Iran phóng vệ tinh Sorayya vào quỹ đạo, Mỹ lo bước tiến hạt nhân
Iran vừa phóng vệ tinh Sorayya vào quỹ đạo Trái Đất, Mỹ lo hoạt động này là vỏ bọc để Tehran phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có mang vũ khí hạt nhân.
Ngày 20-1, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Iran (IRGC) đã phóng thành công vệ tinh Sorayya vào quỹ đạo Trái Đất, theo tờ The Tehran Times.
Theo The Tehran Times, vệ tinh Sorayya của Iran đã ổn định quỹ đạo cách mặt đất 750 km, đánh dấu lần đầu tiên Iran đưa vệ tinh nhân tạo lên phạm vi xa như vậy.
Iran phóng vệ tinh Sorayya vào quỹ đạo Trái Đất hôm 20-1. THE TEHRAN TIMES
IRGC cho biết Sorayya là một vệ tinh nghiên cứu đa năng, nặng khoảng 50 kg, có trang bị nhiều thiết bị khoa học để thu thập dữ liệu về các khía cạnh khác nhau của không gian, gồm các kiểu thời tiết, tài nguyên.
Ngoài ra, nó còn được dùng cho mục đích viễn thông và giám sát, cũng như nghiên cứu khoa học.
Theo hãng tin Reuters, sau khi Iran thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo, quân đội Mỹ đánh giá rằng công nghệ trên có thể giúp Tehran phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, có mang đầu đạn hạt nhân.
Phía Teheran bác thông tin từ Washington, khẳng định chưa bao giờ theo đuổi việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa hay vũ khí hạt nhân tầm xa.
Theo Reuters, năm 2019, Mỹ từng áp các lệnh trừng phạt lên Cơ quan Vũ trụ dân sự của Iran và 2 tổ chức nghiên cứu vũ trụ hàng đầu của nước này với cáo buộc rằng những cơ quan này dùng công nghệ phát triển vệ tinh nhân tạo để chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa.
Iran vừa hoàn tất cuộc tập trận phòng không quy mô lớn giữa lúc căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Nguồn: [Link nguồn]