IS trỗi dậy ở Afghanistan
Các cuộc tấn công trong vòng 2 tuần qua ở Afghanistan đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, theo số liệu từ bệnh viện. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại rằng Afghanistan đang bước vào một “mùa xuân bạo lực”, khi nhóm khủng bố IS-K trỗi dậy nhằm làm suy yếu chính phủ lâm thời của Taliban.
Một vụ đánh bom tại nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, Afghanistan, hồi cuối tuần trước đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Ảnh: EPA
IS-K - nhánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan - đã nhận trách nhiệm về 4 trong số 7 vụ tấn công lớn gần đây, theo SITE Intelligence Group.
Những vụ tấn công bất ngờ trên khắp đất nước của IS-K đã khiến Taliban thêm mất bình tĩnh sau khi nhóm này lên nắm quyền từ tháng 8 năm ngoái, nhưng vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Đây cũng là một đòn giáng mạnh đối với Taliban vì tổ chức này từng tuyên bố đã dập tắt mọi mối đe dọa từ IS.
Bằng cách nhắm mục tiêu vào dân thường, IS-K làm dấy lên nỗi lo sợ rằng đất nước Afghanistan sẽ rơi vào vòng xoáy bạo lực kéo dài, và làm gia tăng lo ngại về khả năng trỗi dậy tiềm tàng của các nhóm cực đoan ở Afghanistan mà cuối cùng có thể gây ra mối đe dọa quốc tế.
Tháng trước, IS tuyên bố đã bắn rocket vào Uzbekistan từ phía Bắc Afghanistan. Đây là cuộc tấn công có chủ đích đầu tiên của nhóm nhằm vào một quốc gia Trung Á.
Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn ở Washington (Mỹ), cho biết: “IS-K đã sống sót sau nhiều năm hứng chịu các cuộc không kích của các lực lượng NATO và sự truy quét trên bộ của Taliban. Bây giờ sau khi Taliban tiếp quản và Mỹ rời đi, IS-K thậm chí còn nổi lên mạnh mẽ hơn.”
Kể từ khi thành lập năm 2015 đến nay, IS-K đã luôn coi Taliban là kẻ thù. Đối với IS-K, quan điểm của Taliban là không đủ cứng rắn. Các chiến binh IS-K gọi Taliban là "những kẻ bội đạo" vì sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hòa bình với Mỹ. Các chỉ huy IS năm ngoái đã lên án việc Taliban tiếp quản Afghanistan.
Trong suốt 6 năm qua, IS đã buộc phải co cụm về miền Đông Afghanistan trong bối cảnh liên tục bị lực lượng Mỹ, Afghanistan không kích khiến nhiều thủ lĩnh của tổ chức này thiệt mạng.
Tuy nhiên, sau khi Taliban lên nắm chính quyền, IS đã trỗi dậy và mở rộng quy mô hoạt động ra gần như tất cả 34 tỉnh của Afghanistan, theo Phái bộ Liên Hợp Quốc ở nước này. Số lượng chiến binh IS ở Afghanistan cũng tăng gấp đôi lên gần 4.000 người.
Trong 4 tháng cuối năm 2021, IS-K đã thực hiện 119 vụ tấn công ở Afghanistan, tăng từ 39 vụ trong cùng kỳ năm trước, bao gồm các vụ đánh bom liều chết, ám sát và phục kích vào các trạm kiểm soát an ninh.
96 vụ tấn công trong số đó nhắm vào các quan chức hoặc lực lượng an ninh của Taliban, tăng mạnh so với chỉ 2 vụ trong cùng kỳ năm 2020. Trước đó, IS-K chủ yếu nhắm vào dân thường, các nhà hoạt động và phóng viên.
Taliban đã thực hiện một chiến dịch quyết liệt vào năm ngoái để truy quét các chiến binh bị tình nghi là thành viên IS-K ở tỉnh Nangarhar, miền Đông nước này.
Trong những tháng mùa đông vừa qua, số các vụ tấn công của IS đã giảm dần, khiến nhiều người hy vọng rằng chiến dịch của Taliban đang dần phát huy hiệu quả.
Nhưng sự gia tăng của các cuộc tấn công gần đây cho thấy IS dường như đã tận dụng mùa đông để tái thiết, trước khi trỗi dậy mạnh mẽ vào mùa xuân. Cách làm này từng được Taliban áp dụng khi nhóm mới chỉ là một phong trào nổi dậy.
Các nhà phân tích cho biết IS-K dường như không có ý định chiếm đóng lãnh thổ như nhánh IS đang làm ở Iraq và Syria. Nhưng những cuộc tấn công đã chứng tỏ khả năng của nhóm này trong việc gieo rắc hỗn loạn và bạo lực, bất chấp sự mạnh tay của Taliban.
Việc này có thể khiến nhiều người nhận ra điểm yếu của Taliban, và các nhóm cực đoan khác trong khu vực có thể sẽ chuyển sang liên minh với IS.
Cuối tháng trước, khi Saeed Mohammad Agha Husseini (21 tuổi) đứng dưới hiên nhà ở khu vực Dasht-e-Barchi của Kabul thì một tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên. Husseini và cha chạy đến trường học gần đó, nơi nhiều học sinh đang sợ hãi đổ ra cổng, và thi thể đẫm máu của một số học sinh nằm ngổn ngang trên vỉa hè.
Cha của Husseini chạy đến để giúp đỡ các nạn nhân, nhưng vài phút sau lại xảy ra một vụ nổ khác khiến ông bị thương nặng và tử vong.
Một tuần sau, Huseini cùng gia đình tổ chức tang lễ cho người cha xấu số. Nỗi sợ về nguy cơ xảy ra một vụ nổ khác vẫn ám ảnh cư dân Dasht-e-Barchi. Tại trường học, các lãnh đạo địa phương thảo luận về việc thuê vệ sĩ để đảm bảo an ninh.
"Họ (Taliban-PV) không bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi không an toàn. Chúng tôi phải tự lo cho sự an nguy của mình", Husseini nói.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mới đây tuyên bố sẽ "trả thù" cho cựu thủ lĩnh bị tiêu diệt.
Nguồn: [Link nguồn]