuyên bố chính thức nào từ IS.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa vụ xả súng tại thành phố Orlando với phiến quân IS hay bất cứ tổ chức cực đoan nước ngoài nào.
Theo hãng tin CBS News, nghi phạm tấn công hộp đêm Pulse đã bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) theo dõi trong suốt 5 năm qua. Một nguồn tin của cơ quan hành pháp Mỹ tiết lộ Mateen đã bị FBI thẩm vấn 2 lần vào năm 2013 và 2014, nhưng họ không tìm thấy dấu hiệu phạm tội của hắn.