Italia "lội ngược dòng" chống Covid-19: Cách làm khác với Mỹ
Tại đỉnh dịch Covid-19 ở Italia, các bệnh viện và nhà hỏa táng tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất đều quá tải. Cáo phó thậm chí còn tràn ngập 10 trang của một tờ báo địa phương. Nhưng khoảng 5 tháng sau, Italia đã trở thành một "điểm sáng" hiếm hoi trong chống dịch Covid-19 thành công ở châu Âu.
Miền bắc Italia, nơi dịch Covid-19 tàn phá các thành phố trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, các bác sĩ tin vào một sự quay vòng của việc chống dịch Covid-19: phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc, xét nghiệm diện rộng, lần dấu người tiếp xúc quyết liệt và từ từ nới lỏng phong tỏa.
Trong khi Italia ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số ca nhiễm mới - khoảng 150 - 300 ca/ngày trong tuần qua, so với hơn 6.500 ca/ngày hôm 21/3, các chuyên gia vẫn chuẩn bị cho đợt lây lan thứ 2 không thể tránh khỏi.
"Chúng tôi cảm thấy lo lắng vì virus gây dịch Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất", theo bác sĩ Roberto Cosentini, người đứng đầu đơn vị y tế khẩn cấp tại Bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở thành phố Bergamo, vùng Lombardy, Italia.
Một nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khi bệnh nhân này được rời phòng chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Pope John XXIII, ở thành phố Bergamo, vùng Lombardy, Italia. Ảnh: Getty
Theo Francesco Longo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe và quản lý chăm sóc xã hội tại Đại học Bocconi (Italia), nhận định, các lệnh yêu cầu ở nhà áp dụng trên toàn quốc là cần thiết để kiểm soát dịch Covid-19.
Francesco nói thêm, các lệnh ở nhà, được ban hành bởi chính phủ, đã giúp Italia tránh được tình trạng như Mỹ đang phải gánh chịu ở thời điểm hiện tại. Theo Francesco, sự không nhất quán trong việc phong tỏa và đeo khẩu trang giữa các bang dẫn đến hệ lụy là nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19 đến vào những thời điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ.
"Ở bang Florida, bạn nghe giới chức nói như thế này nhưng khi sang bang New York, bạn lại thấy giới chức ở đây nói điều ngược lại. Mọi thứ thật mâu thuẫn. Tại Italia, mọi thứ đều thống nhất", Francesco nói.
Tới nay, Italia đã ghi nhận hơn 247.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 35.000 ca tử vong, phần lớn tập trung ở vùng Lombardy.
Bác sĩ Cosentini nhận định Italia có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 vào mùa thu, thời điểm cúm mùa xuất hiện, gây áp lực nên các bệnh viện địa phương. Một làn sóng lây lan thứ 2 có thể sẽ đến trước tháng 10 năm nay.
Nhiều nước châu Âu, bao gồm Tây Ban Nha, Đức và Pháp, đã chứng kiến sự gia tăng các đợt lây nhiễm mới sau nhiều tháng tương đối ổn định (ghi nhận ít ca nhiễm). Cosentini bày tỏ nỗi lo về việc Italia có thể sẽ phải trải qua những gì họ từng đối mặt hồi tháng 2. Tuy nhiên, Cosentini nhấn mạnh, các y bác sĩ và bệnh viện đã được trang bị tốt hơn để chống dịch so với thời điểm hồi tháng 2.
"60 triệu người chung một chiến tuyến"
Bệnh viện của bác sĩ Cosentini tiếp nhận và điều trị cho ca nhiễm Covid-19 đầu tiên - một bệnh nhân bị viêm phổi nặng, vào ngày 22/2. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Á, Cosentini và các đồng nghiệp đều không có sự chuẩn bị cho việc dịch bệnh sẽ leo thang nhanh như thế nào.
"Chúng tôi bắt đầu với 10 - 20 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng tới đầu tháng 3, bệnh viện phải tiếp nhận 80 ca nhiễm mới/ngày. Đó thực sự là thời điểm khó khăn", bác sĩ Cosentini chia sẻ.
Để đối phó với hàng dài bệnh nhân, các bác sĩ hiểu rằng họ cần nhanh chóng thay đổi một số thủ tục. Ngoài việc chuyển đổi hầu hết các khu khác của bệnh viện thành khu điều trị Covid-19, Cosentini đã sắp xếp lại các phòng cấp cứu của bệnh viện để hỗ trợ các đơn vị chăm sóc tích cực bị quá tải.
Nhân viên y tế giúp bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Papa Giovanni XXIII giữ điện thoại trong cuộc gọi video với người thân của bệnh nhân hồi tháng 4/2020. Ảnh: AP
Theo Cosentini, tình hình ở các bệnh viện trên khắp miền bắc Italy thời điểm đó vô cùng căng thẳng. Nếu chính phủ không áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc trong hơn 2 tháng, mọi thứ có thể đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
"Chúng tôi đã rất cận kề ngưỡng 'vỡ trận'. Thời điểm khó khăn nhất là tuần đầu tiên và thứ 2 của tháng 3. Nhưng sau đó, giãn cách xã hội và phong tỏa bắt đầu phát huy tác dụng và cho chúng tôi cơ hội để đẩy nhanh quá trình chữa khỏi cho bệnh nhân và có giường cho bệnh nhân mới", Cosentini chia sẻ.
Theo giám đốc Francesco, dù một số người cho rằng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội là quá cực đoan thời điểm đó, nhưng không thể phủ nhận phần lớn thành công của Italia trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm do người dân chấp hành lệnh ở nhà.
"Chúng tôi có 60 triệu người cùng chung một chiến tuyến, với một mục đích: khi sự lây nhiễm được kiểm soát trên toàn Italia, chúng tôi sẽ mở cửa trở lại", Francesco nói.
Các quan chức y tế Italia cũng hiểu tầm quan trọng của việc tận dụng thời gian và từ đó điều chỉnh chiến lược đối phó khi dịch bệnh bùng phát, theo bác sĩ Stefano Nava, trưởng Khoa Hô hấp và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Sant’ Orsola, thành phố Bologna, Italia.
Trước đó, người dân được khuyến cáo chỉ tới bệnh viện nếu tình hình thực sự nghiêm trọng, nhằm giảm sự quá tải cho hệ thống y tế của Italia. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi các bác sĩ hiểu hơn về virus gây dịch Covid-19.
"Lúc đầu, chúng tôi phải chờ rất lâu mới đưa được bệnh nhân vào viện và khi họ nhập viện, chúng tôi quá vội vã điều trị", bác sĩ Nava, người cũng bị nhiễm Covid-19 trong suốt 31 ngày, cho hay. "Chúng tôi học được rằng phải thận trọng và điều trị không xâm lấn ngay từ khi bệnh nhân có các biểu hiện hoặc triệu chứng nhẹ để tránh các biến chứng nặng hơn", ông Nava nói thêm.
Điều này có nghĩa là tránh hết mức có thể việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân và dùng máy thở cho những ca nặng nhất. Nó cũng đồng nghĩa với việc phải mở rộng xét nghiệm để phát hiện các ca nhiễm nhẹ hoặc trung bình sớm để xử lý trước khi bệnh nhân gặp tình trạng khó thở.
"Đây là căn bệnh mới, không chỉ với chúng tôi mà với chính bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân phải đợi từ 6 - 8 ngày để bị sốt rồi mới có thể nhập viện. Điều đó khiến các ca bệnh nghiêm trọng trở nên khó kiểm soát và cứu chữa", Cosentini nói.
Chuẩn bị cho làn sóng lây lan thứ 2
Ngay cả khi tình hình tại Italia đã tạm ổn định, xét nghiệm Covid-19 vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược giảm thiểu rủi ro của đất nước, đặc biệt là cách theo dõi virus lây lan giữa những người nhiễm không triệu chứng, các chuyên gia nhận định.
"Các ca nhiễm không triệu chứng vẫn còn nhiều nghi vấn vì vậy việc xét nghiệm diện rộng vẫn rất quan trọng. Ca nhiễm không triệu chứng sẽ là vấn đề toàn cầu chứ không của riêng quốc gia nào", bác sĩ Eugenio Baraldi, giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh, tại Bệnh viện đại học ở Padua (Italia), cho hay.
Chính phủ Italia bắt đầu gỡ bỏ phong tỏa ngày 4/5 nhưng việc mở cửa trở lại là một quá trình không được đốt cháy giai đoạn, theo giám đốc Francesco. Các hướng dẫn giãn cách xã hội vẫn được giữ nguyên, nhất là tại các bãi biển và các địa điểm công cộng khác.
Italia cũng khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi tới nhà hàng và các địa điểm công cộng, nơi khó có thể giữ khoảng cách an toàn với người khác.
Người dân thành phố Venice, Italia đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách an toàn khi xếp hàng trước một chợ cá. Ảnh: Reuters
Việc duy trì các biện pháp giãn cách xã hội sẽ vô cùng quan trọng khi Italia chuẩn bị cho làn sóng lây lan thứ 2. Francesco cho biết chính phủ đã bắt đầu chiến dịch khuyến khích người dân tiêm ngừa cúm mùa miễn phí, nhằm giảm gánh nặng cho các bệnh viện vào mùa thu và mùa đông.
Italia cũng đầu tư thêm giường bệnh và các nguồn lực khác để nâng cấp các cơ sở y tế. Theo Francesco, chính phủ đang làm việc với các quan chức nhà nước và địa phương để tìm ra cách tốt nhất ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát trong tương lai mà vẫn đảm bảo sự phục hồi kinh tế quốc gia.
"Chúng tôi hiểu ra rằng cuộc chiến chống dịch không đơn giản chỉ có phong tỏa và mở cửa. Chúng tôi vẫn duy trì nhiều biện pháp hạn chế ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường", Francesco nói.
Nhưng theo Francesco, bài học lớn nhất được rút ra là vấn đề truyền tải thông điệp thống nhất, xây dựng tính đoàn kết trong nước và giữa các quốc gia với nhau, để đối phó đại dịch.
"Thông điệp hành động cần phải thống nhất. Nếu bạn chỉ có 50% dân số tuân thủ các biện pháp chống dịch Covid-19 và 50% còn lại thì không, đó là mớ hỗn độn. Và kết cục là dịch bệnh sẽ chiến thắng", Francesco cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người thường gây chú ý với những phát ngôn tranh cãi, cáo buộc các y bác sĩ đang hạ...