Iran mở đường xuống thang cho Mỹ, nhưng liệu ông Trump có chấp nhận?
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy việc Iran tấn công Mỹ bằng tên lửa là một hành động xuống thang căng thẳng, vấn đề còn lại là chờ đợi quyết định của Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump.
Ông Trump sẽ lựa chọn phương án nào trước thông điệp được đánh giá là thiện chí từ Iran? (ảnh: Chroniclespr)
Bằng cách tấn công có kiềm chế vào căn cứ của Mỹ tại Iraq, Iran dường như muốn nhắn tới ông Trump thông điệp: “Sự tức giận đã được giải quyết, chúng ta không cần phải leo thang căng thẳng”.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Iran đã tiết chế cuộc tấn công của nước này ở ngưỡng đủ để gọi là “tương xứng” với hành động của ông Trump (khi ra lệnh sát hại tướng Soleimani).
Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở việc Iran đã chọn tấn công một mục tiêu quân sự chứ không phải thường dân Mỹ. Cuộc tấn công xảy ra trên đất Iraq, tương tự vụ không kích của Mỹ nhằm vào ông Soleimani.
Vụ nã tên lửa được thực hiện bởi quân đội Iran. Tên lửa tầm ngắn đã phóng từ lãnh thổ Iran và được chính phủ nước này thừa nhận một cách công khai. Cách thức tấn công này thật sự rất khác với hành động thường thấy của Iran: Sử dụng lực lượng của một nhóm phiến quân để tấn công Mỹ, rồi phủ nhận liên quan.
Quan trọng nhất, nhiều báo cáo từ phía Mỹ đều chỉ ra rằng, Iran đã cố gắng tránh gây thương vong cho lực lượng Mỹ, bằng cách thông báo trước về vụ tấn công. Nếu thiệt hại xảy ra, gần như chắc chắn sẽ khiến ông Trump nổi giận và Mỹ buộc phải đáp trả một cách mạnh mẽ hơn.
Vài giờ sau vụ tấn công tên lửa, vẫn không có báo cáo nào về thương vong của Mỹ được đưa ra. Ông Trump thì đăng trên Twitter: “Tất cả đều ổn”.
Trong bài phát biểu sau vụ tấn công, Bộ trưởng Ngoại giao Iran – ông Mohammad Javad Zarif cho biết, Iran không tìm kiếm sự leo thang căng thẳng hay chiến tranh, nước này chỉ đang tự bảo vệ chính mình trước bất kỳ hành vi xâm lược nào.
Mặc dù vậy, ẩn số lớn nhất hiện nay vẫn là liệu có thương vong nào được xác nhận chính thức từ phía Mỹ hay không. Ngoài ra, chúng ta cũng không rõ những vụ tấn công của Iran đã thực sự kết thúc, hay chỉ mới là khởi đầu cho những đòn trả đũa tiếp theo.
Sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran, ông Trump đã thể hiện thái độ bình tĩnh một cách bất thường (ảnh: Newsfeeds)
Nếu Iran tránh được thương vong cho Mỹ, nước này có thể chấm dứt căng thẳng, và nói với những người dân đang bất bình rằng, Mỹ đã bị trả thù một cách thích đáng.
Đối với ông Trump, nếu căng thẳng chấm dứt, ông có thể tự tin phân trần với đảng Dân chủ và các nhà lập pháp Mỹ rằng, những chỉ trích họ dành cho ông suốt mấy ngày qua, là hoàn toàn ngớ ngẩn và sai lầm. Uy tín của ông Trump trước người Mỹ chắc chắn sẽ tăng và tác động quan trọng đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Sau khi ra lệnh tấn công sát hại tướng Iran Soleimani, ông Trump đã nói rằng, bất kỳ phản ứng đáp trả nào của Iran đều sẽ bị Mỹ giáng trả “nhanh chóng và đầy đủ”, theo cách không hề tương xứng. Nhưng sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ, thái độ của ông Trump lại bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên.
Hiện Mỹ vẫn đang đánh giá về thương vong và thiệt hại sau vụ nã tên lửa. Nhà Trắng sẽ đưa ra thông báo chính thức về hậu quả của vụ tấn công trong thời gian tới. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, như Israel, UAE, Ả Rập Saudi đều thể hiện sự ủng hộ và cam kết sát cánh với Mỹ nếu chiến tranh với Iran nổ ra.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng ông Trump sẽ chấp nhận hạ nhiệt căng thẳng với Iran, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần và ông đang phải đối mặt với việc luận tội.
Tổng thống Trump cũng đang rất cần lấy lại uy tín của mình trong mắt người dân, đặc biệt là về lĩnh vực ngoại giao. Tuy nhiên, hiện cũng có những “thế lực chính trị” tại Mỹ, đang tìm cách giữ chân ông Trump ở lại với lập trường kiên quyết chống Iran.
Một vấn đề phức tạp nếu Mỹ - Iran đồng ý xuống thang căng thẳng, đó là có rất ít kênh liên lạc giữa Hoa Kỳ và Iran. Hai quốc gia này gần như đã không có quan hệ ngoại giao trong gần nửa thế kỷ.
Lựa chọn của Mỹ - Iran là có thể tìm tới các nước trung gian, những đối tác duy trì quan hệ với cả Mỹ và Iran, ví dụ như Qatar và các quốc gia lớn ở châu Âu. Hai nước cũng có thể nhờ tới Thụy Sĩ hoặc Pakistan – đều là những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý quan hệ Mỹ - Iran, trong lịch sử.
Nhưng dù thế nào, điều quan trọng nhất chúng ta chờ đợi vào lúc này, đó là phản ứng từ phía Mỹ, cụ thể là của ông Donald Trump.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện nay, khủng hoảng Mỹ và Iran đang có nguy cơ leo thang trở thành một cuộc chiến tranh. Một khi xảy ra, cuộc chiến này...