Iskander - tên lửa đạn đạo tầm ngắn "vô hình" của Nga
Với khả năng tạo lớp mây vô hiệu hóa radar khi phóng khỏi bệ, tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander do Nga chế tạo đủ sức vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của mọi quốc gia “như chỗ không người”.
Xem tên lửa Iskander hủy diệt mục tiêu từ khoảng cách 200km
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander Nga từng triển khai ở Syria được cho là đủ sức bắn sâu vào vùng lãnh thổ của Jordan, Lebanon, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ với độ chính xác cực cao.
Tên lửa 9K720 Iskander-M được NATO định danh là SS-2 Stone là tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Nga nghiên cứu, chế tạo. Phiên bản xuất khẩu của Iskander chỉ có phạm vi bắn 280km và đầu đạn 480kg. Tuy nhiên, phiên bản nội địa có tầm bắn gấp đôi 500km, theo trang Global Security.
Iskander biến lục quân Nga trở nên rất mạnh.
Một nguồn tin khác khẳng định phiên bản nội địa của Iskander có thể bắn xa 400km và đầu đạn 700kg. Điều này giúp tên lửa đạn đạo của Nga “lách” quy định của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với các tên lửa đạn đạo chiến thuật. Iskander là biện pháp thay thế hữu hiệu cho OTR-23 Oka, loại tên lửa đạn đạo gắn được đầu đạn hạt nhân bị Hiệp ước INF cấm.
Cả hai phiên bản nội địa và xuất khẩu của Iskander đều gắn đầu đạn đơn trang bị hệ thống dẫn đường tối ưu, gia tăng độ chính xác tùy phiên bản. Theo Missile Threat, nếu tên lửa chỉ gắn hệ thống định vị thông thường, sai số phạm vi bắn là 200m. Nếu trang bị thêm GPS hoặc hệ thống GLONASS, phạm vi sai số chỉ còn 50m. Nếu được bổ sung thêm cảm biến radar hoặc cảm biến quang-điện, độ chính xác hầu như là tuyệt đối.
Phiên bản nội địa Iskander tầm bắn lên tới 500km và gắn được đầu đạn hạt nhân.
Iskander có thể gắn nhiều chủng đầu đạn khác nhau, từ biến thể thuốc nổ mạnh (HE), đầu đạn phân mảnh, đầu đạn nhiệt áp hoặc đầu đạn xuyên phá. Phiên bản nội địa có thể gắn được đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Iskander được thiết kế để “né” hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo trang Missile Threat, khi phóng khỏi bệ, Iskander sẽ bay và bao quanh là lớp mây trung tính khiến sóng radar không thể dội lại. Điều này khiến tên lửa trở nên “vô hình” và biến mọi tên lửa đánh chặn hiện nay trở nên vô hiệu.
Mỗi quả tên lửa Iskander có giá 112 tỉ đồng.
Iskander là tên lửa đạn đạo chiến thuật, tấn công và tiêu diệt các mục tiêu tĩnh hoặc di chuyển. Mục tiêu chủ yếu của Iskander là các khẩu đội tên lửa phòng không, tên lửa tầm ngắn, sân bay, cầu cảng, cơ sở chỉ huy, nhà máy và công sự.
Do khả năng vượt qua các lưới lửa phòng không nên Moscow đã đặt bệ phóng Iskander-M ở thành phố Kaliningrad. Vũ khí này giúp Nga có thể sử dụng phần lãnh thổ ven biển Baltic này để đe dọa hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đặt ở Ba Lan và quan trọng hơn, khiến những quốc gia láng giềng phải dè chừng.
Dù có năng lực chiến đấu rất tốt tuy nhiên Nga vẫn không ngừng cải thiện loại vũ khí này. Các tên lửa đời mới đang được cải tiến. Chỉ huy lực lượng tên lửa Nga, tướng Aleksandr Dragovalovsky khẳng định Iskander còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá và tên lửa này hoàn toàn có thể được nâng cấp lên một tầm cao mới.
Iskander là câu trả lời thích đáng của Nga nhằm vào lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ.
Một tổ hợp Iskander hoàn chỉnh gồm xe mang phóng tự hành 9P78E, xe chở đạn 9T250E, xe chỉ huy, xe đảm bảo tham số phóng, xe bảo dưỡng kỹ thuật và xe hỗ trợ khác. Mỗi quả đạn tên lửa Iskander trị giá 5 triệu USD (112 tỉ đồng).