Israel sẽ làm gì sau 'tối hậu thư' từ ông Biden?
Sau việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra quan điểm cứng rắn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4-4, phía Israel buộc phải cân nhắc kỹ hành động tại Gaza.
Ngày 4-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, cảnh báo rằng nếu Israel không có các bước cụ thể để giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, thái độ ủng hộ của Mỹ với Israel sẽ thay đổi, theo đài CNN.
Cuộc điện đàm hôm 4-4 là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Israel xác nhận nước này không kích nhầm một đoàn viện trợ ở Gaza đã làm 7 nhân viên cứu trợ thuộc tổ chức viện trợ World Central Kitchen thiệt mạng. Đây cũng là lần đầu tiên ông Biden cảnh báo sẽ có điều kiện với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4-4. Ảnh: NHÀ TRẮNG
“Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên nhân đạo và tình hình nhân đạo nói chung là không thể chấp nhận. Ngài ấy nói rõ rằng chính sách của Mỹ đối với Gaza sẽ được xác định dựa trên đánh giá của Mỹ về hành động ngay lập tức của Israel” – theo tuyên bố của Nhà Trắng sau cuộc điện đàm.
Theo CNN, ông Biden đã đặt uy tín của chính mình và của Mỹ vào thông điệp trong cuộc điện đàm. Việc còn lại là chờ xem phản ứng của ông Netanyahu và xem Israel sẽ hành động ra sao tại Gaza sau “tối hậu thư” nói trên.
Mỹ gay gắt hơn
Ngay sau cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Nếu chúng tôi không thấy những thay đổi cần thấy thì sẽ có những thay đổi trong chính sách của chúng tôi”,
Tuy nhiên, phía Mỹ không nêu rõ lập trường của nước này có thể thay đổi như thế nào. Dù vậy, CNN cho rằng quan điểm hiện tại của nhiều đảng viên Dân chủ sẽ ảnh hưởng quyết định của chính quyền ông Biden trong chính sách với Israel.
Theo đó, nhiều đảng viên Dân chủ kêu gọi Nhà Trắng áp các giới hạn trong việc sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất đối với Lực lượng Phòng vệ Israel.
Theo CNN, dù nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với chiến thuật của Israel tại Gaza, Nhà Trắng vẫn không sẵn sàng hoặc không thể đặt áp lực lên ông Netanyahu. Do đó, thông điệp của ông Biden hôm 4-4 cho thấy chính quyền Mỹ dường như đang bước qua giới hạn họ đặt ra. Và nếu nỗ lực này của Mỹ không khiến Israel thay đổi chiến thuật, căng thẳng giữa Israel và Mỹ có thể sẽ trở nên gay gắt hơn.
Trên thực tế, việc Mỹ gay gắt hơn với Israel không chỉ thể hiện qua thông điệp của ông Biden.
Dù đang có chuyến công du ở Brussels (Bỉ), ông Blinken cũng đã tổ chức một cuộc họp báo trên truyền hình và có những cảnh báo cứng rắn gửi tới Israel.
Sau đó tại Nhà Trắng, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng nhấn mạnh rằng Mỹ muốn thấy những thay đổi từ Israel, bao gồm việc mở thêm hành lang viện trợ vào Gaza và các biện pháp bảo vệ dân thường. Ông Kirby cho rằng các biện pháp này nên được thực hiện ngay lập tức.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) hôm 4-4. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Ngoài ra, cách Nhà Trắng đưa ra thông cáo lần này cũng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Theo đó, việc Nhà Trắng tóm tắt cuộc điện đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài một cách đầy đủ và công khai như hôm 4-4 là điều bất thường.
Ông Biden không xuất hiện trước máy quay trực tiếp trên truyền hình. Thay vào đó, ông đăng một bức ảnh trên X (tên gọi mới của Twitter), cho thấy ông nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại một cách trầm ngâm với cây bút đặt trên môi. Tổng thống Mỹ viết trong bài đăng: “Israel phải thực hiện các bước để giải quyết tổn hại dân sự và sự an toàn của người dân, đồng thời nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn để đưa các con tin về nhà”.
Trả lời CNN, ông Leon Panetta – cựu chánh văn phòng Nhà Trắng – cho biết ông tin rằng thông điệp của ông Biden có thể có hiệu quả và điều quan trọng là ông Biden đã kêu gọi các bên ngừng bắn.
“Cuộc chiến này đã diễn ra gần 6 tháng và ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu đã nói chuyện với nhau về những mối quan tâm của họ” – ông nói.
Lựa chọn của Israel
Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết nội các an ninh nước này quyết định thực hiện các bước ngay lập tức để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza.
Theo tờ The Times of Israel, Israel đang tạm thời mở cảng Ashdod (Israel) để vận chuyển nhân đạo và sẽ mở cửa khẩu Erez Crossing ở phía bắc Dải Gaza lần đầu tiên kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.
Ngoài ra, Israel cũng sẽ tăng lượng viện trợ từ Jordan qua cửa khẩu Kerem Shalom (trên khu vực tiếp giáp Gaza-Israel).
“Việc tăng cường viện trợ sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như rất quan trọng để đảm bảo việc tiếp tục chiến đấu và đạt được các mục tiêu” – theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel.
Tuy nhiên, về cá nhân Thủ tướng Netanyahu, ông không đưa ra tuyên bố gì sau cuộc điện đàm.
CNN cho rằng ông Netanyahu có kinh nghiệm dày dặn trong việc lãnh đạo Israel và nhiều lần bày tỏ quan điểm trái ngược với phía Mỹ. Do đó, việc tìm tiếng nói chung với ông Netanyahu không phải là điều dễ dàng đối với các tổng thống Mỹ.
Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS
Xét về quan hệ cá nhân, ông Biden và ông Netanyahu đều là những chính trị gia kỳ cựu và đã biết nhau nhiều năm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các lợi ích chính trị của tổng thống Mỹ – cũng được cho là lợi ích an ninh quốc gia của nước này – đang khác biệt với lợi ích của ông Netanyahu.
Theo đó, ông Biden có nhiều lý do để mong xung đột sớm kết thúc, trong đó có mục đích giành được sự ủng hộ của nhiều người dân hơn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Về phía ông Netanyahu, ông sẽ gặp nhiều khó khăn nếu hành động bất cẩn sau “tối hậu thư” của ông Biden. Trong bối cảnh nhiều nước chỉ trích mạnh mẽ Israel về hành động tại Gaza và viện trợ của Mỹ rất quan trọng với chính quyền ông Netanyahu, CNN cho rằng thủ tướng Israel phải cân nhắc thật kỹ các bước đi sắp tới.
Quân đội Israel sa thải 2 sĩ quan và chính thức khiển trách các chỉ huy cấp cao trong vụ không kích khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Dải Gaza. Kết quả điều tra phát hiện những sai sót nghiêm trọng và vi phạm quy trình.
Nguồn: [Link nguồn]