Israel có thực sự quyết tâm loại bỏ hoàn toàn Hamas?
Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza luôn có tư tưởng thù địch với Israel, chủ trương giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và đã 4 lần đụng độ quân sự với Israel với kết quả bất phân thắng bại.
Phong trào Hồi giáo Hamas đã kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007.
Hôm 7/10, Hama phát động chiến dịch quân sự "chưa từng có" khiến Israel bất ngờ. Hamas phát động chiến tranh với thông điệp không chấp nhận việc Israel phong tỏa Dải Gaza suốt 16 năm qua và cách đối xử của Israel đối với người Palestine ở khu Bờ Tây.
Israel phản ứng bằng cách tuyên chiến với Hamas, liên tục giáng đòn không kích cả ngày lẫn đêm nhằm vào các mục tiêu ở Dải Gaza.
Israel đáp trả Hamas đến mức nào?
Giới chức Israel cho biết, chiến dịch tấn công của họ nhằm đáp trả Hamas ở Gaza mới chỉ bắt đầu. Những ngày tới, Hamas sẽ chứng kiến cuộc đáp trả chưa từng thấy.
"Đến cuối cuộc chiến này, tất cả đối thủ của chúng ta sẽ nhận ra rằng họ đã mắc sai lầm khủng khiếp khi tấn công Israel. Chúng ta mới chỉ bắt đầu tấn công Hamas. Những gì chúng ta sẽ làm trong những ngày tới sẽ khiến họ phải trả giá trong nhiều thế hệ. Bất cứ nơi nào mà Hamas hoạt động sẽ bị san phẳng", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thừa nhận rằng xung đột với Hamas sẽ còn kéo dài. "Xung đột sẽ còn kéo dài. Nó sẽ không kết thúc trong vài ngày, sẽ cần thời gian dài", ông Cohen nói.
Các nhà quan sát cũng hoài nghi về khả năng Israel đưa quân tiến vào Gaza với mục đích lật đổ Hamas và giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng 360km2 này.
"Tôi không biết Israel muốn đưa quân vào Gaza đến mức nào. Cuộc xung đột ngày 7/10 khiến khả năng Israel đưa quân vào Gaza cao hơn so với làn sóng bạo lực trước đây. Nhưng Israel cũng từng lan truyền các thông tin sai lệch về một cuộc can thiệp quân sự lớn ở Gaza", Khaled Elgindy, chuyên gia tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Mỹ, nói với tờ Vox.
"Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rất thận trọng trong việc thực hiện chiến dịch quân sự với quy mô lớn", Daniel Byman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. "Dưới thời ông Netanyahu, Israel chưa từng thực hiện chiến dịch quân sự nào lớn như ở Lebanon vào năm 2006. Ông Netanyahu có xu hướng thận trọng nhưng có lẽ khó có thể thận trọng khi Hamas phát động cuộc tấn công quy mô như vậy".
Binh sí Israel tuần tra ở khu vực gần Dải Gaza vào năm 2014.
Israel từng kiểm soát Dải Gaza trong giai năm từ năm 1967 - 2005 và sau đó chủ động rút khỏi khu vực này vì sự thù địch của người Palestine.
Theo báo cáo năm 2017 của tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), Israel hoàn toàn có đủ năng lực để loại bỏ Hamas. Nhưng làm như vậy có thể còn tạo ra rủi ro lớn hơn.
"Trong những năm qua, Israel chủ yếu tìm cách ám sát các lãnh đạo Hamas và giáng đòn không kích tầm xa gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, thay vì triệt hạ Hamas hoàn toàn", báo cáo của RAND cho biết.
"Chúng tôi muốn bẻ gãy xương đối phương mà không cần đưa đi viện”, một quan chức Israel nói, ám chỉ chiến lược với Hamas.
Natan Sachs, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, nhận định, Israel hoàn toàn có thể đưa quân vào Gaza như những gì xảy ra năm 2008 và 2009. Nhưng không rõ quân đội Israel có ở lại Gaza hay không. Ưu tiên của Israel là giải cứu hơn 100 con tin bị Hamas giam giữ tại nhiều địa điểm ở Gaza.
Israel sẽ cần thu thập thông tin tình báo về nơi ở của các lãnh đạo Hamas và xác định số lượng con tin mất tích cũng như vị trí của các con tin. Đây sẽ là nhiệm vụ đầy khó khăn.
Hamas tồn tại có lợi cho Israel
Hamas là phong trào Hồi giáo nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau cuộc bầu cử hợp pháp vào năm 2007. Nhánh quân sự của Hamas là lữ đoàn al-Qassam. Lực lượng này trỗi dậy mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Mohammed Deif.
Quân đội Israel nhiều lần tìm cách ám sát Deif nhưng không thành công. Theo ước tính của quân đội Israel năm 2021, nhánh vũ trang của Hamas có 30.000 tay súng, 7.000 quả rocket, 300 vũ khí chống tăng và 100 tên lửa phòng không.
Theo đánh giá của Viện Brookings có trụ sở ở Mỹ, mặc dù đã 4 lần giao tranh với Israel và cuộc xung đột nổ ra ngày 7/10 là lần thứ 5, Hamas thực tế tập trung nguồn lực nhiều hơn để chèn ép các phe phái đối lập Palestine.
Áp lực từ Israel, sự cô lập của quốc tế và những khó khăn ở Dải Gaza luôn khiến Hamas có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Israel cũng có lợi ích khi để Hamas tồn tại bởi nếu không có tổ chức theo đường lối cứng rắn này, tình hình ở Gaza có thể còn trở nên bất ổn hơn, các chuyên gia của Viện Brookings nhận định.
Hamas giúp xây dựng luật pháp, duy trì trật tự ở Gaza. Nhưng việc phát triển Dải Gaza là điều bất khả thi trước sự phong tỏa cả trên không và trên bộ của Israel. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, 80% người dân Gaza phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế. Hamas đổ lỗi cho Israel về tình trạng ở Dải Gaza, trong khi giới chức Israel cho rằng Hamas đầu tư cho lĩnh vực quân sự nhiều hơn là phúc lợi của người dân Palestine.
Hamas chưa phải tổ chức cực đoan nhất trong số các tổ chức của người Palestine ở Dải Gaza.
Thực tế là trong những năm gần đây, Hamas luôn gặp khó khăn về kinh tế. Các hoạt động buôn lậu qua đường biển ngày càng khó khăn hơn trước sự trấn áp của chính phủ Ai Cập.
Có giai đoạn, Hamas gặp khủng hoảng đến mức muốn muốn trút bỏ gánh nặng quản lý Dải Gaza và chỉ muốn tập trung cho khía cạnh quân sự.
Một phần nguyên nhân trì trệ của Hamas là do tổ chức này chưa giải quyết được mâu thuẫn trong nội bộ. Hamas vừa muốn đối đầu Israel vừa muốn quản lý Gaza, nhưng thực tế không thể làm được cả hai điều đó.
Theo Viện Brookings, Israel không muốn loại bỏ hoàn toàn Hamas và trực tiếp nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vì đây là nhiệm vụ phức tạp.
Israel gián tiếp làm suy yếu Hamas nhưng đủ để tổ chức này vẫn có thể chèn ép các phe phái Palestine khác. Việc Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza cũng phục vụ lợi ích của Israel. Hamas không phải là nhóm quá bạo lực trong số các nhóm người Palestine đối đầu Israel. Thực tế là trong các phe phái Palestine còn có các nhóm thánh chiến gần giống với khủng bố IS hoặc al-Qaeda hơn.
Mặc dù một số nhóm trong nhánh quân sự của Hamas cũng có khuynh hướng cực đoan nhưng hoạt động hoàn toàn do Hamas kiểm soát. Đôi khi, Hamas cho phép các các nhóm này hoạt động nhằm gây áp lực lên Israel và cũng có lúc Hamas trấn áp các nhóm này.
Theo Viện Brookings, Israel không muốn một cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra ở Dải Gaza. Vì lý do đó, Israel thỉnh thoảng cho phép các tàu buôn Hamas di chuyển từ Ai Cập đến Gaza và thậm chí có lúc còn thúc đẩy Ai Cập giảm bớt áp lực lên Hamas.
Viện Brookings cho rằng, loại bỏ hoàn toàn phong trào Hồi giáo Hamas sẽ khiến Israel phải huy động hàng ngàn binh sĩ tuần tra ở Gaza trong nhiều năm, cũng như gánh vác trách nhiệm quản lý và phát triển an sinh xã hội ở Gaza hàng ngày và cơ bản là Israel không muốn như vậy.
Trong các cuộc giao tranh với Hamas, Israel đã có cơ hội kiểm soát hoàn toàn Gaza, nhưng giới chức Israel chủ trương rút quân khỏi Gaza hoặc giới hạn bằng các cuộc tấn công theo kiểu trừng phạt.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, Hamas nói sẵn sàng thảo luận với Israel về một thỏa thuận ngừng bắn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng hối thúc Israel và Hamas ngừng bắn.
__________________________
Tuyên bố loại bỏ hoàn toàn Hamas và huy động 300.000 quân dự bị, điều gì khiến Israel đến nay vẫn chưa đưa quân tiến vào Dải Gaza? Hamas nắm trong tay "vũ khí" gì để đối phó? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ 3 xuất bản 19 giờ ngày 14/10.
Cách đây 50 năm, Israel bị hai nước láng giềng Ai Cập và Syria bất ngờ phối hợp tấn công. 50 năm sau, Israel lần thứ hai bị bất ngờ nhưng là chiến dịch từ phong trào Hồi giáo...
Nguồn: [Link nguồn]