Israel - Hamas, đàm phán hay 'trò chơi đổ lỗi'?
Phía Israel không đồng ý với đề xuất của Hamas về thỏa thuận ngừng bắn và đã cử phái đoàn đàm phán thêm, cho thấy đây không phải là giải pháp cho cuộc xung đột tại Gaza.
Ngày 6-5, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thông báo chấp nhận đề xuất ngừng bắn và thả con tin do các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra.
Theo đài CNN, phía Israel không chấp nhận đề xuất này, cho rằng đề xuất của Hamas “còn lâu mới” đáp ứng được yêu cầu của Israel.
Sau đó, Israel thực hiện các cuộc không kích vào TP Rafah (nam Gaza) hôm 6-5 và giành quyền kiểm soát phần bên Gaza tại cửa khẩu Rafah (nối Gaza với Ai CẬp) vào sáng 7-5. Song song với đó, phía Israel cho biết sẽ cử phái đoàn tới Cairo (Ai Cập) để tiếp tục quá trình đàm phán.
Người dân nhìn ra đống đổ nát ở TP Khan Younis (nam Gaza) hôm 2-5. Ảnh: AFP
Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 6-5, Hamas cho biết họ đã chấp nhận đề xuất của Ai Cập và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza. Đề xuất của Hamas bao gồm việc các bên ngừng bắn, Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, trao đổi con tin và tù nhân, tái thiết Gaza, dỡ bỏ lệnh cấm vận Israel đặt lên khu vực này.
Ngoài ra, Hamas sẽ thả 33 con tin Israel để đổi lấy việc Israel thả hàng trăm tù nhân Palestine trong thời gian 42 ngày.
Theo đề xuất của Hamas, thỏa thuận ngừng bắn được chia thành 3 giai đoạn. Theo ông Khalil al-Hayya – phó lãnh đạo Hamas ở Gaza, trong thỏa thuận này, vào ngày đầu tiên của giai đoạn đầu tiên, các bên cam kết về việc tạm thời dừng các hoạt động quân sự. Giai đoạn thứ hai sẽ thông báo về việc “ngưng vĩnh viễn các hoạt động quân sự và thù địch”.
Phản ứng từ Israel và những nước khác
Israel cho biết đề xuất của Hamas không phải là điều Israel thảo luận với Ai Cập vào tuần trước. Hôm 6-5, ông Benny Gantz – thành viên nội các chiến tranh Israel – cho rằng phiên bản đề xuất của Hamas “không tương ứng với cuộc đối thoại đã diễn ra cho đến nay với các nhà hòa giải và có những khoảng trống quan trọng”.
Tuy nhiên, CNN dẫn nguồn tin Israel cho biết nước này đang cử một phái đoàn cấp chuyên viên đến gặp các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar để hiểu rõ hơn về đề xuất này và xác định xem liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không.
Điểm vướng mắc lớn nhất trong đề xuất của Hamas là lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng đề xuất của Hamas kêu gọi chấm dứt hoàn toàn xung đột đã chạm vào làn ranh đỏ đối với Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu.
Ông Frank Lowenstein – người từng là Đặc phái viên về đàm phán Israel-Palestine dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama – cho rằng rằng đây có thể là “thời điểm của sự thật cho trò chơi đổ lỗi. Trò chơi này đang được cả hai bên tham gia, thông qua đàm phán thỏa thuận ngừng bắn”.
“Hamas rõ ràng đã chấp nhận sự mơ hồ về thời hạn ngừng bắn mà các nhà hòa giải đã đề xuất, cùng với việc theo đuổi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn mà rõ ràng là không thể thực thi được” – ông Lowenstein nói.
Theo ông Lowenstein, thỏa thuận này phụ thuộc vào ông Netanyahu.
Các cuộc đàm phán liên quan thế nào hoạt động của Israel tại Rafah?
Israel lập luận rằng Rafah là pháo đài cuối cùng của Hamas ở Gaza. Tuần trước, ông Netanyahu tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah, bất chấp có đạt được thỏa thuận hay không.
Hôm 6-5, lực lượng Israel đã không kích nhằm vào phía đông Rafah. Đến sáng 7-5, họ đã giành quyền kiểm soát phần bên Gaza của cửa khẩu Rafah, thay thế cờ Palestine ở đó bằng cờ Israel. Trước đó, họ yêu cầu khoảng 100.000 cư dân ở miền đông Rafah phải sơ tán ngay lập tức.
Ông Barak Ravid – nhà phân tích chính trị và các vấn đề toàn cầu – cho biết cửa khẩu Rafah là một “địa điểm chiến lược” đối với Hamas. Ông cũng cho rằng đây được coi là biểu tượng cho việc Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza.
Ông Ravid cho rằng việc Israel chiếm giữ cửa khẩu có thể đã làm tổn hại đến hình ảnh của Hamas đối với người dân Gaza. Điều này đóng vai trò là đòn bẩy để khiến Hamas “linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán về con tin”.
Các cuộc tấn công ở Rafah không đạt đến quy mô của một cuộc đổ bộ như Mỹ cảnh báo. Tuy nhiên, các cuộc tấn công này có thể xoa dịu một số bộ trưởng cực đoan trong nội các của ông Netanyahu – những người đang gây áp lực buộc ông Netanyahu phải thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah.
CNN dẫn nguồn các quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden không cho rằng hoạt động quân sự của Israel ở Rafah là bước khởi đầu cho kế hoạch đổ bộ TP này. Một nguồn tin cho biết việc Israel tấn công hạn chế vào Rafah là nhằm mục đích gây áp lực lên Hamas, để nhóm này đồng ý thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Ông Lowenstein cho biết kế hoạch đổ bộ Rafah có thể mang lại lợi ích cho cả Israel và Hamas.
“[Ông Netanyahu] muốn thể hiện sự cứng rắn của mình bằng cách đứng lên chống lại Mỹ và thế giới để bảo vệ Israel. Và Hamas nghĩ rằng ông ấy đang rơi vào một cái bẫy ở Rafah, khiến Israel càng bị cô lập hơn và thậm chí còn bị cộng đồng quốc tế lên án nhiều hơn” – ông nói.
Hai bên thực sự muốn gì?
Hamas và Israel cáo buộc nhau cản trở thỏa thuận ngừng bắn và kéo dài xung đột.
Theo ông Lowenstein, Hamas tin rằng việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch tại Gaza là kịch bản duy nhất đảm bảo sự tồn tại của nhóm vũ trang này.
“Cả hai bên chỉ muốn một thỏa thuận ngừng bắn để đảm bảo sự sống còn về mặt chính trị của họ. Đối với Hamas, đó là lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho phép họ duy trì một số khả năng quân sự. Đối với ông Netanyahu, đó chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trên con đường dẫn đến ‘chiến thắng toàn diện’”.
Nguồn: [Link nguồn]
Israel đã chính thức phát động cuộc tiến công lớn nhằm vào thành phố Rafah - thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas ở miền nam Dải Gaza.