Israel dùng bom lượn JDAM trong vụ không kích Beirut đẫm máu nhất?
The Guardian hôm 11/10 đưa tin, phóng viên của tờ này đã tìm thấy một mảnh bom tại hiện trường vụ Israel không kích trung tâm Beirut (Lebanon) trước đó một ngày. Sau khi tiến hành phân tích, mảnh bom này được cho là một phần của bom dẫn đường (JDAM) do Mỹ sản xuất.
Tại hiện trường vụ không kích ở trung tâm Beirut, phóng viên The Guardian phát hiện mảnh bom dẫn đường được cho là JDAM do Mỹ sản xuất. JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom lượn thông minh, bằng việc gắn các bộ dẫn đường GPS do Boeing chế tạo. Phương án này giúp tận dụng kho dự trữ bom thay vì sản xuất những quả bom dẫn đường có chi phí cao.
Một cựu kỹ thuật viên bom của quân đội Mỹ xác nhận với The Guardian: "Mẫu bu lông, vị trí và hình dạng của mảnh bom này phù hợp với cấu trúc của phần cánh đuôi JDAM do Mỹ sản xuất gắn trên bom Mk-80".
Mảnh bom được cho là của bom lượn JDAM do Mỹ sản xuất. Ảnh: The Guardian
Bom Mk-80 có ba loại, loại nhỏ nhất nặng 250 kg, loại lớn nhất nặng gần một tấn. Được biết, bom JDAM là một trong những loại vũ khí được Israel yêu cầu nhiều nhất từ Mỹ. Và đây có thể là lần đầu tiên bom Mỹ được sử dụng trong một cuộc tấn công nhằm vào Beirut kể từ năm 2006.
Hiện Mỹ và Israel chưa bình luận về thông tin trên.
Trước đó, đêm 10/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành không kích không báo trước nhằm vào Thủ đô Beirut. Hai tòa chung cư ở khu al-Basta al-Fouqa đã hứng trọn hỏa lực. Theo The Guardian, 22 người thiệt mạng, 117 người bị thương trong vụ không kích nêu trên, đánh dấu cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào Thủ đô Lebanon kể từ khi giao tranh Hezbollah - Israel tăng nhiệt hồi tháng 10/2023.
Được biết, al-Basta al-Fouqa là khu phố của tầng lớp lao động, phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni, nổi tiếng bởi đồ cổ và kiến trúc truyền thống. Sau đòn không kích đêm 10/10 của IDF vào Beirut, các đội cứu hộ đã phải làm việc suốt đêm để tìm kiếm người sống sót, đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Chia sẻ với The Guardian, Ali (30 tuổi), một cư dân sống gần al-Basta al-Fouqa cho hay, tòa nhà bị không kích có nhiều dân thường sinh sống, nơi này từng được cho là an toàn và tiếp nhận nhiều người di tản từ miền Nam Lebanon.
Giới chuyên gia nhận định, động thái trên của Israel có thể đánh dấu một chương mới trong chiến dịch chống Hezbollah. Đây là lần đầu tiên khu vực trung tâm của Beirut bị tấn công. Nơi này vốn cách xa vùng ngoại ô phía Nam mà lực lượng Hezbollah hiện diện mạnh mẽ.
Trong một diễn biến có liên quan, nhiều nước phương Tây ngày 12/10 đề nghị Israel ngừng gây hại cho lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) ở Lebanon, sau loạt vụ tập kích nhằm vào lực lượng này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Ireland Simon Harris gọi đây là hành động "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", kêu gọi Israel lắng nghe tiếng nói, sự quan ngại của cộng đồng quốc tế và ngừng khai hỏa vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Lebanon.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ tấn công tên lửa của Iran dường như đã bộc lộ những điểm yếu trong mạng lưới phòng không của Israel. Tuy vậy, quân đội được cho là đang cố gắng hạn...