Israel đã phá hết đường hầm ở Gaza chưa?
Dù có nhiều phương án được đề ra, lực lượng Israel vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình phá hủy hệ thống đường hầm ở Gaza.
Hồi tháng 11, các binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Israel thả một máy bay không người lái mang camera xuống một đường hầm gần bệnh viện Al Shifa – bệnh viện lớn nhất Dải Gaza (Palestine). Hình ảnh camera thu lại cho thấy đường hầm này dài khoảng 300 m, đủ rộng để một người đàn ông cao lớn có thể đi qua mà không cần cúi đầu, theo tờ Financial Times.
Bên trái và bên phải đường hầm là các phòng có máy điều hòa không khí, nhà vệ sinh và nhà bếp. Trong đường hầm còn có cả cửa chống nổ.
Binh sĩ Israel bên trong một đường hầm ở Gaza hồi tháng 11. Ảnh: AP
Phía Israel cho rằng đường hầm này được dùng cho mục đích dân sự. Theo Financial Times, đây chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống đường hầm bên dưới Dải Gaza.
Theo nhiều chuyên gia, kết quả của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) phụ thuộc vào việc Israel có tìm phá được hệ thống đường hầm này hay không.
Hệ thống đường hầm dày đặc, nguy hiểm ở Gaza
Mạng lưới đường hầm ở Gaza được cho là lớn hơn mạng lưới tàu điện ngầm của TP London (Anh). Theo Financial Times, mạng lưới đường hầm này có thể tránh được sự giám sát của các máy bay Israel và tránh được các cuộc không kích.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng các đường hầm đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những thành viên Hamas. Đây cũng được cho là nơi Hamas cất giấu vũ khí, nhốt các con tin bị bắt trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7-10.
“Phá hủy các đường hầm của Hamas là khía cạnh khó khăn nhất trong hoạt động quân sự của Israel nhưng lại là một trong những điều quan trọng nhất. Họ cần phải kiên nhẫn. Nó sẽ tốn thời gian" - bà Daphné Richemond-Barak – giáo sư tại Đại học Reichman (Israel) – nhận định.
Financial Times dẫn lời một cựu quan chức an ninh cấp cao của Israel cho rằng cụm từ “đường hầm” không phù hợp với những gì Hamas đã tạo ra ở Gaza. Theo vị quan chức này, hệ thống bên dưới Gaza nên được gọi là “các thành phố ngầm”.
Đường hầm từ lâu đã được sử dụng trong các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, Financial Times đánh giá rằng Hamas đã đưa khái niệm đường hầm lên một tầm cao mới.
“Chiến trường hiện đại đang chứng kiến sự kết hợp giữa năng lực cổ xưa và kỹ thuật số. Và đôi khi chính những kỹ thuật cổ xưa (như đường hầm) có thể chiến thắng các thiết bị hiện đại” - theo ông Anthony King – chuyên gia chiến tranh đô thị tại Đại học Exeter (Anh).
Ngoài ra, phía Israel cũng cho biết bên trong các đường hầm này cũng rất nguy hiểm.
Binh sĩ Israel bên cạnh lối vào một đường hầm ở Gaza. Ảnh: REUTERS
“Các đường hầm là một thách thức lớn. Hamas đã đặt nhiều thứ như bẫy bom, chướng ngại vật nhằm cản trở việc di chuyển của chúng tôi bên trong đường hầm” - theo một quan chức Israel.
Theo ông Yehuda Kfir – kỹ sư xây dựng đang phục vụ trong lực lượng quân dự bị Israel, Hamas có thể đã xây nhiều lớp đường hầm khác nhau bên dưới Gaza.
“Lớp 'phòng thủ' nằm phía trên và có bẫy mìn. Lớp này rất hẹp và có cửa chống nổ mà chúng ta đã thấy. Lớp ‘tấn công’ nằm sâu hơn. Lớp này rộng hơn và chứa những thứ như trung tâm hậu cần, khu sinh hoạt và các kho vũ khí” – ông Kfir nói.
Israel loay hoay tìm cách phá hệ thống đường hầm
Phía Israel cho biết đã xác định được hơn 800 đường hầm ở Gaza và phá hủy khoảng 500 đường hầm trong số này.
Theo Financial Times, kể từ năm 2016, Israel đã nhận được 320 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ để phát triển các kỹ thuật chống đường hầm. Nước này cũng có một đội ngũ kỹ sư chống đường hầm, biệt kích ngầm được trang bị chuyên dụng để thăm dò các đường hầm và tìm cách đánh sập chúng.
Đến nay, Israel đã lên kế hoạch và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để phá hủy các đường hầm ở Gaza.
Phương pháp đầu tiên là cho nổ các đường hầm. Để làm được điều này, các kỹ sư Israel phải xác định vị trí, chiều dài của các đường hầm. Sau đó, họ cho nổ các đường hầm này. Các kỹ sư và chuyên gia quân sự cho biết để phá hủy hoàn toàn một đường hầm, cần phải đặt chất nổ dọc theo những đoạn dài bên trong đường hầm đó.
Ông Kfir cho biết một phương pháp khác là sử dụng chất nổ lỏng lấp đầy không gian đường hầm rồi cho phát nổ. Tuy nhiên, phương pháp này đang gây tranh cãi vì nó có thể gây tác động lớn đến khu vực xung quanh.
Một biện pháp khác là bơm nước biển từ Địa Trung Hải ở áp suất cao vào đường hầm. Trên thực tế, phía Israel đã bắt đầu lắp đặt thiết bị để chuẩn bị thực hiện biện pháp này.
Bà Richemond-Barak cho biết kỹ thuật này có ưu điểm là từng được sử dụng trong ngành dầu khí. Tuy nhiên, bà cho biết nhược điểm của phương pháp này là “bạn không biết mình đã bơm nước được bao nhiêu”. Bà cho biết lượng nước cần thiết phụ thuộc vào kích thước của đường hầm và khả năng hấp thụ nước của lòng đất.
Video lực lượng Israel phá hủy đường hầm ở Gaza. Nguồn: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL
Tuy nhiên, hôm 5-12, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel – Trung tướng Herzi Halevi gọi kế hoạch bơm nước vào các đường hầm ở Gaza là “một ý tưởng hay”. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận thêm về vấn đề này, theo tờ The Times of Israel.
Ngoài ra, Israel cũng đã tính đến việc đào các đường hầm để chặn ngang mạng lưới đường hầm ở Gaza. Theo các chuyên gia, biện pháp này được cho là gây ít rủi ro hơn cho các con tin dưới đường hầm, so với biện pháp dùng chất nổ hay bơm nước.
“Israel không nên tiếp cận hệ thống đường hầm từ trên cao, mà nên từ bên dưới. Bạn sẽ cần thứ gì đó giống máy khoan tự động. Nó sẽ giúp hướng đến mục tiêu” – ông Kfir nói.
Tuy nhiên, dù đã nêu ra những biện pháp như vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng Israel sẽ cần thời gian và gặp không ít khó khăn trong quá trình phá hủy hệ thống đường hầm ở Gaza.
Nhiều thành viên trong lực lượng Israel cũng bày tỏ tiếc nuối vì đã không tìm cách xử lý hệ thống đường hầm này sớm hơn.
“Đáng lẽ chúng tôi nên phá hủy tất cả hệ thống đường hầm của Hamas khi chúng còn ở quy mô nhỏ. Chúng tôi có tất cả thông tin tình báo” - theo một cựu quan chức an ninh cấp cao Israel.
Quân đội Israel ngày 8/12 công bố video quay cảnh các thành viên lực lượng tinh nhuệ giao tranh với lực lượng Hamas tại một khu trường học bỏ hoang ở Dải Gaza.
Nguồn: [Link nguồn]