IS tấn công Jakarta do đang bị đánh "te tua" ở sào huyệt
Theo một số chuyên gia, IS sẽ lan ra toàn cầu và lý do nằm ở Iraq và Syria.
Sau cuộc tấn công liên hoàn vào Indonesia ngày 14.1, cư dân quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này đã chia sẻ những cụm từ khóa #chúng ta không sợ. Thông điệp đưa ra nhằm trấn an và thể hiện sự bình tĩnh cùng vượt qua giông tố trước chủ nghĩa khủng bố IS lan truyền.
“Chúng tôi muốn nói với bọn khủng bố rằng hành động của chúng không mang lại nhiều tác dụng. Dù đó là mục đích gì thì cũng không thành công”, Niar Nurdin, 40 tuổi, cư dân thành phố Jakarta chia sẻ.
IS trước giờ chưa từng hiện diện ở Đông Nam Á nhưng Indonesia là một điểm đến quan trọng cho những kẻ khủng bố máu lạnh. Hơn 80% trong số 250 triệu dân Indonesia là người Hồi giáo. Hiện tại chỉ có hơn vài trăm người Indonesia gia nhập IS, một con số quá nhỏ so với những quốc gia châu Âu với hàng ngàn kẻ thánh chiến.
Ngoài tuyển mộ binh lính, mối lo ngại xuất hiện khi IS đang bành trướng, theo quan điểm của Max Abrahms, giáo sư khoa học chính trị trường đại học Northeastern tại Boston (Mỹ).
“Tôi dự đoán rằng IS sẽ lan ra toàn cầu. Một lí do đơn giản là chúng đang mất dần các khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria. Khi IS bị áp lực trước các cuộc chiến, chúng sẽ dồn quân ra các khu vực khác ngoài xa vùng chiến sự”, Abrahms nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết IS sẽ rất khó khăn nếu muốn giành lại sự ủng hộ trong khu vực Indonesia. “IS vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của người Indonesia và nhiều nhóm khủng bố khác cũng muốn tiêu diệt IS nếu chúng xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á này”, Anton Alifandi, chuyên gia phân tích Indonesia của báo IHS trả lời trên tờ IBT.
Tổng thống Indonesia có mặt ở hiện trường ít phút sau vụ tấn công liên hoàn
Cuộc tấn công ngày 14.1 khiến 7 người chết trong đó 5 tên là khủng bố và 20 người khác bị thương. Indonesia trước đây từng bị tấn công ở đảo Bali năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton năm 2009 cũng bị tấn công.
“Đây là một quốc gia trước giờ rất bình yên”, Raffaello Pantucci, giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế của Viện Nghiên cứu Hoàng gia trụ sở London cho biết. “Rất nhiều vấn đề liên quan tới người thiểu sổ hoặc xung đột là khởi nguồn cho những cuộc chiến mà IS châm ngòi”.
“Indonesia đang cố gắng vượt qua khủng hoảng kinh tế suốt 5 năm qua”, Kevin O’Rourke, biên tập viên thời báo tuần Reformasi viết. “Một mặt người dân đoàn kết chống lại khủng bố là điều đáng mừng nhưng mặt khác, các nhà đầu tư sẽ chùn chân nếu định đầu tư ở Indonesia”.