Iraq tái chiếm Ramadi giúp Mỹ đỡ "ê chề"
Chiến thắng lịch sử tái chiếm thành phố Ramadi của quân đội Iraq từ tay IS đã khiến cho chính sách chống khủng bố của Mỹ đỡ “ê chề”. Washington cũng lên tiếng “nhận công” sau khi cứ điểm chiến lược Ramadi được quân đội Iraq kiểm soát.
Hồi tháng 5, IS tấn công thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar bằng hàng loạt vụ đánh bom tự sát nhằm vào lực lượng an ninh Iraq. Sau 7 tháng giao tranh ác liệt, giờ đây quân đội chính phủ Iraq đã tái chiếm thành phố này.
Trong một bức thư gửi tờ New York Times, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sự thay đổi cục diện chiến trường “cho thấy khủng bố đã bị tổn thất rất nhiều”. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter gọi chiến thắng này là “một bước tiến công quan trọng để tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố”. Landon Shroder, một chuyên gia phân tích tình báo Mỹ trả lời tờ Times rằng Ramadi được giải phóng “còn hơn cả một chiến thắng chiến lược”.
Ramadi chỉ còn là một đống đổ nát sau trận càn tái chiếm thành phố.
Mặc dù quan chức Mỹ hào hứng trước thành công của chiến thắng lịch sử nhưng họ đã phớt lờ đi chi phí quá lớn của chiến dịch.
“Tất cả mọi thứ trừ kết quả tái chiếm được thành phố Ramadi đều không tốt chút nào”, Jason Ditz, tác giả cuốn AntiWar, viết: “Sau 7 tháng chiến đấu và bao vây thành phố với thương vong rất lớn thì phải rất lâu nữa kế hoạch chống khủng bố của Mỹ mới đạt được mức lý tưởng như họ mong muốn”.
Cuộc tấn công vào cứ điểm của khủng bố chỉ diễn ra bằng các đợt oanh tạc. Mặc dù cách này giúp đẩy lùi những kẻ cực đoan tuy nhiên gây hại quá lớn cho cơ sở hạ tầng trong thành phố. Theo Chuẩn tướng Ahmed al-Belawi, hơn một nửa số nhà cửa ở Ramadi đã bị san phẳng.
Trả lời với hãng tin AP, ông al-Belawi cho biết thiệt hại mà Mỹ gây ra lớn hơn rất nhiều so với IS.
“Cách chống khủng bố của Mỹ tốn kém cả về nhân lực và vật lực”, Lina Khatib, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao ở Quỹ Cải cách Ả rập trả lời trên AP. “Dùng chung một chiến lược ở mọi nơi tham chiến…kết quả là phạm vi phá hủy sẽ rất khủng khiếp”.
Khatib cũng chỉ ra rằng chiến thắng ở Iraq chỉ giải quyết được một nửa chặng đường và nó không liên quan gì tới tính hiệu quả trong chính sách của Obama với chính quyền Syria.
“Tôi hy vọng IS sẽ tiếp tục suy yếu ở Iraq”, cô trả lời trên AP. “Nhưng điều đó không đồng nghĩa IS yếu ở mọi nơi trên thế giới và chúng vẫn có thể tiếp tục hiện diện ở Syria”.
Hiện tại cũng rất ít dấu hiệu cho thấy quân đội Iraq có thể đứng vững ở thành phố này và không để Ramadi một lần nữa rơi vào tay bọn khủng bố.
Chiến dịch oanh tạc của Mỹ đã gây tổn thất quá nhiều về cơ sở hạ tầng cho thành phố Ramadi.
“IS vẫn chiếm phần lớn thành phố Anbar và quân đội Iraq dự định sẽ tiến công các khu vực khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Iraq có bảo vệ thành phố tốt hơn so với trong quá khứ hay không”, tác giả Ditz viết.
Quan chức Mỹ đã lấy một số thành công nhỏ làm dấu hiệu cho thấy chính sách chống khủng bố đi đúng hướng.
Tác giả Ditz viết: “ Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố tiến triển liên tiếp nhưng việc tái chiếm Ramadi chỉ là một chiến thắng quá nhỏ so với cục diện chiến trường hiện nay”.