Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ thực ra là tin tốt cho tình hình thế giới?
Mặc dù thoạt nhìn, vụ tấn công bằng tên lửa của Iran có vẻ như là một sự leo thang căng thẳng, tuy nhiên, đây có thể lại là một cơ hội đầy tiềm năng để các bên thoát khỏi mối nguy xung đột.
Iran đã “cố ý” giảm nhẹ thương vong cho phía Mỹ? (ảnh: Financialexpress)
Ngày 8.1, Iran đã phát động ít nhất hai đợt tấn công bằng tên lửa tầm ngắn, nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Vụ việc là một phần của lời thề trả thù cho cái chết của tướng Iran Qasem Soleimani.
Nếu phân tích kỹ, chúng ta có thể thấy đây là một bước xuống thang căng thẳng từ phía Iran. Tận dụng tốt cơ hội này, Mỹ và Iran có thể ngưng trả đũa lẫn nhau mà không bên nào bị mất mặt.
Trong khi truyền hình nhà nước Iran tuyên bố rằng, 80 “kẻ khủng bố Mỹ” đã bị tiêu diệt bởi vụ tấn công, thì ở chiều ngược lại, phản ứng của Mỹ rất bình tĩnh, cho thấy dường như chưa có bất kỳ thương vong nào.
Lãnh đạo tối cao của Iran – ông Ali Khamenei miêu tả, cuộc tấn công là một “cái tát vào mặt” nước Mỹ, nhưng không hề đề cập đến tình hình thiệt hại phía đối thủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì đăng trên Twitter: “Tất cả đều ổn”.
Nếu dòng tweet của Trump là đúng khi đánh giá thiệt hại do tên lửa Iran gây ra, điều này có nghĩa, cuộc tấn công của Iran chỉ mang tính biểu tượng và không gây ra bất kỳ thiệt hại trên thực tế nào.
Vụ nã tên lửa diễn ra lúc 1.30 sáng, gần như cùng thời điểm khi ông Soleimani bị sát hại. Trong khi vụ tấn công xảy ra, các quan chức hàng đầu của Iran đều đồng loạt đăng hình lá cờ Iran lên mạng xã hội, tương tự như cách ông Trump từng làm khi ra lệnh sát hại tướng Iran. Nhìn vào những điểm này, có vẻ vụ bắn tên lửa rõ ràng là một hành động đáp trả của Iran, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Có thể thấy, hai vụ tấn công với bề ngoài dữ dội của Iran dường như đã được thực hiện theo cách giảm thiểu tối đa thương vong cho đối thủ - Mỹ.
Đầu tiên, các cuộc tấn công của Iran nhắm vào căn cứ của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu và tất nhiên, Mỹ đã sẵn sàng tâm thế cho bất kỳ vụ tấn công nào kiểu này từ trước đó. Khả năng Mỹ hứng chịu nhiều thiệt hại có thể loại bỏ, phản ứng bình tĩnh từ Mỹ đã chứng minh cho điều này.
Thứ hai, thông điệp được Iran phát đi sau vụ tấn công thực sự rất thú vị. Ngoại trường Iran đã mô tả 2 vụ tấn công này là một “hành động tự vệ” và yêu cầu Mỹ “ngưng trả đũa”.
Thông điệp dường như có một ý nghĩa ngầm: “Đừng tiếp tục tấn công chúng tôi và chúng ta có thể tránh chiến tranh”. Theo thông tin từ phía Iraq, Iran đã có “hảo ý” khi thông báo trước về vụ tấn công cho căn cứ Mỹ.
Vì vậy, có thể nói những vụ công tên lửa kiểu này là một cơ hội tốt, để các bên cùng xuống thang mà không bị mất thể diện.
Hai vụ tấn công bằng tên lửa là cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Iran chấm dứt leo thang căng thẳng? (ảnh: Newsnation)
Iran đã tuyên bố có nhiều thương vong từ phía Mỹ và họ có thể nói với các công dân của mình rằng, chúng ta đã “tát vào mặt” nước Mỹ vĩ đại. Điều này sẽ xoa dịu người dân Iran và hướng sự chú ý của họ đến những vấn đề khác, trong một khu vực vốn nhiều rắc rối.
Về phía Mỹ, nước này cũng sẽ có cơ hội lùi lại một bước và tránh bất kỳ sự trả đũa thêm nào từ Iran. Trong tình hình hiện tại, Mỹ có thể tự cho mình là người chiến thắng khi đã loại bỏ một trong những “cái gai” lớn nhất tại Trung Đông (tướng Soleimani) và tránh cuộc chiến tranh toàn diện với Iran.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn căng thẳng giữa Mỹ - Iran. Iran dự kiến sẽ tiếp tục công kích Mỹ, thông qua nhiều nhóm phiến quân tại khu vực. Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ tiếp tục phát huy tầm ảnh hưởng của mình và không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.
Dù vậy, điều này chắc chắn vẫn là một kết quả tốt hơn nhiều, so với một cuộc chiến trực diện giữa hai bên và kéo toàn Trung Đông vào cuộc. Mỹ cũng sẽ có thể tiếp tục lãnh đạo liên minh chống khủng bố của mình để tiêu diệt IS. Tóm lại, đây là một tin tốt cho tình hình thế giới, hơn hẳn những điều chúng ta lo ngại vài ngày trước.
Giờ đây tất cả sẽ phụ thuộc vào hai câu hỏi lớn: Liệu Mỹ có đủ tỉnh táo để cưỡng lại sự thôi thúc chiến tranh và Iran có sẵn sàng chấm dứt lời thề trả thù của mình tại đây hay không.
Kể từ khi ông Donald Trump ngày 8.5.2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tiến hành tái áp đặt lệnh trừng phạt...
Nguồn: [Link nguồn]