Israel cấm cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc, hàng loạt nước phản ứng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quốc hội Israel đã có động thái "rắn" với một cơ quan của Liên Hợp Quốc, cáo buộc cơ quan này tham gia hoạt động khủng bố nhằm vào Israel.

Người dân miền nam Gaza tập trung trước một cửa hàng bánh mì ngày 28/10/2024. Ảnh: Reuters

Người dân miền nam Gaza tập trung trước một cửa hàng bánh mì ngày 28/10/2024. Ảnh: Reuters

Theo Guardian, quốc hội Israel đã bỏ phiếu cấm Cơ quan cứu trợ và xây dựng của Liên hợp quốc (Unrwa) hoạt động trên lãnh thổ Israel và các khu vực Israel kiểm soát.

Trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 92-10 (ủng hộ - phản đối) vào cuối ngày 28/10, Knesset (quốc hội Israel) đã cấm Unrwa thực hiện "bất kỳ hoạt động nào" hoặc cung cấp bất kỳ chương trình nào trên lãnh thổ và tại các khu vực Israel kiểm soát ở Đông Jerusalem, Gaza và Bờ Tây.

Các nhà lập pháp Israel cũng bỏ phiếu tuyên bố Unrwa là một nhóm khủng bố, về cơ bản cấm mọi tương tác trực tiếp giữa cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này và nhà nước Israel.

"Những nhân viên của Unrwa tham gia vào các hoạt động khủng bố nhằm vào Israel phải chịu trách nhiệm", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố. "Vì việc tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng là điều cần thiết nên viện trợ nhân đạo liên tục phải luôn sẵn sàng ở Gaza hiện tại và trong tương lai. Trong 90 ngày, trước khi luật này có hiệu lực, và sau đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo Israel tiếp tục tạo điều kiện viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza theo cách không đe dọa đến an ninh của Israel”, ông Netanyahu nói thêm.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: EPA

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: EPA

Theo Guardian, luật mới - chưa có hiệu lực ngay - dự kiến ​​dẫn đến việc đóng cửa trụ sở của Unrwa ở Đông Jerusalem và sẽ chặn đứng việc cung cấp viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza qua thành phố Rafah. Israel cũng sẽ không cấp giấy phép nhập cảnh và giấy phép làm việc cho nhân viên Unrwa và ngăn cản việc phối hợp với quân đội Israel để cấp phép vận chuyển viện trợ.

Hơn 1,9 triệu người Palestine phải di dời. Dải Gaza phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước và thuốc men trên diện rộng kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra.

Juliette Touma, phát ngôn viên của Unrwa, tuyên bố: "Thật vô lý khi một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc lại tìm cách giải thể một cơ quan của Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là đơn vị lớn nhất tổ chức hoạt động nhân đạo tại Gaza".

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington "rất quan ngại" về cuộc bỏ phiếu và đã thúc giục Israel "tạm dừng thực hiện" luật mới vì điều đó có thể "gây ra những tác động" với Israel "theo luật pháp Mỹ".

Luật pháp Mỹ cấm Washington cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia hạn chế viện trợ nhân đạo của Mỹ.Trong cuộc họp báo, ông Miller nhấn mạnh, Unrwa có vai trò “không thể thay thế” trong việc cung cấp viện trợ cho Dải Gaza.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết Anh cũng "rất quan ngại" về dự luật mới được thông qua của Israel.

"Luật này có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của Unrwa dành cho người dân Palestine trở nên bất khả thi, gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Gaza và việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây. Tình hình nhân đạo ở Gaza đơn giản là không thể chấp nhận được. Theo nghĩa vụ quốc tế, Israel phải đảm bảo đủ viện trợ cho dân thường ở Gaza", ông Starmer nói.

Theo Al Jazeera, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết động thái mới của Israel là một quyết định không tốt. Ông bày tỏ sự không đồng tình với luật mới này và khuyến nghị Israel nên cân nhắc lại.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cũng có bình luận tương tự. Ông cho biết quyết định này của quốc hội Israel khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở Gaza.

Người dân ở phía bắc Gaza chen nhau nhận lương thực cứu trợ hồi tháng 7/2024. Ảnh: Xinhua

Người dân ở phía bắc Gaza chen nhau nhận lương thực cứu trợ hồi tháng 7/2024. Ảnh: Xinhua

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích lệnh cấm của Israel với Unrwa. “Không có giải pháp nào thay thế được Unrwa,” ông Guterres tuyên bố. “Việc Israel thực hiện luật mới có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho người tị nạn Palestine ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, điều này là không thể chấp nhận được”.

Úc phản đối, trong khi Jordan, Ireland, Na Uy, Slovenia và Tây Ban Nha lên án luật mới của Israel.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết Unrwa thực hiện công tác cứu người và chính phủ Úc phản đối quyết định của quốc hội Israel về việc "hạn chế nghiêm ngặt" hoạt động của cơ quan này.

Bộ Ngoại giao Jordan "lên án mạnh mẽ" động thái mới của Israel, mô tả đây là "hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và nghĩa vụ của Israel với tư cách là bên chiếm đóng" tại Palestine.

Chính phủ 4 nước châu Âu (Ireland, Na Uy, Slovenia và Tây Ban Nha) - tất cả đều công nhận nhà nước Palestine - đã ra tuyên bố chung lên án việc quốc hội Israel nhắm vào Unrwa.

Các Ngoại trưởng của Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối luật mới của Israel và cảnh báo việc thực thi luật này có thể dẫn đến "hậu quả tàn khốc".

Hamas cũng lên án luật mới của Israel, cho rằng "luật này là nhắm đến người Palestine".

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz – tuyên bố Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres “không xứng đáng đặt chân” lên lãnh thổ Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Guardian, Al Jazeera ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN