Israel - Iran kình nhau: Đã đến lúc Hội đồng Bảo an tung "át chủ bài"

Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phê chuẩn cuộc không kích nhằm vào Đại sứ quán Iran ở Damascus, ông biết mình đang làm gì.

Mọi cuộc tấn công nhắm vào cơ quan đại diện ngoại giao đều vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao 1961. Dù vậy, nhà lãnh đạo Israel vẫn tiếp tục, với hy vọng hướng sự chú ý ra khỏi những tổn thất trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Xét về tính "thiêng liêng" của các sứ mệnh ngoại giao, đợt không kích nêu trên là một bước đi "vi phạm nghiêm trọng" luật pháp quốc tế.

Iran, ở chiều ngược lại, bị đặt vào tình cảnh bẽ bàng khi mà cộng đồng quốc tế không phản ứng mạnh với hành động thù địch của Israel, đặc biệt là ở phương Tây. 

"Giọt nước tràn ly", Tehran suy xét hậu quả trước khi quyết định trả đũa Israel bằng cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ trong đêm 13-4, được triển khai từ chính lãnh thổ Iran nhằm "gửi một thông điệp rõ ràng" đến Israel và đồng minh.

Màn đáp trả của Iran được thiết kế để thị uy sức mạnh quân sự nhưng vẫn đảm bảo căng thẳng không leo thang vượt kiểm soát. 

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian mô tả cuộc tấn công là "có giới hạn", đồng thời cho biết Tehran đã cảnh báo Washington trước khi triển khai. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel đánh chặn thành công gần như toàn bộ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) được phóng.

Hiện trường vụ không kích hôm 1-4 vào Đại sứ quán Iran ở Damacus - Syria. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ không kích hôm 1-4 vào Đại sứ quán Iran ở Damacus - Syria. Ảnh: Reuters

Căng thẳng Iran - Israel làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông. Một cuộc chiến như vậy không chỉ gây tổn thất nặng nề cho cả khu vực, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho toàn thế giới. 

Mọi cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel đều có thể kéo các nước vùng Vịnh vào vòng xoáy bạo lực, mở đường cho một cuộc giao tranh diện rộng với khả năng tham gia của Mỹ, Nga...

Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế phải hành động. Theo bài bình luận của kênh Al Jazeera, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) phải thông qua một nghị quyết mang tính ràng buộc mạnh mẽ để áp lệnh ngừng bắn tuyệt đối trên toàn khu vực, bao gồm các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, Israel, Iran và tất cả các nước láng giềng liên quan, cũng như các chủ thể phi nhà nước.

Không kém phần quan trọng, nghị quyết này phải giải quyết vấn đề cốt lõi khiến Trung Đông chìm trong bất ổn: Nhà nước Palestine. 

Do đó, nghị quyết phải yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza để trao đổi con tin. Nghị quyết cần đề ra lộ trình rõ ràng để tiến đến mục tiêu thành lập nhà nước Palestine, cũng như để chấm dứt quyền kiểm soát quân sự của Israel đối với toàn bộ lãnh thổ Ả Rập bị chiếm đóng vào năm 1967. 

Nghị quyết phải thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để đảm bảo các bên tuân thủ, đặc biệt là ở Gaza và Bờ Tây - nơi bạo lực đang ở mức cao chưa từng có.

Tên lửa và UAV Iran bị đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 14-4. Ảnh: Reuters

Tên lửa và UAV Iran bị đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 14-4. Ảnh: Reuters

Một tuyên bố rõ ràng để ủng hộ và một lộ trình rõ ràng để hiện thực hóa quyền tự quyết của Palestine là đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại. Hầu hết các nước châu Âu đã trình bày kế hoạch gia nhập danh sách 139 quốc gia công nhận nhà nước Palestine.

Do đó, nghị quyết mới phải yêu cầu sử dụng Chương VII của Hiến chương LHQ. Điều 41 trong hiến chương quy định: "HĐBA có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của hội đồng, và có thể yêu cầu các thành viên LHQ áp dụng những biện pháp đó. Các biện pháp này có thể bao gồm việc gián đoạn toàn phần hay một phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, cũng như việc cắt đứt quan hệ ngoại giao".

Phần lớn tên lửa và UAV của Iran bị Israel và đồng minh bắn hạ trước khi đến được Israel. Ảnh: Reuters

Phần lớn tên lửa và UAV của Iran bị Israel và đồng minh bắn hạ trước khi đến được Israel. Ảnh: Reuters

Nghị quyết cần nêu rõ khả năng áp dụng lệnh trừng phạt nghiêm khắc và tẩy chay ngoại giao đối với những bên không tuân thủ. Nghị quyết cũng cần đề cập những quy định khác trong Chương VII, bao gồm sử dụng lực lượng quân sự để duy trì hòa bình quốc tế.

Cánh cửa cơ hội vẫn chưa khép lại hoàn toàn đối với cộng đồng quốc tế, nhất là khi Iran cho thấy họ sẵn sàng xuống thang căng thẳng. Mỹ và các quốc gia khác đã hỗ trợ Israel và đây là thời điểm để Israel "trả nợ" đồng minh bằng cách tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Nếu không muốn đối mặt khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tàn khốc từ một cuộc xung đột toàn Trung Đông, thế giới phải tăng tốc để đặt nền móng thúc đẩy hòa bình bền vững cho khu vực. Chìa khóa nỗ lực này là giải quyết vấn đề nhà nước Palestine một lần và mãi mãi.

Quang cảnh đổ nát ở TP Khan Younis, phía Nam Dải Gaza hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Quang cảnh đổ nát ở TP Khan Younis, phía Nam Dải Gaza hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Nguồn: [Link nguồn]

Sau cuộc tấn công của Iran với hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, Israel đã bày tỏ quan điểm sẽ giáng đòn đáp trả vào "thời điểm thích hợp". Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo đòn đáp trả của Israel có thể mở đầu cho một loạt những hành động "ăn miếng trả miếng" của hai nước, gây tổn hại an ninh chung ở Trung Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực (Al Jazeera) ([Tên nguồn])
Iran tấn công Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN