Kế hoạch "sống chung với COVID-19" của Thái Lan và Singapore có gì đặc biệt?
Trong khi Singapore đang từng bước mở cửa đất nước một cách thận trọng thì Thái Lan cũng bắt đầu chuyển sang chiến dịch "sống chung với COVID-19".
Xác định con đường riêng
Singapore thời gian qua đã nổi lên như một hình mẫu của kế hoạch "sống chung với dịch COVID-19" và đang từng bước mở cửa lại đất nước một cách thận trọng khi tỷ lệ tiêm chủng toàn dân tại nước này đã đạt mốc 80%.
Chia sẻ về kế hoạch này, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết, khi mở cửa trở lại và nỗ lực khôi phục lại một phần cuộc sống trước đại dịch, quốc đảo này đã phải tìm con đường riêng cho mình dựa trên hoàn cảnh của riêng mình.
Cụ thể, ông cho biết: "Chúng tôi có một kế hoạch tiêm chủng tốt nhưng chúng tôi vẫn mong đạt được kết quả tốt hơn thể, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Đồng thời chúng tôi cũng không muốn phải trải qua những trận bùng phát dịch nghiêm trọng có thể đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải. Đó là lý do chúng tôi thực hiện cách tiếp cận từng bước và mở cửa đất nước một cách thận trọng".
Singapore vẫn đang thận trọng tiến hành từng bước mở cửa đất nước để "sống chung với COVID-19". Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu của mình, ông Wong cũng đã chỉ ra 2 quan điểm trái ngược về tốc độ và phạm vi mở cửa lại đất nước của Singapore. Theo đó, một nhóm cho rằng Singapore đang đi quá chậm. Đây là đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nên họ có thể mở cửa một cách mạnh mẽ hơn giống như Mỹ và châu Âu.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng Singapore đang tiến hành việc này quá nhanh khi số ca mắc trong cộng đồng vẫn đang tăng lên từng ngày. Nhóm này cho rằng sẽ an toàn hơn nếu Singapore áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như các quốc gia như Trung Quốc và New Zealand đã làm, đồng thời cố gắng đưa số ca mắc mới hàng ngày xuống 0 ca hoặc gần 0 trước khi mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, ông Wong nhận định việc đóng cửa hoàn toàn và cô lập với thế giới như vậy là không khả thi. Ông phân tích: "Khó có khả năng diệt trừ hoàn toàn virus này. Chúng ta sẽ phải sống chung với COVID-19 trong thời gian dài. Vì vậy, chúng ta phải học cách sống chung với virus này giống như cách chúng ta sống chung với các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm cả cúm và thủy đậu".
Với việc là quốc gia đi đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19, ông Wong cho biết Singapore có đủ sự tự tin để tiến hành các bước mở cửa trở lại một cách an toàn. Ông phát biểu: "Những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ít mắc các triệu chứng nặng hơn. Bởi vậy, dù số ca bệnh hàng ngày tăng lên chúng ta vẫn có thể duy trì những trường hợp nặng phải điều trị tích cực ở mức độ ổn định và có thể chấp nhận được".
Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay với 80% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Straits Times
Theo ông Wong, Singapore tiến hành mở cửa chậm rãi vì không gặp phải các làn sóng bùng phát nghiêm trọng khác như Mỹ và phương Tây đang trải qua.
Ông lấy Anh làm minh chứng. Nước này đã đạt 70% tỷ lệ tiêm chủng và mở cửa trở lại nhưng số ca mắc mới mỗi ngày vẫn tăng cao, khoảng 25% dân số Anh đã mắc COVID-19. Được biết, Anh đã đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người lớn tuổi có nguy cơ trở nặng nếu mắc bệnh, khoảng 95% người trên 70 tuổi đã được tiêm chủng tại đây. Trong khi đó, con số ngày tại Singapore là khoảng 82%.
Khác với Anh, Singapore là một trong số ít quốc gia có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch trong khi vẫn giữ cho hệ thống bệnh viện không bị quá tải và duy trì số ca tử vong ở mức thấp. Bộ trưởng Singapore nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của họ: "Để đi đến tận cùng của đại dịch này với số người chết và thiệt hại ít nhất có thể, ngay cả khi chúng ta đang dần tiếp tục cuộc sống bình thường của mình".
Giữ cho nền y tế không bị quá tải
Trong khi đó Singapore đang từng bước thực hiện kế hoạch của mình, Thái Lan cũng bắt đầu chuyển chiến dịch của họ từ phòng dịch sang "sống chung với COVID-19". Bloomberg cho biết Thái Lan đã có các kế hoạch sơ bộ để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa lại biên giới đối với những du khách đã tiêm phòng ngay cả khi nước này vẫn đang ghi nhận gần 20.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.
Hồi tuần trước, ông Opas Karnkawinpong, Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia đã thông báo về kế hoạch "sống chung với COVID-19" của nước này.
Theo đó, trọng tâm của kế hoạch này là giữ cho nền y tế của đất nước không bị quá tải. Trong đó, biện pháp chính được sử dụng vẫn là đẩy mạnh năng lực tiêm chủng đối với nhóm dễ bị tổn thương và khẩn trương truy vết những người có nguy cơ mắc bệnh theo giả định tất cả những người tiếp xúc với F0 đều có nguy cơ lây nhiễm.
Thái Lan cho biết nước này đã qua giai đoạn đỉnh dịch, có thể bắt đầu mở cửa trở lại từng bước. Ảnh: Bloomberg
Thái Lan trước đây từng được xem là một hình mẫu chống dịch COVID-19 thành công dù là quốc gia đầu tiên ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau Trung Quốc. Điều này đã khiến chính phủ Thái Lan có sự tự tin trong công tác phòng dịch của mình và chậm triển khai các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Điều này đã trở thành một "lỗ hổng" khi biến thể Delta xuất hiện và lây lan tại quốc gia này.
Tuy nhiên, theo những dữ liệu ghi nhận được, các quan chức Thái Lan nhận định nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch và có thể từng bước nới lỏng các hạn chế phòng dịch trước đó. Hôm 23/8 vừa qua, số ca mắc mới trong ngày tại Thái Lan là 17.491 trường hợp, con số thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này từ hôm 30/7.
Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cho biết đất nước sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 10 "để giảm bớt thiệt hại đối với những người mất việc". Ông gọi đó là một "rủi ro được tính toán" và yêu cầu mọi người "sẵn sàng sống với một số rủi ro."
Khoảng 8% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ, tính đến ngày 23/8. Tỷ lệ tiêm chủng cao hơn được ghi nhận ở các khu vực đã mở cửa trở lại theo các chương trình du lịch đặc biệt, bao gồm đảo Phuket, và những nơi có đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, bao gồm thủ đô Bangkok.
Ông Opas nói rằng việc Phuket mở cửa trở lại vào ngày 1/7 với khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ cho thấy tình hình có thể được kiểm soát, các hoạt động kinh tế có thể được đẩy mạnh và mọi người có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ.
Chính phủ Thái Lan cũng đang lên kế hoạch cấp "giấy phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19" cho công dân đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Giấy phép này cho phép người dân tới một số địa điểm công cộng như các nhà hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Cảnh sát và quân đội Thái Lan đã đột kích một bệnh viện dã chiến với hàng nghìn giường bệnh, sau khi có thông tin cho...