Iran tiết lộ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga mẫu tên lửa lạ, có thể bay lượn như UAV
Iran gần đây đã hé lộ mẫu tên lửa phòng không với tính năng lượn trên bầu trời như máy bay không người lái (UAV) trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Iran giới thiệu mẫu tên lửa 358 với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 19/9 đã tới Iran để tham gia các cuộc thảo luận nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Shoigu và phái đoàn quan chức Nga đã được Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chuẩn tướng Amir-Ali Hajizadeh, giới thiệu các mẫu tên lửa và UAV mới nhất do Iran sản xuất.
Một trong số những vũ khí đáng chú ý nhất được Iran giới thiệu là mẫu "tên lửa phòng không 358". Theo trang mạng The Drive, đây là lần đầu tiên Iran công khai loại tên lửa khác lạ này. Vũ khí này đã được quân đội Iran âm thầm cung cấp cho phiến quân Houthi ở Yemen và lực lượng hậu thuẫn ở Iraq.
Tên lửa 358 là mẫu tên lửa phòng không có thể bay lượn trên bầu trời trong một khoảng thời gian nhất định.
Tên lửa 358 dài khoảng 2,7 mét với thân hình trụ. Tên lửa có 3 lớp cánh riêng biệt để có thể ổn định và bay lượn trên bầu trời giống như UAV.
Báo cáo của quân đội Mỹ trước đây cho biết, tên lửa 358 được trang bị hệ thống định vị vệ tinh tích hợp hệ thống dẫn đường chủ động. Giống với các mẫu tên lửa phòng không khác, tên lửa 358 được trang bị cảm biến hồng ngoại ở phía mũi.
Tên lửa được phóng từ mặt đất tương tự như cách phóng UAV. Sau khi phóng, động cơ được kích hoạt để đưa tên lửa đến một độ cao nhất định rồi tự động tách rời.
Mẫu tên lửa này đã được Iran cung cấp cho phiến quân Houthi ở Yemen và lực lượng hậu thuẫn ở Iraq.
Tên lửa chuyển sang hệ thống đẩy bằng không khí, có thể là động cơ phản lực cỡ nhỏ, giống với các mẫu tên lửa hành trình hiện nay.
Khác với tên lửa phòng không bay với tốc độ cao nhằm bắn hạ mục tiêu trên không, tên lửa 358 chỉ đạt tốc độ cận âm nhưng có thể lượn trên bầu trời trong một khoảng thời gian. Trong giai đoạn này, tên lửa có thể được điều khiển giống như UAV. Mục tiêu của tên lửa là UAV đối phương, trực thăng hoặc bất cứ vật thể nào bay trên trời với tốc độ thấp. Ngoài ra, tên lửa 358 cũng có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy tên lửa 358 từng bắn rơi mục tiêu trên bầu trời. Quân đội Mỹ từng cho biết, mẫu tên lửa tối mật của Iran từng được phóng về phía các UAV quân sự Mỹ trên bầu trời Yemen, theo tờ New York Times.
Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn từng tuyên bố bắn rơi "ác điểu" MQ-9 Reaper của Mỹ và các chiến đấu cơ của Ả Rập Saudi. Nhưng không rõ cụ thể vũ khí mà Houthi sử dụng có phải là tên lửa 358 hay không.
Theo trang mạng The Drive, tên lửa 358 có thể được phóng vào khu vực có UAV hoặc trực thăng đối phương hoạt động. Tên lửa sau đó sẽ tự động hoặc được điều khiển để tấn công mục tiêu. Mẫu tên lửa này dường như là khắc tinh của UAV vì các hệ thống phòng không thông thường khó có thể ngăn chặn UAV.
Tên lửa 358 có thể triển khai hàng loạt để ngăn chặn cuộc tập kích của đối phương bằng UAV. Nhưng không rõ chi phí sản xuất của tên lửa. Nga có thể quan tâm đến mẫu tên lửa này và mua lại quyền sản xuất từ Iran, từ đó đối phó với các cuộc tập kích tầm xa của Ukraine bằng UAV, trang mạng The Drive nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Iran xác nhận sẽ trao đổi tù nhân với Mỹ theo công thức 5 người đổi 5 người, sau khi Washington dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đối với khoản tiền 6 tỷ USD của nước này ở...