Israel sẵn sàng kế hoạch đổ sang Lebanon đánh Hezbollah, chờ ông Netanyahu ‘bật đèn xanh’

Sự kiện: Tin tức Israel

Căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang nghiêm trọng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tổng lực giữa hai bên.

Đụng độ xuyên biên giới giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) đã kéo dài hơn 8 tháng qua và leo thang đáng kể trong những ngày gần đây, dẫn đến lo ngại về một cuộc chiến toàn diện.

Leo thang trong hành động và lời nói

Tuần rồi Hezbollah công bố đoạn phim dài gần 10 phút cho thấy máy bay không người lái (UAV) trinh sát của nhóm này xâm nhập vào các địa điểm quân sự ở miền bắc Israel.

Đoạn phim xuất hiện trong bối cảnh Hezbollah tăng cường tấn công vào biên giới Israel với số lượng rocket kỷ lục mỗi ngày nhằm đáp trả vụ tấn công của Israel hôm 11-6 khiến một chỉ huy cấp cao của nhóm này thiệt mạng. Đáp lại, Israel liên tục không kích vào miền nam Lebanon.

Ngay sau đoạn phim của Hezbollah, ngày 18-6, Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz nói rằng nước này sẽ sớm ra quyết định về một cuộc chiến tổng lực với Hezbollah. “Chúng tôi đang tiến rất gần đến thời điểm quyết định thay đổi luật chơi với Hezbollah và Lebanon. Khi cuộc chiến tổng lực xảy ra, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt và Lebanon sẽ tổn thất nặng nề” - tờ The Guardian dẫn lời ông Katz.

Lực lượng phòng vệ Israel sau đó cho biết đã phê duyệt kế hoạch tác chiến ở Lebanon, nói thêm rằng các tướng lĩnh Israel đã họp đánh giá tình hình và “tất cả những gì cần thiết bây giờ là sự bật đèn xanh từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu’.

Bình luận về các tuyên bố của Israel, ngày 19-6, lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) - ông Hassan Nasrallah cảnh báo về một cuộc chiến tranh “không kiềm chế, không có quy tắc và không có giới hạn” trong trường hợp Israel tấn công lớn vào Lebanon.

“Đối phương biết rõ rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn nhất. Họ biết rõ điều gì đang chờ đợi họ và biết rằng sẽ không có nơi nào trên đất nước này [Lebanon] thiếu rocket và UAV của chúng tôi. Sẽ không có chuyện ném bừa bãi: Mỗi quả rocket, một mục tiêu” - lãnh đạo Hezbollah, ông Hassan Nasrallah.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở miền nam Lebanon ngày 21-6 trong bối cảnh căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang. Ảnh: AFP

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở miền nam Lebanon ngày 21-6 trong bối cảnh căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang. Ảnh: AFP

Phản ứng quốc tế về căng thẳng Israel - Hezbollah

Ngày 18-6, trong chuyến công du Lebanon, ông Amos Hochstein - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ nói rằng Washington đang khẩn trương tìm cách xoa dịu căng thẳng Israel - Hezbollah.

Ông Hochstein nói rằng nhu cầu giảm leo thang là “khẩn cấp”, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc giao tranh qua Đường Xanh - đường phân giới giữa Israel và Lebanon - đã “diễn ra đủ lâu”. “Đã tới lúc các bên ngồi lại giải quyết vấn đề này thông qua biện pháp ngoại giao để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên” - ông Hochstein nói.

Trong khi đó, đài CNN ngày 21-6 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Mỹ đã trấn an phía Israel rằng nếu một cuộc chiến toàn diện nổ ra ở biên giới phía bắc Israel thì chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chuẩn bị đầy đủ để hỗ trợ đồng minh.

Theo CNN, các quan chức Mỹ đã nói với Israel điều này khi phái đoàn cấp cao Israel gồm Bộ trưởng Bộ Chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi đến thủ đô Washington D.C hôm 20-6.

Về phía Iran - nhà tài trợ của Hezbollah, ngày 21-6, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng Hezbollah có khả năng tự vệ và bảo vệ Lebanon, đồng thời cảnh báo Israel sẽ là “kẻ thua cuộc cuối cùng” nếu một cuộc chiến tổng lực xảy ra, theo kênh Al Jazeera.

“Bất kỳ quyết định thiếu thận trọng nào của Israel đều có thể đẩy khu vực vào một cuộc chiến mới, hậu quả là sự phá hủy cơ sở hạ tầng của Lebanon cũng như các vùng lãnh thổ mà Israel kiểm soát từ năm 1948” - theo tuyên bố của phái đoàn Iran tại LHQ.

Cũng trong ngày 21-6, Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo rằng “một động thái hấp tấp” của Israel hoặc Hezbollah có thể gây ra “thảm họa kéo dài, vượt xa biên giới và ngoài sức tưởng tượng”.

“Nhiều người đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người phải di dời, nhà cửa và sinh kế bị phá hủy. Người dân trong khu vực và thế giới không thể để Lebanon trở thành một Gaza khác” - ông Guterres nhấn mạnh.

Ngọn lửa bùng lên ở miền bắc Israel hôm 18-6 trong bối cảnh căng thẳng Israel - Hezbollah. Ảnh: REUTERS

Ngọn lửa bùng lên ở miền bắc Israel hôm 18-6 trong bối cảnh căng thẳng Israel - Hezbollah. Ảnh: REUTERS

Hậu quả vượt tầm kiểm soát

Mặc dù hiện tại căng thẳng Israel - Hezbollah vẫn ở mức độ thấp nhưng đã làm hơn 400 người Lebanon và 30 người Israel thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 150.000 người đã phải di dời khỏi khu vực biên giới.

Tình hình căng thẳng khiến các chuyên gia lo ngại về một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah. Tờ Politico dẫn nhận định của các chuyên gia rằng một cuộc chiến như vậy sẽ gây thiệt hại nặng nề cho tất cả các bên liên quan, và có nguy cơ làm “rung chuyển toàn bộ khu vực”.

Về phía Israel, cuộc chiến với Hezbollah được dự đoán sẽ đầy thách thức. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), Hezbollah là đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với Hamas vì nhóm này là tổ chức phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất trên thế giới.

“Nếu Hamas đại diện cho một mối đe dọa chiến thuật đối với nhà nước Israel thì Hezbollah chính là mối đe dọa chiến lược” - tờ Foreign Policy dẫn lời ông Michael Oren, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel.

Giống Hamas, Hezbollah cũng phát triển một mạng lưới đường hầm nhưng mạng lưới đường hầm của Hezbollah bên dưới lãnh thổ Lebanon được cho là rộng hơn nhiều so với mạng lưới của Hamas bên dưới Dải Gaza. Ngoài ra, không giống như Gaza, nơi bị cô lập về mặt địa lý, Hezbollah đã thiết lập các tuyến đường trên bộ và trên không từ Lebanon đến Iraq và Syria - những tuyến đường này có thể được sử dụng để duy trì lực lượng Hezbollah trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Về phía Lebanon, xung đột sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nhóm này vì tại Lebanon, Hezbollah được mô tả là đang điều hành một “nhà nước bên trong một nhà nước”. Do đó, Israel có khả năng sẽ nhắm mục tiêu vào thủ đô Beirut và các TP khác ở Lebanon.

“Kế hoạch của Israel sẽ là tiêu diệt mọi sự cai trị của Hezbollah ở Lebanon. Thiệt hại sẽ rất lớn” - ông Jonathan Schanzer, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Foundation for Defense of Democracies (Mỹ), nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, con đường giảm thang căng thẳng Israel - Hezbollah phải đi qua Dải Gaza. “Tôi nghĩ nếu Hamas đồng ý ngừng bắn, Hezbollah cũng sẽ làm như vậy. Giới lãnh đạo cấp cao của Hezbollah đã nói rằng họ không muốn leo thang” - theo GS Daniel Byman tại ĐH Georgetown (Mỹ).

Trong khi đó, ngày càng nhiều quan chức và nhà phân tích cho rằng Dải Gaza chỉ là một mặt trận trong cuộc chiến rộng lớn giữa Israel với trục kháng chiến Iran và tin rằng việc leo thang với Hezbollah là điều không thể tránh khỏi.

Một nước EU vướng vào căng thẳng Israel - Hezbollah

CH Cyprus, một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), có vị trí nằm giữa Trung Đông và Nam Âu đang bị kéo vào căng thẳng Israel - Hezbollah, theo CNN.

Hôm 19-6, lãnh đạo Hezbollah - ông Nasrallah cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu vào Cyprus nếu nước này hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tiềm tàng với Hezbollah.

Đáp lại, Tổng thống Cyprus - ông Nikos Christodoulides phủ nhận mọi liên quan của Cyprus với căng thẳng đang diễn ra, cho biết đảo quốc này đang duy trì đường dây liên lạc với Iran và chính phủ Lebanon.

Theo CNN, Cyprus có quan hệ thân thiết với Israel. Đảo quốc này có truyền thống cho phép Israel sử dụng lãnh thổ để huấn luyện quân đội

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23/6 tuyên bố "giai đoạn giao tranh cường độ cao với lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã kết thúc" và quân đội Israel có thể chuyển hướng sang khu vực ở biên giới phía bắc giáp Lebanon.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN