Israel không kích trúng trại tị nạn Rafah, hơn 60 người chết

Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine thông báo hơn 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào Rafah ở phía nam Dải Gaza - thành phố có hơn một nửa dân số Gaza đang tìm nơi ẩn náu, CNN đưa tin sáng 12/2. Ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về kế hoạch tấn công của Israel.

Trước đó, Reuters đưa tin, các cuộc không kích của Israel trúng vào trại tị nạn ở Rafah đã giết chết ít nhất 37 người và làm bị thương hàng chục người, các quan chức y tế địa phương tuyên bố ngày 12/2, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Israel không tấn công Rafah nếu không có kế hoạch đáng tin cậy để bảo vệ dân thường.

Người dân Palestine ở Dải Gaza được Reuters liên hệ bằng ứng dụng trò chuyện cho biết, vụ ném bom dữ dội đã gây ra sự hoảng loạn lan rộng ở Rafah khi nhiều người đang ngủ thì cuộc tấn công bắt đầu. Một số người lo ngại Israel đã bắt đầu cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Theo họ, máy bay, xe tăng và tàu của Israel đã tham gia vào cuộc tấn công, khiến hai nhà thờ Hồi giáo và một số ngôi nhà phải hứng chịu bom đạn.

Quân đội Israel hôm 12/2 thông báo họ đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào miền nam Dải Gaza và hiện đã “kết thúc” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trước đây, trước khi tấn công vào các thành phố ở Dải Gaza, quân đội Israel ra lệnh cho dân thường rời đi mà không chuẩn bị bất kỳ kế hoạch sơ tán cụ thể nào.

Hình ảnh vệ tinh chụp các lều tạm ở thành phố Rafah ngày 26/10/2023 (trái) và 3/2/2024. Ảnh: Maxar.

Hình ảnh vệ tinh chụp các lều tạm ở thành phố Rafah ngày 26/10/2023 (trái) và 3/2/2024. Ảnh: Maxar.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 11/2 rằng Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho khoảng 1 triệu người đang trú ẩn ở đó. Các cơ quan viện trợ cho rằng cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây thảm họa. Đây là nơi tương đối an toàn cuối cùng trong khu vực bị tàn phá bởi cuộc tấn công quân sự của Israel.

Hai ông Biden và Netanyahu đã nói chuyện trong khoảng 45 phút, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ cho rằng phản ứng quân sự của Israel ở Dải Gaza là “quá mức” và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về số dân thường thiệt mạng ngày càng gia tăng ở vùng đất Palestine.

Văn phòng của ông Netanyahu nói rằng họ đã ra lệnh cho quân đội xây dựng kế hoạch sơ tán Rafah và tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas mà họ cho rằng đang được triển khai ở đó.

Theo thống kê của Israel, các chiến binh Hamas đã giết chết 1.200 người ở miền nam Israel và bắt cóc ít nhất 250 người trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Theo cơ quan y tế do Hamas điều hành, Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza khiến hơn 28.000 người Palestine thiệt mạng.

Nơi trú ẩn của người Palestine di tản ở Rafah, Gaza ngày 10/2/2024. Ảnh Mohammed Salem.

Nơi trú ẩn của người Palestine di tản ở Rafah, Gaza ngày 10/2/2024. Ảnh Mohammed Salem.

Cảnh báo hậu quả thảm khốc

Ông Netanyahu cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 11/2 rằng “có đủ số người” trong số 132 con tin Israel còn lại bị giữ ở Gaza còn sống để biện minh cho cuộc chiến của Israel trong khu vực.

Quân đội Israel cho biết hai con tin đã được giải thoát qua đêm trong một hoạt động chung của Lực lượng Phòng vệ Israel, cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel và Đơn vị Cảnh sát Đặc biệt ở Rafah.

Quân đội cho biết Fernando Simon Marman, 60 tuổi và Louis Hare, 70 tuổi, những người bị Hamas bắt cóc từ Kibbutz Nir Yitzhak, đều trong tình trạng tốt và được đưa đến Khu liên hợp y tế Tel Hashomer.

Đài truyền hình Aqsa do Hamas điều hành hôm 11/2 dẫn lời một lãnh đạo cấp cao của Hamas nói rằng bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào của Israel vào Rafah sẽ “làm nổ tung” các cuộc đàm phán trao đổi con tin. Cùng ngày, Ai Cập cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” nếu một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Israel nhằm vào Rafah, nằm gần biên giới nước này. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: “Ai Cập kêu gọi đoàn kết, các nỗ lực quốc tế và khu vực để ngăn chặn vụ tấn công nhằm vào thành phố Rafah của Palestine”.

Khói bốc lên trong một chiến dịch trên bộ của Israel ở Khan Younis (nhìn từ một trại lều che chở cho những người Palestine di tản ở Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 11/2/2024. Ảnh: Bassam Masoud.

Khói bốc lên trong một chiến dịch trên bộ của Israel ở Khan Younis (nhìn từ một trại lều che chở cho những người Palestine di tản ở Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 11/2/2024. Ảnh: Bassam Masoud.

Qatar, Ảrập Xêút và Anh nằm trong danh sách ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Israel. Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút cảnh báo về “những hậu quả rất nghiêm trọng của việc tấn công và nhắm mục tiêu” vào thành phố Rafah, trong khi Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) cảnh báo kế hoạch của Israel “có nguy cơ cướp đi thêm nhiều sinh mạng vô tội và làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza”.

Qata, nước hỗ trợ chính cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, cũng lên án kế hoạch tấn công của Israel.

Quân đội Israel tuyên bố phát hiện đường hầm dài hàng trăm mét được cho là của Hamas, bên dưới trụ sở cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc cho người Palestine ở Gaza.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An (Reuters, CNN) ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN