Israel-Hezbollah bên miệng hố chiến tranh

Những đòn tấn công ăn miếng trả miếng với mức độ ngày càng tăng giữa Israel và Hezbollah làm gia tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột toàn diện.

Thời gian gần đây, xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) leo thang phức tạp khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột toàn diện.

Diễn biến mới nhất là vụ Israel ngày 27-7 cáo buộc Hezbollah nã “khoảng 30 quả rocket” vào một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát khiến 12 người chết, 44 người bị thương (hầu hết là trẻ em từ 8 đến 15 tuổi). Israel nói rằng đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi hai bên bắt đầu các cuộc đụng độ xuyên biên giới vào tháng 10-2023.

Bất chấp việc Hezbollah “kiên quyết phủ nhận” có liên quan vụ tấn công, Lực lượng Phòng vệ Israel ngày 28-7 cho biết đã không kích vào các mục tiêu của Hezbollah “sâu bên trong lãnh thổ Lebanon”.

Tình hình hiện tại đặt ra câu hỏi rằng liệu Israel và Hezbollah có đi đến bờ vực chiến tranh hay không và hai bên có thể làm gì để ngăn chặn cuộc chiến tiềm tàng này.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ sân bóng đá ở Cao nguyên Golan trúng rocket ngày 27-7. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ sân bóng đá ở Cao nguyên Golan trúng rocket ngày 27-7. Ảnh: REUTERS

Cả Israel và Hezbollah đều “đi trên dây”

Ngay sau vụ sân bóng trúng rocket, Nội các an ninh Israel ngày 28-7 đã ủy quyền cho chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định “cách thức và thời điểm” đáp trả Hezbollah.

Dù căng thẳng giữa Israel và Hezbollah leo thang sau các đòn ăn miếng trả miếng, giới quan sát cho rằng cần cân nhắc thêm các yếu tố khác để đánh giá nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát, theo tờ The Conversation.

Đầu tiên chính là quyết tâm của giới lãnh đạo Israel với cuộc chiến. Từ lâu, Hezbollah luôn được xem là "cái gai" trong mắt Israel. Israel đã nhiều lần cố gắng làm suy yếu hoặc loại trừ Hezbollah kể từ khi lực lượng này nổi lên như một lực lượng chính trị và bán quân sự lớn ở Lebanon vào đầu những năm 1980.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Israel, đáng chú ý nhất là chiến dịch quân sự năm 2006, đã thất bại. Vài tháng qua, giới lãnh đạo Israel liên tục cảnh báo sẽ khôi phục an ninh cho biên giới phía bắc.

“Tôi có thể nói rằng Nhà nước Israel sẽ không im lặng về vấn đề này. Chúng tôi sẽ không gạt vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự” - ông Netanyahu nói sau vụ tấn công ngày 27-7.

Yếu tố tiếp theo có thể tác động căng thẳng Israel-Hezbollah chính là xung đột Israel-Hamas. Israel đang mắc kẹt trong cuộc chiến ở Gaza khiến nước này khó có thể đối đầu hiệu quả với Hezbollah. Có thông tin rằng các tướng lĩnh Israel đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đạn dược và kiệt sức của lực lượng Israel ở Gaza. Các tướng lĩnh này kêu gọi ông Netanyahu chấp nhận lệnh ngừng bắn với Hamas để dồn sức cho cuộc chiến ở biên giới phía bắc.

Bên cạnh đó, việc Israel không đạt được hai mục tiêu chính trong cuộc chiến (bao gồm loại bỏ hoàn toàn Hamas và giải cứu các con tin Israel) cũng như các hoạt động bắn phá của Israel trên toàn bộ Dải Gaza đã đe dọa vị thế của nước này trên trường quốc tế. Nếu nổ ra một cuộc chiến với Hezbollah lúc này, Israel nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ đồng minh Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng.

Ở phía ngược lại, cách Israel xử lý cuộc chiến ở Gaza đã thúc đẩy tâm lý chống lại Israel của Hezbollah và các nhóm Hồi giáo khác ở Trung Đông. Ngoài việc đồng cảm với người Palestine ở Gaza, Hezbollah hiểu rõ khó khăn của Israel và cũng hiểu rõ lợi thế của mình.

Hezbollah hiện là nhóm chiến binh hùng mạnh nhất thế giới. Theo nhiều báo cáo, nhóm này có 100.000 chiến binh dày dạn kinh nghiệm, một kho vũ khí khổng lồ (bao gồm tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến), cơ sở hạ tầng vững mạnh cùng với tính tổ chức cao.

Hezbollah cũng là mắt xích quan trọng bậc nhất trong “trục khác chiến” của Iran ở Trung Đông. Ngay sau khi đắc cử hồi đầu tháng 7, Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã tái khẳng định sự ủng hộ với Hezbollah nếu Israel phát động cuộc tấn công toàn diện vào nhóm này.

Tuy nhiên, theo tạp chí Foreign Affair, Hezbollah đang đối mặt tình thế lưỡng nan trong lựa chọn “tất tay với Israel”. Một mặt, Hezbollah muốn “răn đe” Israel sau các cuộc đụng độ ở biên giới, vì cuộc chiến của Hamas ở Gaza và mới đây là cuộc tấn công của Israel vào nhóm vũ trang Houthis ở Yemen (một thành viên khác của trục kháng chiến). Mặt khác, tình hình trong nước “mong manh” ở Lebanon khiến Hezbollah vẫn muốn tránh một cuộc xung đột toàn diện với Israel.

Foreign Affair dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới rằng tỉ lệ đói nghèo của Lebanon đã tăng gấp ba lần từ năm 2012 đến năm 2022. 40% dân số nước này hiện đang sống trong cảnh nghèo đói.

Ngày 28-7, Ngoại trưởng Lebanon - ông Ben Wedeman cảnh báo rằng nếu Israel đáp trả bằng cách tấn công Lebanon thì điều này có thể sẽ đẩy toàn bộ khu vực vào chiến tranh. “Sẽ không phải là Hezbollah chống lại Israel mà còn Houthis, dân quân Iraq, dân quân Syria, Pakistan, Afghanistan. Tất cả họ sẽ tham gia vào cuộc chiến đó” - ông Wedeman nói.

Có giải pháp nhưng không dễ dàng

Giải pháp khả dĩ nhất để ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah leo thang chính là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, tiến đến giải quyết vấn đề Palestine, theo The Conversation.

Khói bốc lên tại biên giới Lebanon - Israel sau các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS

Khói bốc lên tại biên giới Lebanon - Israel sau các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS

Hezbollah cam kết sẽ ngừng các hành động thù địch nếu Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Tuy nhiên, ông Netanyahu cho đến nay vẫn phản đối điều này, thế nên một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza khó có thể đạt được trước khi căng thẳng ở biên giới Israel-Lebanon tăng thêm.

Một kịch bản khác là Israel và Hezbollah tiến tới thỏa thuận ngừng bắn nhưng đây sẽ không phải là một lựa chọn dễ dàng cho Hezbollah. Trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt thế bế tắc với Hezbollah, Israel đã yêu cầu Hezbollah rút lui về phía sau vùng đệm 10 km từ biên giới với Israel. Đây là một yêu cầu khó chấp nhận với Hezbollah thế nên nhóm này đã từ chối đàm phán với Israel cho đến khi xung đột ở Dải Gaza chấm dứt, tờ The Times of Israel đưa tin.

Mặt khác, việc Hezbollah đạt thỏa thuận ngừng bắn với Israel có thể tạm thời chấm dứt bạo lực ở biên giới Israel-Lebanon nhưng không có gì đảm bảo bạo lực sẽ không tái diễn trong tương lai.

Ngoài ra, vị thế của Hezbollah ở cả Lebanon và khu vực Trung Đông phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của nhóm này trong “trục kháng chiến” do Iran hậu thuẫn. Thế nên, việc chấp nhận đàm phán với Israel mà không quan tâm số phận của người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây có thể ảnh hưởng vị thế Hezbollah ở Lebanon cũng như toàn bộ cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông.

Giới quan sát hy vọng rằng nếu hai kịch bản về thỏa thuận ngừng bắn ở trên không đạt được, Israel và Hezbollah sẽ tiếp tục các hoạt động tấn công mang tính kiềm chế như trước nay. Vài tháng qua, ông Amos Hochstein - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến công du đến Lebanon và Israel để xoa dịu tình hình.

Chuyên gia cho rằng ông Hochstein cũng như các nhà trung gian hòa giải cần tập trung vào việc kiềm chế các cuộc tấn công của Israel vào các trung tâm đô thị phía nam Lebanon vì các cuộc tấn công kiểu này rất có thể thúc đẩy Hezbollah leo thang phản ứng.

Ông Erdogan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ ‘có thể tiến vào Israel’

Ngày 28-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến quân vào Israel để hỗ trợ người Palestine chống lại Israel, theo hãng tin Reuters.

“Chúng ta phải rất mạnh mẽ để Israel không tiếp tục làm những điều vô lý với Palestine. Giống như chúng ta đã tiến vào vùng [Nagorno-]Karabakh, tiến vào Libya” - ông Erdogan nói.

Theo Reuters, ông Erdogan nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ đã cử quân tới Libya để hỗ trợ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) Libya vào năm 2020.

Đáp lại, Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz đáp trả phát ngôn của ông Erdogan, so sánh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với cựu độc tài Iraq Saddam Hussein.

“Ông Erdogan đang đi theo con đường của ông Saddam Hussein và đe dọa tấn công Israel. Ông ấy nên nhớ những gì đã xảy ra [với ông Hussein]” - ông Katz viết trên nền tảng X.

Trong một thông điệp gửi tới Israel, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Tel Aviv có quyền đáp trả cuộc tấn công gây rúng động gần đây của lực lượng Hezbollah, nhưng không nên vượt "lằn ranh đỏ".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN