Jordan, tâm điểm giữa loạt căng thẳng Iran-Israel

Jordan trở thành tâm điểm giữa loạt căng thẳng Iran-Israel khi thẳng thắn tuyên bố đã đánh chặn tên lửa Iran, trong khi các nước Ả Rập hầu như không có nhiều bình luận về việc Iran tấn công Israel.

Jordan đã trở thành tâm điểm chú ý vào đầu ngày 14-4 với tư cách là một đồng minh vô tình (và có thể là không mong muốn) của Israel, sau khi máy bay của họ bắn hạ hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran bắn vào Israel. Vào thời điểm các tên lửa và UAV này bị bắn hạ, chúng đang bay vào không phận của Jordan, theo tờ Financial Times.

Jordan trước đây đã chỉ trích gay gắt cuộc chiến của Israel ở Gaza. Trong khi đó, Jordan cho rằng hành động chống lại Iran hôm 14-4 là một động thái cần thiết để “đảm bảo” sự an toàn cho công dân của họ, chứ không phải vì bảo vệ Israel.

Israel đánh chặn các vũ khí của Iran hôm 14-4. Ảnh: REUTERS

Israel đánh chặn các vũ khí của Iran hôm 14-4. Ảnh: REUTERS

Các quan chức ở Israel có phát ngôn ám chỉ rằng các quốc gia Ả Rập đã giúp đỡ Israel, bằng cách cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ phát hiện sớm cuộc tấn công của Iran. Một quan chức phương Tây cho biết Saudi Arabia cũng đã hỗ trợ Israel trong quá trình ngăn chặn cuộc tấn công.

Tuy nhiên, trong số các nước ở Trung Đông, chỉ có Jordan công khai thừa nhận đã tham gia ngăn chặn cuộc tấn công của Iran, do lo ngại xung đột lan rộng.

Ông Marwan Muasher – cựu ngoại trưởng Jordan – cho biết: “[Jordan] có thể gặp rủi ro nếu mọi thứ leo thang, nhưng cho đến nay, đó chỉ là một rủi ro hạn chế. Đó không phải là hành động ủng hộ Israel. Đó là một cách để ngăn chặn xung đột leo thang. Không ai được hưởng lợi, đặc biệt là Jordan, nếu chiến sự leo thang ra bên ngoài Gaza”.

Jordan: Sẽ tấn công dù là UAV của ai

Sau cuộc tấn công của Iran, các quan chức Israel nhấn mạnh họ đã sự giúp đỡ từ các nước láng giềng, cũng như từ Mỹ, Anh và Pháp trong việc ngăn chặn cuộc tấn công. Thậm chí, Bộ trưởng nội các chiến tranh Benny Gantz ca ngợi “sự hợp tác khu vực” trong việc đối phó cuộc tấn công.

Ngược lại, chính phủ các nước Ả Rập hầu hết không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan trong sự kiện trên. Họ đã kêu gọi các bên kiềm chế, ngăn xung đột lan rộng ra toàn khu vực.

Đối với Jordan, việc cân bằng cách ứng xử với Iran và Israel là đặc biệt khó khăn.

Vương quốc này có chung đường biên giới với Israel và là bên quản lý nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem. Chính điều này đòi hỏi Jordan phải có sự hợp tác thường xuyên với chính quyền Israel. Theo Financial Times, phía Jordan cũng lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas có thể tràn qua biên giới nước này, đặc biệt là từ khu vực Bờ Tây.

Từ năm 2022, Jordan, Israel và các đồng minh Ả Rập đã tham gia vào Liên minh Phòng không Trung Đông do Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) dẫn đầu. Mạng lưới radar và cảnh báo sớm của liên minh này cung cấp khả năng theo dõi các vụ phóng tên lửa và máy bay không người lái.

Jordan có quan hệ ngoại giao với Iran, mặc dù mối quan hệ này không mấy chặt chẽ. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Iran cảnh báo Jordan sẽ là “mục tiêu tiếp theo” nếu nước này hợp tác với Israel.

Phản ứng của Jordan trong cuộc tấn công của Iran đã bị nhiều người trong nước lên án gay gắt. Những người này cho rằng việc bảo vệ lợi ích của Israel có thể gây tổn hại đến lợi ích của Jordan.

“Cho phép máy bay của liên minh Mỹ sử dụng không phận là một chuyện. Chủ động bắn hạ những UAV và mạo hiểm sự an toàn của người dân vì lợi ích của một quốc gia đang gây thương vong cho những người anh em Palestine là chuyện khác” – một phụ nữ Jordan 30 tuổi nói.

Người dân Jordan và các nhân viên an ninh xem xét các mảnh vỡ tên lửa của Iran hôm 14-4. Ảnh: AFP

Người dân Jordan và các nhân viên an ninh xem xét các mảnh vỡ tên lửa của Iran hôm 14-4. Ảnh: AFP

Bình luận của cô nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Cũng trên mạng xã hội, các đoạn phim về mảnh tên lửa và UAV rơi xuống các khu dân cư ở các TP của Jordan cũng được lan truyền rộng rãi.

Trong tuyên bố xác nhận Jordan đã đánh chặn một số vũ khí của Iran, Ngoại trưởng Jordan – ông Ayman Safadi nói: “Hãy để tôi nói rõ ràng. Chúng tôi sẽ làm như vậy, bất kể những UAV đó đến từ đâu: từ Israel, từ Iran và từ bất kỳ nơi nào khác”.

UAE và Saudi Arabia cảnh giác với Iran

Khác với Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia không phản ứng nhiều sau vụ Iran tấn công Israel, dù 2 cường quốc lớn nhất vùng Vịnh này cũng cảnh giác với Iran.

Hai nước này có động thái tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trên toàn khu vực trong những năm gần đây, như nỗ lực cải thiện quan hệ với Iran.

UAE đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 thông qua Hiệp định Abraham. Song UAE vẫn muốn giữ quan hệ tốt với Iran. Sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, UAE đã thông báo cho Mỹ rằng họ muốn Mỹ thông báo trước khi Mỹ tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào từ lãnh thổ của UAE. UAE cũng cảnh báo rằng họ không muốn bất kỳ tài sản nào của Mỹ ở UAE được sử dụng để chống lại các mục tiêu của Iran.

Một người phụ nữ đi ngang qua hình ảnh mô tả tên lửa mang biểu tượng của Iran ở trung tâm Tehran (Iran). Ảnh: AFP

Một người phụ nữ đi ngang qua hình ảnh mô tả tên lửa mang biểu tượng của Iran ở trung tâm Tehran (Iran). Ảnh: AFP

Saudi Arabia đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian vào năm 2023. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đang xích lại gần hơn với Israel. Trước khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, Saudi Arabia cũng đang hướng đến việc tham gia Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel. Và theo Financial Times, Saudi Arabia cũng có quan điểm tương tự UAE về quan hệ với Mỹ.

Ông Ali Shihabi – một nhà bình luận chính trị Saudi Arabia – cho rằng chính quyền Riyadh sẽ không chính thức cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để thực hiện các hành động chống lại Iran, nhưng “có thể cho phép nếu Mỹ chịu trách nhiệm về hậu quả”. Dù vậy, Saudi Arabia cũng cảnh giác với nguy cơ leo thang xung đột, “bởi vì cuối cùng, có nguy cơ cao là họ [Saudi Arabia] sẽ phải trả giá”.

“Mọi người đều muốn năng lực của Iran bị suy giảm. Nhưng họ không muốn bị coi là một phần của cuộc tấn công vào Iran, trừ khi Mỹ tham gia toàn lực” – ông Shihabi nói.

Nhà phân tích Aziz Alghashian cho rằng khó có khả năng Saudi Arabia đã đánh chặn tên lửa của Iran nhắm vào Israel, vì Saudi Arabia không muốn bị coi là đang chọn phe.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia láng giềng tin rằng Israel đang chủ ý gây ra căng thẳng với Iran.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Iran tấn công Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN