Kế hiểm đằng sau kho chứa máy bay TQ xây ở Biển Đông

Động thái Trung Quốc rầm rộ xây dựng kho chứa máy bay chiến đấu trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm trong toan tính dài hơi nhằm thực hiện tham vọng của nước này ở Biển Đông.

Kế hiểm đằng sau kho chứa máy bay TQ xây ở Biển Đông - 1

Ảnh vệ tinh kho chứa máy bay Trung Quốc đang rầm rộ xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những kho chứa máy bay mới của Trung Quốc xuất hiện trên ảnh vệ tinh mới đây ở Biển Đông giúp nước này có thể điều động vũ khí, trang thiết bị quân sự trong thời gian nhanh chóng nhằm kiểm soát các hòn đảo xây dựng trái phép trong khu vực. Nhận định trên được cựu chuyên gia tư vấn an ninh quốc gia Andrew Shearer từ Australia đưa ra.

Andrew, người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Thủ tướng Tony Abbott, lo ngại Trung Quốc sẽ thiết lập trái phép “vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” ở Biển Đông và buộc máy bay các nước khác phải xin phép nếu muốn bay qua.

Sự xuất hiện của khoảng 70 kho chứa máy bay chiến đấu cho thấy phần nào tham vọng của Bắc Kinh về vùng ADIZ và gây căng thẳng khu vực. Các máy bay chiến đấu như J-11 của Trung Quốc sẽ là át chủ bài ở vùng nhận diện phòng không này.

Kế hiểm đằng sau kho chứa máy bay TQ xây ở Biển Đông - 2

Andrew Shearer từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Thủ tướng Tony Abbott.

Gần đây, lực lượng không quân Trung Quốc thường xuyên bay tuần tra trái phép ở Biển Đông. Theo những bức ảnh được Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố, Bắc Kinh đang ngang ngược xây dựng 24 kho chứa máy bay chiến đấu. Thậm chí, nước này còn định xây thêm 4 kho chứa các máy bay hạng nặng như máy bay tiếp dầu trên không ở 3 đảo nhân tạo xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Động thái này cho thấy Bắc Kinh đang quân sự hóa nghiêm trọng ở Biển Đông, bất chấp tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không làm phức tạp tình hình trong chuyến thăm Washington năm ngoái.

Ông Andrew nói dù phán quyết vụ kiện Biển Đông đưa ra, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục chiến lược dài hơi nhằm thiết lập trái phép một vùng kiểm soát quân sự trong khu vực. Đây là tham vọng lớn của Trung Quốc và nước này đang từng bước thực hiện.

“Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang dồn dập xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng. Một khi những địa điểm này hoàn thành, Trung Quốc có thể dễ dàng quân sự hóa toàn bộ đảo nhân tạo trong vài ngày và chiếm trọn quần đảo Trường Sa về mặt chiến lược  và sử dụng để nhanh chóng chiếm đóng trái phép các đảo khác”, chuyên gia người Australia nhận định.

Andrew nói rằng chính quyền Bắc Kinh có thể chưa thiết lập vùng ADIZ hoặc bồi lấp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough cho đến khi hội nghị G20 kết thúc.

Chuyên gia an ninh khẳng định động thái trì hoãn này nằm trong kế hoạch chung của Trung Quốc: “Mối hiểm họa lớn nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ leo thang nhiều hơn nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược ở Biển Đông”.

Kế hiểm đằng sau kho chứa máy bay TQ xây ở Biển Đông - 3

Trung Quốc bồi lấp trái phép ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nói về những kho chứa máy bay: “Xây kho chứa là bước quan trọng nếu muốn thành lập một vùng nhận diện phòng không”.

Malcolm nói máy bay chiến đấu Trung Quốc không thể bắn hạ máy bay Mỹ hoặc Australia bay vào khu vực ADIZ (nếu có) nhưng hoàn toàn có thể chặn đầu cản trở hoặc gây nhiễu bằng radar.

“Đây là sự ép buộc chính trị”, chuyên gia Malcolm nói. “Nếu họ đưa chiến đấu cơ tới các căn cứ ở Biển Đông, vị thế hiện giờ của Trung Quốc ở đây sẽ tụt dốc thảm hại”. Mới đây, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố vẫn tiếp tục bay tuần tra thường xuyên ở Biển Đông.

Marise Payne, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia thể hiện lập trường phản đối với “hành động đe dọa, ép buộc để xâm chiếm chủ quyền của nước khác hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - SMH ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN