Iran trước nỗi lo ông Trump trở lại

Với những chính sách cứng rắn của ông Donald Trump với Iran khi ông còn tại nhiệm, giới quan sát cho rằng nếu cựu tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng sẽ là một thách thức lớn đối với Iran.

Những tháng gần đây xuất hiện nhiều cuộc thảo luận về tác động tiềm tàng của việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng đối với châu Âu, xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một quốc gia nữa đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đó là Iran.

Tờ The Conversasion dẫn nhận định từ các chuyên gia rằng một nhiệm kỳ tổng thống nữa của ông Trump có thể gây ra rủi ro lớn cho giới lãnh đạo Iran, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng gần đây giữa Iran với Israel, bởi ông Trump vốn nổi tiếng về thái độ cứng rắn với Tehran.

Vậy nếu ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới, chính quyền của ông sẽ có chính sách thế nào với Iran?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại bang Georgia (Mỹ) hôm 25-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại bang Georgia (Mỹ) hôm 25-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Gia tăng áp lực kinh tế

Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran do người tiền nhiệm Barack Obama đàm phán, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm “gây áp lực tối đa” lên chính phủ Iran.

Phó tổng thống lúc bấy giờ của Iran - ông Eshagh Jahangiri mô tả năm 2019 khi ông Trump đương nhiệm là giai đoạn “khó khăn nhất” kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Với các biện pháp trừng phạt của chính quyền ông Trump, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống thấp lịch sử với mức dưới 400.000 thùng/ngày, làm giảm đáng kể nguồn thu từ dầu mỏ, vốn chiếm khoảng 70% doanh thu của chính phủ Iran. Ngoài ra, từ năm 2018 đến 2020, đồng nội tệ của Iran đã mất giá hơn 600%.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Iran đã cố gắng tìm cách tăng cường xuất khẩu dầu. Gần đây có thông tin rằng xuất khẩu dầu của Iran đã đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm, khoảng 1,56 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2024.

Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền ông Biden vì đã không thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Iran, trong khi Nhà Trắng khẳng định họ vẫn đang tiếp tục các biện pháp trừng phạt.

Trong bối cảnh nền kinh tế Iran vẫn còn suy yếu, khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể mang đến một làn sóng áp lực mới. Vừa qua, Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran đã cảnh báo rằng sự quay lại của ông Trump sẽ khiến xuất khẩu dầu của Iran “bị ảnh hưởng trở lại”.

Truyền thông Iran dẫn lời ông Babak Neghadari - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Iran - rằng mức thâm hụt ngân sách của Iran hồi cuối năm 2023 là 3,7 tỉ USD, và lưu ý rằng nước này phải sẵn sàng cho “áp lực trừng phạt gia tăng và cú sốc kinh tế” nếu ông Trump trở lại.

Thậm chí, có chuyên gia còn cảnh báo về khả năng nền kinh tế Iran sụp đổ nếu ông Trump có nhiệm kỳ thứ hai. Chuyên gia kinh tế Morteza Afghe nói với The Conversasion rằng các chính sách chống phương Tây gay gắt hơn của Iran dưới thời Tổng thống Ebrahim Raisi ngày nay cùng sự thống trị của các phe phái cực đoan trong quốc hội Iran có thể khiến ông Trump càng quyết tâm leo thang chiến dịch gây áp lực với Tehran.

Giới quan sát nhận thấy đã có những dấu hiệu cụ thể cho thấy sự lo lắng này. Chẳng hạn việc ông Trump giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa hồi đầu năm nay trùng hợp với thời điểm đồng rial của Iran giảm 20%.

Trả đũa an ninh

Về mặt an ninh, khả năng trở lại của ông Trump nhắc nhở giới lãnh đạo Iran về một mất mát đáng kể, đó là vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi tháng 1-2020.

Khi tướng Soleimani thiệt mạng, lãnh đạo tối cao Iran - ông Ali Khamenei đã mô tả ông Soleimani là kiến ​​trúc sư đằng sau mạng lưới dân quân do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.

Ông Khamenei cũng cho biết ông “cúi đầu trước ông Soleimani” vì những thành tích của vị tướng này với Lực lượng Quds. Điều này minh họa tác động sâu sắc từ cuộc tấn công của Mỹ đối với lợi ích an ninh của Iran.

Gần đây, sau vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích khiến 2 tướng cấp cao và 5 cố vấn quân sự của IRGC thiệt mạng, Iran đã cáo buộc Israel là thủ phạm và phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Israel.

Hiện trường vụ không kích tại tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria hôm 1-4. Ảnh: REUTERS

Hiện trường vụ không kích tại tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria hôm 1-4. Ảnh: REUTERS

Ngày sau vụ tấn công, ông Trump đã đăng lại một dòng trạng thái mà ông từng đăng khi còn đương nhiệm: “Gửi Tổng thống Iran: Đừng bao giờ đe dọa Mỹ lần nữa nếu không các bạn sẽ chịu những hậu quả chưa từng có trong lịch sử. Chúng tôi không còn là một quốc gia bỏ qua những ngôn từ chết chóc và bạo lực của các bạn. Hãy cẩn trọng”.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Trump cũng nói rằng Israel đang bị tấn công vì sự yếu kém của Mỹ và cho rằng điều này “sẽ không xảy ra nếu tôi còn đương nhiệm”.

Theo các chuyên gia, những lời hùng biện của cựu lãnh đạo Mỹ cùng căng thẳng hiện nay với Israel đang gia tăng áp lực lên giới lãnh đạo Iran về khả năng ông Trump quay lại. Những lo ngại có thể là việc Mỹ hoặc Israel gia tăng hành động quân sự chống lại lực lượng thân Iran ở Iraq và Syria, hoặc có khả năng dẫn đến các cuộc tấn công táo bạo hơn nhằm vào chính Iran.

Ngay cả trước khi những căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran bùng phát, ông Mehdi Mohammadi - cố vấn của chủ tịch quốc hội Iran về các vấn đề chiến lược cho rằng an ninh quốc gia của Iran có thể phải đối mặt những năm “rất khó khăn” nếu ông Trump đắc cử tổng thống.

Tác động chính trị trong nước

Đầu năm nay, Iran đã tổ chức bầu cử quốc hội và Hội đồng chuyên gia (cơ quan bổ nhiệm lãnh đạo tối cao Iran) nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục, chỉ 41%.

Đây là lần thứ ba trong bốn năm (bao gồm hai cuộc bầu cử quốc hội và một cuộc bầu cử tổng thống), Iran chứng kiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu dưới 50%. Trước năm 2020, tỉ lệ cử tri đi bầu thường vượt quá 60% hoặc thậm chí 70%.

Điều này cho thấy giới lãnh đạo Iran đang ở rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về tính chính danh trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Các chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh sự mặn mà của người dân dành cho giới cầm quyền Iran suy giảm, những hậu quả kinh tế có thể xảy ra từ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể gây ra một làn sóng phản đối mới ở Iran.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nếu ông Trump nhậm chức vào đầu năm sau, lãnh đạo tối cao Iran Khamenei lúc đó 86 tuổi, và bất cứ việc chuyển giao quyền lực nào ở Iran dưới thời Tổng thống Trump có thể mang lại nhiều bất ổn hơn nữa cho Tehran.

Phương Tây mong Trung Quốc tận dụng tầm ảnh hưởng của nước này gây áp lực lên Iran, nhưng dường như điều này không dễ dàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN