Iran "cài cắm" các lực lượng ủy nhiệm vây quanh Israel như thế nào?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Các chuyên gia cho rằng, nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Israel là nền tảng trong chính sách đối ngoại khu vực của Iran. Đây là yếu tố chi phối mọi cuộc xung đột ở Trung Đông mà Tehran có liên quan và có thể châm ngòi một cuộc xung đột lớn hơn tại khu vực này.

Theo chuyên gia, nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Israel là nền tảng trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông của Iran. Ảnh minh họa: Getty

Theo chuyên gia, nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Israel là nền tảng trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông của Iran. Ảnh minh họa: Getty

Cuộc xung đột đáng chú ý nhất ở Trung Đông

Theo tạp chí điện tử War On The Rocks, vụ tấn công hôm 7/10 của Hamas vào Israel là bước ngoặt ở Trung Đông. 

Tương tự sức ảnh hưởng của vụ khủng bố 11/9 buộc Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận với Trung Đông, vụ tấn công hôm 7/10 và cuộc xung đột Israel - Hamas có khả năng sẽ khiến Israel phải điều chỉnh chính sách với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran.

Theo Afshon Ostovar, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ), xung đột Israel - Iran được đánh giá là vấn đề đáng chú ý nhất ở Trung Đông lúc này. Ông Ostovar, cho rằng nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Israel là nền tảng trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông của Iran và ảnh hưởng lớn đến chính trị ở Lebanon, Syria và Iraq. Đây được cho là yếu tố có mặt trong mọi cuộc xung đột mà Tehran tham gia ở Trung Đông, bao gồm cả ở Yemen, và có khả năng châm ngòi một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực.

Do chương trình hạt nhân của Iran và sự hỗ trợ vũ khí của Tehran với các lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Syria và Gaza, căng thẳng Israel - Iran đã nóng dần lên những năm gần đây.

Theo chuyên gia Ostovar, mối đe dọa của Iran với Israel là rất rõ ràng: Tehran đã "bao vây" Israel bằng các lực lượng ủy nhiệm được vũ trang đầy đủ. Các lực lượng như Hamas, Hezbollah hay Thánh chiến Hồi giáo Palestine được cho là có chung tư tưởng đối đầu Israel giống như Iran, và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Tehran để duy trì sự kiểm soát trong nước cũng như sức mạnh quân sự.

Israel phản ứng lại bằng việc thực hiện các vụ ám sát và tấn công phá hoại trong lãnh thổ Iran nhằm làm chậm các chương trình phát triển hạt nhân, máy bay không người lái và tên lửa của nước này, đồng thời thực hiện nhiều cuộc không kích thường xuyên vào các địa điểm quân sự cũng như kho chứa vũ khí của Iran ở Syria.

Bất chấp các nỗ lực của Israel, Iran vẫn không từ bỏ chiến lược của nước này. Vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 được cho là hệ quả từ nỗ lực lâu dài của Iran nhằm hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông đối đầu Israel.

Tuy nhiên, Hamas chỉ là một phần trong chiến lược đa hướng của Iran. Ngay cả khi thành công loại bỏ hoặc làm suy yếu vĩnh viễn Hamas, Israel vẫn rất khó có thể thoát khỏi ma trận đe dọa mà Iran giăng ra. Vì vậy, chuyên gia Ostovar cho rằng, cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza chỉ là phần nổi của một cuộc xung đột lớn hơn, dài hơn và phức tạp hơn.

Tình thế của Israel

Theo tạp chí điện tử  War On The Rocks, hiện chưa rõ Iran đóng vai trò gì trong vụ tấn công của Hamas hôm 7/10.

Chuyên gia Ostovar cho rằng, sẽ khó có câu trả lời trong nay mai cho câu hỏi về sự liên quan của Iran trong vụ tấn công hôm 7/10 của Hamas. Nhưng ngay cả khi Israel cho rằng Iran có liên quan thì việc vội vàng kết luận sẽ gây ra nhiều nguy cơ hơn cơ hội.

Nếu xác định Iran có liên quan trực tiếp, Israel cần phải có phản ứng đáp trả cần thiết. Nhưng với cuộc khủng hoảng con tin và các chiến dịch ở Gaza vẫn dang dở, Israel không ở vị thế để có thể mở rộng xung đột.

Mỹ ở một vị thế khác nhưng cũng là vị thế không mong muốn. Với việc tập trung vào Ukraine và Trung Quốc, chính quyền của ông Biden thậm chí còn ít quan tâm đến mối quan hệ căng thẳng với Iran và càng không muốn sa lầy vào một cuộc xung đột ở Trung Đông.

Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này đều đã cảnh báo trả đũa Israel nếu leo thang xung đột và nếu Mỹ can thiệp. Ngoài ra, còn có một khả năng thực tế là xung đột lan sang Lebanon, với các cuộc bắn phá xuyên biên giới giữa quân đội Israel và Hezbollah đang diễn ra. Israel sẽ gặp khó khăn khi bị cuốn vào cuộc xung đột ở nhiều mặt trận và có thể phải tìm cách tránh leo thang không cần thiết với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran lâu nhất có thể. Tương tự, Mỹ cũng có xu hướng như vậy.

Tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ảnh: AIPAC

Tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ảnh: AIPAC

Theo tạp chí điện tử War On The Rocks, dù cả Israel và Mỹ đều muốn tránh một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông, nhưng Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này vẫn có thể tấn công, dẫn đến leo thang ngoài ý muốn.

Dù không muốn hướng đến một cuộc xung đột lớn hơn, nhưng "Trục kháng chiến" (Iran và các lực lượng ủy nhiệm) trong tâm thế khá thoải mái nếu phải rơi vào một cuộc xung đột như vậy.

Một phần nguyên nhân thúc đẩy "Trục kháng chiến" có tâm thế thoải mái là việc họ nhận thức rằng Israel đang ở thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Sự chia rẽ chính trị trong nước của Israel liên quan đến cải cách tư pháp hay căng thẳng âm ỉ ở Bờ Tây chưa có lời giải đều góp phần vào nhận thức đó.

Một số ý kiến cho rằng, vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 nhằm ngăn cản Israel và Ả Rập Saudi tiến tới bình thường hóa quan hệ. Nhưng chuyên gia Ostovar nhận định, đây chỉ là một phần nguyên nhân. Vì Iran đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để củng cố sức mạnh cho các lực lượng ủy nhiệm, nhằm mục tiêu thành công trong cuộc đấu chống Israel.

Theo tạp chí War On The Rocks, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiết kế các hệ thống vũ khí riêng cho Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, giúp các lực lượng này sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm trung bằng vật liệu công nghiệp rẻ, sẵn có.

IRGC cũng hỗ trợ quân sự cho Hezbollah ở Lebanon, cung cấp cho lực lượng này tên lửa hiện đại, rocket, đạn chống tăng dẫn đường, đạn chống hạm dẫn đường và máy bay không người lái có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel.

Kho vũ khí của các phe phái ở Gaza và lực lượng Hezbollah được cất giữ trong các đường hầm hoặc ở các khu dân cư. Các lực lượng này có thể nhằm mục tiêu vào hầu hết các trung tâm lớn của Israel. Dù sở hữu các hệ thống phòng không tiên tiến, Israel vẫn khó có thể ngăn chặn toàn bộ số lượng tên lửa quá lớn.

Các lực lượng ủy nhiệm kể trên kết hợp với tên lửa tầm xa, rocket và UAV của IRGC ở Syria cũng như ở Iran sẽ khiến Israel gần như bị bao vây từ nhiều phía. Ngay cả với sức mạnh quân sự vượt trội, Israel cũng khó lòng ngăn chặn và phá hủy số vũ khí lớn này.

Các hoạt động hiện tại của Israel ở Dải Gaza được cho là đang diễn ra chính xác như những gì Hamas và Iran dự đoán. Khi càng nhiều dân thường ở Gaza thiệt mạng do các chiến dịch của Israel, nước này có thể sẽ sớm bị các nước trong khu vực và thế giới "quay lưng", kể cả các quốc gia Ả Rập đối đầu với Hamas.

Viễn cảnh đó khiến Iran tin rằng chiến lược của họ với Israel đang có hiệu quả. Theo quan điểm của Tehran, họ không cần một cuộc chiến tổng lực để đánh bại Israel.

Chuyên gia Ostovar cho rằng, chiến lược của Iran với Israel là một chiến lược kiên nhẫn. Tehran tìm cách loại bỏ Israel với "hàng nghìn vết cắt" từ từ thay vì một cuộc chiến tổng lực hao người, tốn của. Nếu thực sự muốn loại bỏ các mối đe dọa, Israel sẽ phải mở rộng xung đột ra ngoài Gaza và đối đầu với Iran. 

"Rõ ràng, cách tiếp cận của Israel với Iran tới nay chưa hiệu quả", chuyên gia Ostovar nói thêm. Vì vậy, Ostovar cho rằng Israel cần phải thay đổi cuộc chơi. Nếu điều này xảy ra, xung đột sẽ có nguy cơ leo thang và viễn cảnh về một cuộc chiến tranh khu vực. Chuyên gia Ostovar cho rằng, đó có thể là khởi đầu của một chu kỳ mới, nguy hiểm trong xung đột Israel - Iran, một cuộc đối đầu không có điểm dừng.

Chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo?

Iran được cho là sẽ giữ Hezbollah như một công cụ răn đe chiến lược nhằm vào Israel và Mỹ. Ảnh minh họa: AIJAC

Iran được cho là sẽ giữ Hezbollah như một công cụ răn đe chiến lược nhằm vào Israel và Mỹ. Ảnh minh họa: AIJAC

Theo Viện Trung Đông (MEI, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ), các lực lượng ủy nhiệm của Iran có thể sẽ tấn công Israel và các lực lượng Mỹ ở Trung Đông từ Lebanon, Syria, hay Iraq, nhưng Tehran sẽ không mạo hiểm với tương lai của "Trục kháng chiến", bao gồm kho vũ khí khổng lồ của Hezbollah với khoảng 150.000 tên lửa, rocket.

Iran sẽ chỉ để các lực lượng ủy nhiệm tự do hoạt động nếu Mỹ tấn công vào lãnh thổ Iran, điều được cho là không tưởng vào thời điểm này. Điều có khả năng xảy ra nhất là Iran sẽ cố định hình các tính toán của Israel và thuyết phục nước này không loại bỏ Hamas. 

Alex Vatanka, giám đốc chương trình Iran, tại MEI, cho rằng, về lâu dài, Iran muốn giữ Hamas ở Gaza như một phần trong chiến lược bao vây Israel. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn, Tehran sẽ bỏ Hamas mà giữ Hezbollah để duy trì một công cụ răn đe chiến lược nhằm vào Israel và Mỹ.

Giờ đây, Iran được cho là sẽ sử dụng xung đột ở Gaza không chỉ để minh chứng cho sự tồn tại của "Trục kháng chiến" mà còn gây áp lực lên các quốc gia Ả Rập đã hoặc đang có ý tưởng bình thường hóa quan hệ với Israel.

Mỹ đã cảnh báo Iran không nên tính toán sai lầm trên 2 mặt trận vì điều này có thể dẫn đến hành động quân sự của Washington. Thứ nhất, Mỹ cảnh báo Tehran nên tránh hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Hamas trong xung đột ở Gaza. Thứ hai, Tehran không nên coi xung đột là vỏ bọc để mở rộng chương trình hạt nhân.

Chính quyền của ông Biden rất nhạy cảm với cáo buộc rằng Washington đã quá mềm mỏng với Iran. Vì vậy, Iran sẽ phải cẩn trọng để không buộc Washington phải thể hiện thái độ cứng rắn hơn.

Ở cấp độ thế giới, chuyên gia Vatanka cho rằng cuộc xung đột ở Gaza diễn ra khi Nga và Trung Quốc tìm cách cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông. Hai nước này được cho là sẽ cùng Iran và các đồng minh của Tehran đặt "dấu hỏi" về độ tin cậy và năng lực của Washington trong khu vực với tư cách là trung gian hòa giải.

Trong tình hình đó, Mỹ có thể bị coi là nguồn cơn gây bất ổn trong khu vực, trong khi Nga và Trung Quốc sẽ tới với tư cách trung lập, tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23
Israel - Iran: Từ bạn hóa thù sau sự kiện “chấn động thế giới”

Tháng 2/1979, một máy bay của hãng hàng không Air France, tới từ Pháp, đã hạ cánh xuống Tehran, chở theo vị chính khách làm thay đổi đáng kể nền chính trị Iran những năm sau đó....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Mối quan hệ từ bạn hóa thù của Israel và Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN