Iran - Mỹ bên bờ vực chiến tranh: Ông Trump trước lựa chọn bước ngoặt với Iran
Vai trò tổng tư lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến đến một bước ngoặt kịch tính vào đêm 20/6, khi ông phải cân não giữa một bên là lựa chọn tấn công trả đũa Iran, dẫn đến nguy cơ xung đột thực sự, với một bên là sự lưỡng lự không muốn đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến nào nữa.
Ông Trump nói Iran đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” khi bắn rơi máy bay của Mỹ. Ảnh: NYT
Reuters hôm qua dẫn lời một số quan chức Iran nói rằng, Tehran đã nhận được thông điệp từ ông Trump nhắn qua Oman rằng Mỹ sắp tấn công vào Iran.
Các quan chức Iran tiết lộ thông tin này không lâu sau khi báo New York Times đưa tin ông Trump đã phê chuẩn kế hoạch tấn công quân sự vào Iran trong ngày 21/6 để trả đũa vụ Iran bắn rơi một máy bay giám sát không người lái của Mỹ. Nhưng ông Trump sau đó đã hủy kế hoạch này.
“Trong thông điệp gửi đi, ông Trump nói rằng ông không ủng hộ chiến tranh với Iran và muốn đối thoại với Tehran về nhiều vấn đề... Ông ấy để cho Iran một khoảng thời gian ngắn để trả lời, nhưng phản hồi ngay lập tức của Iran là lãnh tụ tối cao (Ayatollah Ali) Khamenei sẽ quyết định vấn đề này”, một quan chức Iran giấu tên nói với Reuters.
Một quan chức Iran khác cho biết: “Chúng tôi nói rõ rằng, lãnh tụ của chúng tôi không muốn đối thoại, nhưng thông điệp của Mỹ sẽ được chuyển cho ông ấy để ông ấy quyết định... Tuy nhiên, chúng tôi đã nói với phía Oman rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran cũng sẽ gây hậu quả tầm khu vực và quốc tế”.
Sau nhiều tuần căng thẳng vì những vụ tấn công tàu chở dầu trên vùng Vịnh, Iran hôm 20/6 nói họ đã bắn rơi một máy bay giám sát quân sự không người lái của Mỹ. Iran khẳng định máy bay này vi phạm không phận của họ, còn Washington nói khi đó nó đang bay trên vùng biển quốc tế.
Báo New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng các máy bay và tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí để đợi lệnh tấn công trả đũa, nhưng chưa viên đạn hay tên lửa nào được bắn đi. Các mục tiêu được xác định gồm hệ thống radar và tên lửa của Iran. Vụ tấn công được dự định sẽ diễn ra vào sáng sớm 21/6 để giảm thiểu rủi ro đối với quân đội hay thường dân Iran. Chưa rõ việc ông Trump hủy kế hoạch này là do vấn đề hậu cần hay lo ngại về chiến lược.
Chia rẽ
Chính quyền Trump thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa với Iran, bằng cách thắt chặt trừng phạt kinh tế và gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực. Hôm 20/6, Iran gọi các biện pháp trừng phạt đó là “khủng bố kinh tế”.
Ban đầu ông Trump đưa ra ý kiến rất ngắn gọn về vụ bắn rơi máy bay. Ông nói trên Twitter rằng Iran “đã phạm sai lầm lớn”. Nhưng ông cũng cho rằng vụ bắn chiếc máy bay có sải cánh lớn hơn dòng Boeing 737 này là một sai lầm ngu ngốc chứ không phải hành động cố tình leo thang, cho thấy Tổng thống Mỹ có thể đang tìm cách tránh khủng hoảng.
Nhưng lo ngại về khả năng chiến tranh vẫn bao trùm Washington. Cuối ngày 20/6, ông Trump triệu tập các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu và lãnh đạo quốc hội đến Nhà Trắng để dự cuộc họp kéo dài 1 giờ.
Những người tham dự gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Giám đốc CIA Gina Haspel, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Joseph Dunford, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Bộ trưởng Lục quân Mark Esper - ứng viên cho vị trí ông chủ Lầu Năm Góc.
Hai ông Pompeo và Bolton ủng hộ chính sách cứng rắn với Iran, nhưng ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, cho biết Tổng thống “chắc chắn đang lắng nghe” khi các lãnh đạo quốc hội tại cuộc họp đã thúc giục ông thận trọng và chớ khiến tình hình căng thẳng thêm.
Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại xảy ra tính toán sai lầm hoặc căng thẳng tiếp tục tăng đến mức đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột quân sự thực sự.
“Chúng tôi không có ý định chiến tranh với nước này, nhưng chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”, chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, tướng Hossein Salami nói trong một bài phát biểu trên truyền hình gần đây.
Dọa sẽ xóa sạch Triều Tiên trước khi chào đón nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi vào bàn đối thoại, ông Trump cũng nhiều lần thăm dò Iran theo cách tương tự với hy vọng sẽ mở ra tiến trình đối thoại.
Nhưng Iran từ chối đề nghị kiểu này, từ chối đối thoại một chính quyền luôn muốn đẩy họ đến suy thoái bằng các biện pháp trừng phạt và quay lưng với thỏa thuận hạt nhân mà cựu Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực thúc đẩy.
Ông Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm khủng hoảng quốc tế, một tổ chức luôn ủng hộ giải quyết hòa bình các quan hệ căng thẳng, hoài nghi khả năng Tehran sẽ chấp nhận đề xuất đàm phán của ông Trump một cách nghiêm túc “chừng nào ông ấy còn chĩa súng vào đầu Iran”.
Khoảng 10 phút trước chiến dịch quân sự đáp trả Iran, Tổng thống Trump quyết định dừng lệnh tấn công sau khi nghe về...