Italia đã chủ quan thế nào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19?
Italia có phần chủ quan trong giai đoạn đầu tiên dịch bệnh lây lan với vài trăm ca nhiễm và đến khi Covid-19 bùng phát mạnh, chính quyền mới bắt đầu phong tỏa toàn quốc.
Phóng viên ABC News mới đây mô tả hệ thống y tế Italia đã lúng túng như thế nào trong việc đối phó dịch Covid-19. Đến ngày 27.2, tức là gần 10 ngày sau khi Italia ghi nhận ca nhiễm lây lan trong cộng đồng đầu tiên, việc xét nghiệm virus vẫn rất khó khăn.
Khi liên lạc với đường dây nóng 112, người phụ nữ ở đầu dây bên kia tỏ ra bất ngờ với yêu cầu xét nghiệm 3 ca nghi nhiễm Covid-19 ở địa phương gần vùng tâm dịch. “Không. Chúng tôi không làm xét nghiệm đó”, người phụ nữ nói, yêu cầu gọi điện sang đường dây khác.
Chỉ sau chưa đầy một tháng, Italia đã ghi nhận 31.506 ca nhiễm Covid-19 và 2.503 ca tử vong.
Tại thành phố Begamo nằm trong vùng tâm dịch, hệ thống y tế hoàn toàn quá tải còn nhà thờ cung cấp dịch vụ tang lễ luôn trong tình trạng kín chỗ.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chuyển đến bệnh viện ở Rome.
Bác sĩ gây mê Bergamo Christian Salaroli nói trên nhật báo Corriere della Sera rằng, các bệnh viện đã quá tải. Bác sĩ phải đánh giá bệnh nhân nào có khả năng sống sót để điều trị. “Chúng tôi đánh giá đựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe của họ”, ông Salaroli nói.
Phóng viên ABC News đặt câu hỏi chuyện gì đã xảy ra ở Italia để tình hình trở nên nghiêm trọng như hiện nay?
Italia đã quá chủ quan?
Theo ABC News, Italia nghĩ rằng dịch bệnh được kiểm soát khi ca nhiễm đầu tiên ghi nhận vào ngày 29.1, là hai người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Một ngày sau, Italia là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ngừng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte khi đó nói quốc gia đã có “phản ứng khắt khe nhất ở châu Âu”.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Hai tuần sau, một người đàn ông 38 tuổi tên Mattia nhiễm virus Corona mà không ai hay biết.
Ngày 16 và 18.2, Mattia đến cơ sở y tế địa phương nhưng đều được cho về nhà nghỉ ngơi. Đến 3 giờ sáng ngày 19.2, Mattia nhập viện khẩn cấp vì khó thở.
Đến ngày 21.2, Italia xác nhận Mattia đã nhiễm Covid-19 và được gọi là Bệnh nhân số một – trường hợp đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng.
Sự chủ quan của cơ quan y tế địa phương đã khiến virus lây lan sang nhiều người khác, mở rộng ra ngoài phạm vi của Codogno, tới toàn bộ vùng Lombardy.
Khi biết được tình hình, Thủ tướng Italia Conte thừa nhận: “Chúng ta biết rằng bệnh viện đã xử lý tình huống chưa thỏa đáng và kết quả là lây nhiễm lan rộng”.
Không phong tỏa, hạn chế đi lại từ sớm
Ngay cả sau khi dịch bệnh lây lan mạnh ở phía bắc, giới chức Italia vẫn cho rằng “đó là chỉ là một dạng cúm thông thường”.
Người dân ở vùng Lombardy, đặc biệt là thủ phủ Milan không bị hạn chế ra đường, các nhà hàng, quán bar vẫn mở cửa bình thường.
Hệ thống y tế Italia hoàn toàn quá tải, dẫn đến số người chết tăng vọt.
9 ngày sau, thống đốc vùng Lombardy, Attilio Fontana, bị cách ly vì cố vấn nhiễm virus.
Đến ngày 8.3, chính quyền Italia mới thông báo phong tỏa khu vực phía bắc, công bố khoản ngân sách khẩn cấp trị giá 10 tỉ euro.
Nhưng như vậy là đã quá muộn. Thủ tướng Italia Conte thừa nhận: “Chúng ta đã hết thời gian”. Nhiều chính trị gia Italia đã chỉ trích sự chủ quan của chính quyền khi không sớm đề ra phương án phòng dịch.
Nino Cartabellotta, chuyên gia y tế hàng đầu ở Italia, nói: “Chiến thuật chờ đợi chỉ càng làm virus lây lan rộng hơn”.
Chưa dừng lại ở đây, người Italia mang virus đã đi khắp châu lục, không chỉ khiến châu Âu mà còn cả Nam Mỹ thông báo các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Một số chuyên gia khác cho rằng Italia đơn giản là đã kém may mắn. “Họ có thể nói là đã nhận ra dịch bệnh quá muộn. Phong tỏa toàn quốc là điều đúng đắn nhưng mọi chuyện đã trở nên vượt khỏi tầm kiểm soát”, nhà phân tích bệnh truyền nhiễm Christian Althaus nói với Guardian.
Giới chức y tế Italia hiện chưa thể xác định liệu nước này đã đạt đến đỉnh của dịch bệnh hay chưa. Trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong luôn ở mức cao.
Số ca tử vong tính đến ngày 17.3 ở Italia là 2.503 và không còn xa so với con số hơn 3.200 người tử vong ở Trung Quốc.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Số ca tử vong vì dịch Covid-19 ở Italia tiếp tục giữ ở mức cao trong nhiều ngày liên tiếp trong khi số người đang nhiễm...
Nguồn: [Link nguồn]