Iraq chật vật đối phó với nạn buôn lậu USD
Dưới áp lực của Mỹ, Iraq đang phải thắt chặt việc kiểm soát buôn lậu USD tới các nước láng giềng, đặc biệt là Iran. Nhưng đấy là bài toán không dễ giải với chính quyền Baghdad.
Phương thức buôn lậu tiền mới
Khi Mỹ và chính quyền Iraq cố gắng ngăn chặn dòng USD chảy bất hợp pháp ra khỏi quốc gia Trung Đông này, những kẻ buôn lậu tiền ở Iraq đang tìm ra cách mới để tìm kiếm đồng bạc xanh: Họ bay đến các nước lân cận với hàng đống thẻ ngân hàng để rút tiền mặt.
Thủ tướng Iraq Muhammad Al-Sudani cho biết ông đã yêu cầu lực lượng dân quân người Kurd hỗ trợ chính phủ ngăn chặn nạn buôn lậu USD. (Ảnh: Shafaq)
Ít nhất 24 người Iraq mang theo khoảng 1.200 thẻ ngân hàng chứa tổng cộng hơn 5 triệu USD đã bị bắt trong hai tháng qua tại các sân bay và cửa khẩu biên giới khi đang cố gắng rời khỏi đất nước, theo Aladdin Al Qaisi, phát ngôn viên của Cơ quan quản lý biên giới Iraq. Cuối tuần trước, một du khách Iraq khác đã bị bắt giữ khi tìm cách lén lấy 300 thẻ ngân hàng giấu trong các bao thuốc lá tại Sân bay quốc tế Najaf, miền trung Iraq.
Ông Al Qaisi nói: “Việc sử dụng thẻ ngân hàng để buôn lậu USD là chiến thuật mới được áp dụng sau khi chính phủ đẩy mạnh kiểm soát”. Ông cũng cho biết thêm, một nghi can buôn tiền khác cũng mới bị bắt tại Sân bay quốc tế Baghdad vì bộ phận soi chiếu an ninh phát hiện trong chiếc túi anh ta mang theo chứa 300 thẻ ngân hàng.
Người Iraq có thể mua USD tại các cửa hàng đổi tiền theo tỷ giá thị trường. Nhưng các ngân hàng Iraq được phép phát hành thẻ ATM cho người gửi tiền với trị giá tới 10.000 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức, và thẻ này có thể được sử dụng ở nước ngoài để rút tiền mặt.
Giới buôn tiền Iraq trong những tháng gần đây vì thế đã đăng ký hàng nghìn thẻ ngân hàng để đưa cho khách du lịch, những người sẽ bay đến các nước lân cận như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để rút tiền. Số tiền này, sau đó có thể chảy qua Iran bằng con đường buôn lậu. Cuối tuần qua, nhà chức trách Iraq cho biết họ đã bắt giữ một người đang cố gắng mang 128 thẻ ngân hàng qua biên giới trên bộ tới Iran.
Dù chỉ bằng một phần nhỏ so với số USD được chuyển qua các ngân hàng, nhưng việc sử dụng nhiều thẻ tiền mặt để chuyển USD ra nước ngoài cũng đang trở thành vấn nạn đối với giới chức Iraq. Ngân hàng Trung ương Iraq tháng trước đã hạn chế rút tiền mặt bằng thẻ ngân hàng không quá 250 USD mỗi ngày cho mỗi thẻ, khiến việc rút toàn bộ giá trị của thẻ tốn nhiều thời gian hơn.
Lực lượng an ninh đứng gác trước Ngân hàng Trung ương Iraq hồi tháng 1 vừa qua khi đám đông biểu tình bày tỏ sự tức giận trước việc đồng dinnar mất giá. Ảnh: AP.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iraq, ông Ali Mohsen Al-Alaq cho biết: “Bất cứ khi nào chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá thị trường tăng lên, một số người sẽ tìm thấy cơ hội kiếm lời. Nhưng việc đặt giới hạn thẻ sẽ chấm dứt những cơ hội này”.
Dù vậy, ông Abdul Rahman Al Mashhadani, giáo sư quan hệ kinh tế quốc tế tại Đại học Iraq, nhận định động thái của Ngân hàng Trung ương không thể ngăn chặn hoàn toàn nạn buôn tiền qua biên giới. “Các thương nhân vẫn làm điều đó,” ông nói. “Tiền vẫn đang chảy ra khỏi Iraq”.
Giáo sư Mashhadani cho biết, một trong những mánh khóe mới của dân buôn là mua số lượng lớn vé máy bay để lấy USD. Người Iraq được phép đổi dinar sang USD tại các ngân hàng tư nhân các cửa hàng đổi tiền để lấy chi phí đi lại miễn là họ xuất trình vé máy bay chứng minh họ sẽ bay ra nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Iraq từng tăng mức tiền mà người dân có thể nhận được cho chi phí đi lại từ 5.000 USD lên 7.000 USD vào tháng 2 năm nay, nhưng sau đó hạ xuống chỉ còn 2.000 USD vào tháng 3 để ngăn chặn việc trục lợi.
Áp lực thắt chặt kiểm soát
Iraq trong nhiều năm là một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt, chủ yếu giao dịch bằng USD. Để giữ cho Iraq được cung cấp USD, cứ vài tháng một lần, máy bay lại vận chuyển các pallet tiền từ Mỹ đến Baghdad. Tuy nhiên, một số lượng USD lớn hơn được chuyển qua giao dịch của các ngân hàng tư nhân Iraq, được xử lý từ các tài khoản chính thức của Iraq tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Mỹ), nơi quốc gia vùng Vịnh này gửi tiền thu từ việc bán dầu.
Người dân đang đổi USD tại một khu chợ ở trung tâm Baghdad, thủ đô Iraq. Ảnh: Wall Street Journal.
Hệ thống kể trên cho phép các nhà nhập khẩu Iraq chuyển đổi đồng dinar sang USD để thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng theo tạp chí Wall Street Journal, giới chức Mỹ và Iraq đều cho rằng con đường này đã trở thành một kênh cung cấp USD bất hợp pháp béo bở cho các lực lượng dân quân hùng mạnh tại Iraq, cũng như cho Iran trong hơn một thập kỷ qua.
Thủ tướng Iraq, ông Muhammad Shia'a Al-Sudani cũng thừa nhận: “Buôn lậu tiền ra khỏi Iraq là một vấn đề kinh niên trong nhiều năm”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia hồi tháng 1 năm nay, ông Al-Sudani nói: “Chúng tôi nghe nói về việc buôn lậu tiền và chuyển nó đến khu vực người Kurd rồi sau đó, chuyển sang các nước láng giềng. Tôi đã nói chuyện với người đứng đầu Chính quyền Khu vực Kurdistan về buôn lậu tiền và yêu cầu hợp tác với chính quyền trung ương để ngăn chặn”. Ông Al-Sudani cho biết thêm: “Chúng tôi đã thành lập các đội an ninh chuyên trách ở mọi nơi, dù là bến cảng hay đường xá, và chúng tôi đã lắp đặt thiết bị soi chiếu tại các trạm kiểm soát để phát hiện tiền”.
Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Trung ương Iraq đã bắt đầu thực thi biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch USD quốc tế của các ngân hàng Iraq nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền và buôn lậu. Theo các quy tắc cũ, chủ tài khoản ở Iraq không bắt buộc phải tiết lộ họ đã gửi tiền cho ai cho đến khi số USD đã được chuyển. Nhưng giờ đây, các ngân hàng Iraq đã phải tuân theo các quy tắc của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng & tài chính quốc tế (SWIFT), yêu cầu họ cung cấp thông tin chi tiết về những người sẽ chuyển USD.
Sau khi các thủ tục mới có hiệu lực, khoảng 80% các giao dịch chuyển tiền bằng USD hàng ngày của Iraq, trước đây khoảng hơn 250 triệu USD mỗi ngày, đã bị chặn do không đủ thông tin về điểm đến của các khoản tiền hoặc các lỗi khác.
Bài toán khó cho ông Al-Sudani
Thủ tướng Iraq, ông Mohammed al-Sudani tin rằng việc áp dụng các quy tắc SWIFT đối với giao dịch bằng USD sẽ giúp ngăn chặn gian lận. “Trước khi các quy định mới được áp dụng, chúng tôi cấp ra 200 hoặc 300 triệu USD mỗi ngày”, ông Al-Sudani nói. “Bây giờ, Ngân hàng Trung ương chỉ cung cấp 30 đến 50 triệu USD và đặt câu hỏi: “Chúng ta đã nhập khẩu gì trong một ngày với 300 triệu USD? Vô lý. Rõ ràng, mục tiêu chỉ là rút ngoại tệ ra khỏi đất nước và điều này phải dừng lại”.
Nền kinh tế của Iraq chủ yếu dựa vào các giao dịch bằng USD. Ảnh: Wall Street Journal.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ và Iraq cũng đã làm tăng giá trị của đồng bạc xanh so với đồng dinar trên thị trường “chợ đen”, làm dấy lên nhu cầu về USD. Một USD được bán với giá 1.750 dinar Iraq trên “chợ đen” vào đầu tháng 2 vừa qua, cao hơn 20% so với tỷ giá hối đoái chính thức là 1.460 khi đó.
Mức trượt giá này lập tức ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội. Cuối tháng 1, khi đồng dinar chạm mức 1.670 đổi một USD, hàng trăm người biểu tình đã tập hợp gần Ngân hàng Trung ương ở thủ đô Baghdad, bày tỏ sự tức giận trước sự mất giá của đồng dinar và yêu cầu chính phủ hành động nhằm ổn định tiền tệ. Nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nhập khẩu, cũng bị đình trệ. Tại một số cảng, việc bốc dỡ các container gần như bị dừng lại vì nhiều doanh nghiệp vốn quen với việc thực thi lỏng lẻo các quy tắc nhập khẩu của Iraq, thiếu tài liệu thích hợp để hàng hóa mua bằng USD của họ được thông quan.
Thủ tướng Al-Sudani vào cuối tháng 1 đã phải sa thải thống đốc Ngân hàng Trung ương Iraq, ông Mustafa Ghaleb Mukheef và sau đó, bổ nhiệm lại cựu thống đốc Ali Mohsen al-Alaq nhằm cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong những phát biểu gần đây, ông Al-Sudani cũng nhiều lần chỉ trích lĩnh vực ngân hàng của Iraq là yếu kém, đồng thời thừa nhận việc thắt chặt giám sát dòng USD đã tác động đến nền kinh tế.
Dù vậy, chính quyền Baghdad kiên quyết bảo vệ các biện pháp này. Theo Reuters, đây cũng là một phép thử đối với Thủ tướng Mohammed al-Sudani, người hiện còn đang bước trên con đường ngoại giao mong manh sau khi nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái.
“Mohammed al-Sudani phụ thuộc vào thiện chí của Mỹ để đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ và tài chính của Iraq không đối mặt với nguy cơ phong tỏa, đồng thời cũng cần sự giúp đỡ của Washington trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Nhưng ông cũng lên nắm quyền với sự hỗ trợ của các lực lượng dân quân hùng mạnh được Tehran hậu thuẫn và do đó không thể khiến Iran xa lánh”, cây bút Ahmed Rasheed của Reuters nhận định. Đồng quan điểm, nhà phân tích chính trị Iraq, ông Ahmed Younis bình luận: "Thủ tướng Al-Sudani sẽ phải duy trì sự cân bằng giữa Washington và Tehran, những bên là bạn của Iraq nhưng lại là đối thủ của nhau. Đó là một bài toán khó”.
Dù vậy, ông Al-Sudani bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu tích cực. Tỷ giá trên thị trường “chợ đen” tại Iraq đã giảm xuống khoảng 1.410 dinar đổi một USD trong những tuần gần đây, khá gần với tỷ giá chính thức hiện nay là 1.320. Chuyển khoản từ các ngân hàng Iraq cũng tăng lên, báo hiệu người dân và doanh nghiệp nước này đang thích nghi với các quy tắc chặt chẽ hơn.
Cố vấn kinh tế - tài chính của Thủ tướng Al-Sudani, ông Mazhar Mohammed Saleh, cho biết: "Việc Ngân hàng Trung ương Iraq kiểm soát tỷ giá hối đoái thông qua chính sách tiền tệ thận trọng, đảm bảo chuyển tiền ra nước ngoài theo các quy định quốc tế và những nỗ lực đáng kể của chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu, đã ổn định tỷ giá hối đoái. Hiện nay, tỷ giá thị trường song song đã trở nên gần với tỷ giá chính thức”. Ông Saleh cũng lạc quan tuyên bố: “Tỷ giá trong nước sẽ cải thiện trong những ngày tới, đồng dinar sẽ mạnh trở lại”.
Nguồn: [Link nguồn]
Eo biển Hormuz, vịnh Oman, vịnh Ba Tư… những ngày qua chứng kiến loạt động thái rắn từ Iran và Mỹ, một lần nữa phản ánh cuộc chiến ngầm của các bên trên các vùng biển Trung...