Israel toan tính chiến lược hậu Hamas tại Dải Gaza
Israel đã tạm khắc phục sự chia rẽ trong nội bộ, đoàn kết lại cho mục tiêu lật đổ chế độ Hamas tại Dải Gaza. Tuy nhiên, vấn đề hậu chiến, có vai trò rất quan trọng với an ninh của Israel đến nay vẫn ít được nhắc tới. Không có lựa chọn nào không có rủi ro cho Dải Gaza thời hậu Hamas và Israel cần xác định phương án tối ưu cho lợi ích của mình.
Lựa chọn thứ nhất là đánh cuộc về "nguyên trạng", trong đó Israel có thể làm suy yếu toàn diện khả năng quân sự của Hamas nhưng rút quân mà không lật đổ chế độ hiện nay tại Dải Gaza. Israel sau đó tiến hành ngăn chặn mối đe dọa an ninh thông qua chính sách bao vây khu vực này và chiến lược xung đột cục bộ định kỳ. Đây là sự tiếp nối chính sách chủ đạo trong suốt thời kỳ ông Benjamin Netanyahu làm Thủ tướng của Israel gần 15 năm. Chính sách này có ưu điểm là quen thuộc và ít gây thương vong trong thời gian ngắn, nhưng cũng khá rắc rối bởi nó trái với mục tiêu của chiến dịch quân sự mà Israel phát động, đồng thời bị hạn chế trong răn đe phong trào Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng thù địch khác. Một vấn đề khác là lựa chọn này có thể tái hiện thất bại chiến lược dẫn tới một cuộc tấn công tương tự như hôm 7/10 vừa qua.
Lựa chọn thứ hai là Israel giải tán Hamas một cách hệ thống thông qua sức mạnh quân sự và tái chiếm đóng Dải Gaza trong thời gian dài. Kiểm soát quân sự có thể tối đa hóa sự kiểm soát an ninh của Israel, nhưng đồng thời cũng gia tăng chi phí chính trị, ngoại giao và kinh tế. Israel sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với người dân Dải Gaza, trong đó có hoạt động tái thiết. Sự hiện diện quân sự tại các khu vực đô thị Palestine sẽ khiến quân đội Israel đứng trước nguy cơ thường trực bị tấn công, đồng thời là nguồn va chạm thường xuyên.
Việc đặt khoảng 2,3 triệu người Palestine (cùng hàng chục nghìn người gia tăng thêm mỗi năm do tăng trưởng dân số) dưới sự chiếm đóng lâu dài của Israel sẽ là gánh nặng không thể chấp nhận với tuyên bố của Israel là một nhà nước dân chủ và Do Thái - nền tảng của tính hợp pháp ngay trong nội bộ nước này. Ngoài ra, việc chiếm đóng sẽ là trở ngại đối với tham vọng mở rộng Hiệp định hòa bình Abraham, thậm chí là đảo ngược những thành tựu của Israel trong vài năm gần đây.
Lựa chọn thứ ba là đặt Dải Gaza dưới sự bảo trợ quốc tế, trong đó có tái thiết và xây dựng một trật tự chính trị mới ở đây. Tuy nhiên, sau thất bại với cái giá phải trả cao tại Iraq và Afghanistan, các nước phương Tây và Arab khó có khả năng hứng thú với việc nhận trách nhiệm đầy đủ cho quản lý Dải Gaza. Lực lượng quốc tế chỉ thành công trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở những nơi đã tồn tại ý chí duy trì hòa bình, như tại bán đảo Sinai. Nếu không, lực lượng này sẽ bị trục xuất hoặc vô hiệu hóa do sự không sẵn sàng chấp nhận tổn thất khi áp đặt tiêu chuẩn luật lệ và trật tự, tạo điều kiện cho tái thiết.
Lựa chọn thứ tư là trao cho Chính quyền Palestine (PA) của Tổng thống Mahmoud Abbas quyền pháp lý quốc tế và sở tại trong duy trì trật tự chính trị lâu dài tại Gaza. Israel từng trao trả Dải Gaza cho PA khi quân đội nước này rút đi năm 2005. Thậm chí là sau khi Hamas lật đổ PA năm 2007 thì PA vẫn tham gia quản lý khu vực này, trong đó có việc trả lương và cung cấp dịch vụ, đồng thời phối hợp với Israel trong kiểm soát hoạt động ra vào Dải Gaza. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu của lựa chọn này là sự yếu kém của PA, lâu nay bị không những cộng đồng quốc tế mà ngay cả người dân Palestine coi là tham nhũng tràn lan, ngày càng độc đoán và gặp khủng hoảng trong bộ máy lãnh đạo.
Lựa chọn thứ năm là kết hợp giữa PA với can dự của quốc tế. PA hiện quá yếu kém để có thể tự quản lý Dải Gaza và cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nước để triển khai tái thiết thời kỳ hậu chiến. Trong đó, Mỹ cùng các nước đối tác phương Tây và Arab sẽ đóng vai trò điều phối. Tuy nhiên, trở ngại là PA và các nước Arab khác có thể muốn tránh bị hiểu là đang phối hợp với Israel trong chiến dịch quân sự hiện nay. Do đó, Israel sẽ cần sớm tuyên bố ý định rút khỏi Dải Gaza càng sớm càng tốt, cùng PA và các đối tác quốc tế thiết lập một chính quyền Palestine đủ khả năng tái định cư khu vực này, đồng thời bảo đảm Hamas và các nhóm thánh chiến khác không bao giờ ngóc đầu trở lại.
Nhìn chung, lợi ích của Israel được bảo đảm tốt nhất thông qua việc thiết lập một chính quyền tại Dải Gaza có liên hệ với PA, cùng một chương trình tái thiết quy mô lớn được Mỹ và các nước khu vực và thế giới ủng hộ. Việc Israel sớm tuyên bố ủng hộ thiết lập một chính quyền như vậy tại Gaza sẽ tạo định hướng chính trị cho chiến dịch quân sự đang được triển khai và củng cố tính hợp pháp quốc tế cho chiến dịch này. Việc đánh bại Hamas không chỉ là phá hủy năng lực quân sự của lực lượng này mà còn bao gồm sự trao quyền hợp pháp cho một chính quyền Palestine ôn hòa.
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 23 và tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thương vong cho cả hai phía.
Nguồn: [Link nguồn]