Israel công bố thương vong gây sốc trong xung đột với Hamas

Bộ Y tế Israel cho biết ít nhất 600 người đã thiệt mạng và 2.000 người khác bị thương ở nước này sau cuộc tấn công mới nhất của nhóm vũ trang Hamas, theo đài ABC News.

Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết 232 người đã thiệt mạng và 1.790 người khác bị thương ở Dải Gaza.

Rốc-két gây thiệt hại ở Tel Aviv - Israel. Ảnh: Reuters

Rốc-két gây thiệt hại ở Tel Aviv - Israel. Ảnh: Reuters

Giao tranh hiện vẫn tiếp diễn giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas. Ít nhất 30 cảnh sát Israel đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, chủ yếu diễn ra ở TP Sderot, nơi các tay súng Hamas kiểm soát đồn cảnh sát. Sderot cách biên giới với dải Gaza chỉ hơn 3 km.

Nhà chức trách Israel đã thiết lập một đường dây nóng để người dân cung cấp mẫu ADN giúp xác định danh tính những người thiệt mạng. Nước này cũng ngừng cung cấp điện, nhiên liệu và hàng hóa tới dải Gaza.

Cảnh sát Israel tuyên bố: "Chúng tôi sẽ khôi phục an ninh cho người dân Israel và chúng tôi sẽ giành chiến thắng".

Mục đích sâu xa của Hamas

Chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas gọi cuộc tấn công đột ngột ngày 7-10 là "Chiến dịch bão Al-Aqsa", mục đích là trả đũa việc Israel "xúc phạm" đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.

Đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng xếp thứ ba của đạo Hồi và lại tọa lạc trong thánh địa mà người Do Thái gọi là Núi Đền.

Ông Deif đồng thời cáo buộc Israel đã giết và làm bị thương hàng trăm người Palestine trong năm nay và kêu gọi người Ả Rập ở Jerusalem và bên trong Israel tham gia cuộc xung đột.

Rốc-két bay phía trên địa điểm tổ chức lễ hội âm nhạc ở Re'im - Israel hôm 7-10. Ảnh: ABC News

Rốc-két bay phía trên địa điểm tổ chức lễ hội âm nhạc ở Re'im - Israel hôm 7-10. Ảnh: ABC News

Tuy nhiên, mục đích của Hamas có thể không dừng lại ở đó.

Theo đánh giá ban đầu của giới chức Mỹ, thời điểm xảy ra cuộc tấn công của Hamas có liên quan đến các dấu hiệu cho thấy Ả Rập Saudi và Israel "có thể sắp đạt được thoả thuận bình thường hoá quan hệ". 

Sau cuộc tấn công ngày 7-10, cả Hamas và phong trào Hezbollah (Lebanon) đều nói rằng cuộc tấn công này là lời cảnh báo đối với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào muốn bình thường hóa quan hệ với Israel.

Israel đáp trả thế nào?

Việc Israel trả đũa Hamas được cho là sẽ vô cùng phức tạp bởi các con tin Israel đang bị cầm giữ trong các đường hầm ở dải Gaza và các địa điểm khác. 

Đồng thời, Israel quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng trên các mặt trận khác - Hamas và các lực lượng thánh chiến ở Bờ Tây; Hezbollah đã triển khai dọc biên giới với Lebanon và được trang bị nhiều tên lửa.

Vấn đề quyết định chiều hướng cuộc khủng hoảng chính là liệu Hezbollah sẽ đứng ngoài cuộc hay điều động lực lượng tấn công Israel. Nếu Hezbollah tham gia thì đây có thể trở thành một trong những cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong khu vực nhiều năm trở lại đây.

Ngày 8-10, Reuters cho biết Hezbollah và lực lượng Israel đã đấu pháo và rốc-két nhưng chưa có báo cáo về thương vong.

Phía Hezbollah xác nhận bắn rốc-két dẫn đường và pháo vào khu vực Shebaa Farms do Israel kiểm soát từ năm 1967 để "thể hiện tình đoàn kết” với người dân Palestine. Đáp lại, quân đội Israel bắn pháo vào một khu vực của Lebanon, nơi "phát động hỏa lực xuyên biên giới". 

Theo một quan chức Mỹ và một nguồn thạo tin, giới chức Washington đang thảo luận về việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Israel để hỗ trợ Israel ứng phó với cuộc tấn công của Hamas.

Thông tin tình báo bổ sung cho Israel có thể bao gồm thông tin được thu thập từ máy bay không người lái, nghe lén và vệ tinh.

Mỹ đã góp 3,3 tỉ USD cho Israel trong chi tiêu quốc phòng vào năm 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Israel ban bố tình trạng chiến tranh: Thế giới phản ứng ra sao?

Lực lượng Hamas xâm nhập lãnh thổ và phóng hàng nghìn quả rocket, buộc Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu – phải ban bố tình trạng chiến tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Nghĩa ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN