Indonesia: Kế hoạch thả 200 triệu con muỗi ở Bali bị chỉ trích
Chính phủ Indonesia lên kế hoạch thí điểm thả 200 triệu con muỗi đã được biến đổi gien để chống sốt xuất huyết nhưng nhận về nhiều chỉ trích từ phía người dân Bali.
Từ đầu tháng 11, chính phủ Indonesia đã đề xuất đưa kế hoạch Yogyakarta - thí điểm thả 200 triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm đánh giá khả năng ngăn chặn dịch sốt xuất huyết - đến đảo Bali vào giữa tháng 11. Yogyakarta là một thành phố tại Indonesia.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Indonesia, chương trình này đã bị tạm dừng vô thời hạn.
Các mẫu muỗi vằn mang khuẩn Wolbachia. Ảnh: South China Morning Post
Kế hoạch Yogyakarta thả thí điểm muỗi vằn Aedes aegypti đã được tiêm vi khuẩn Wolbachia, một loại vi khuẩn tồn tại trong 60% các loài côn trùng và đã được chứng minh có thể ngăn chặn sự phát triển của các loại virus gây bệnh sốt xuất huyết, Zika và sốt vàng da bên trong muỗi. Vi khuẩn này sẽ giảm khả năng truyền virus sang người của muỗi.
Nghiên cứu về muỗi vằn mang khuẩn Wolbachia bắt đầu từ năm 2011, là một phần của sáng kiến chung giữa tổ chức phi chính phủ mang tên Chương trình Muỗi thế giới, Trường ĐH Monash của Úc và Trường ĐH Gadjah Mada (ở Yogyakarta - Indonesia).
Kế hoạch thí điểm đã được thực hiện ở 12 quốc gia với số lượng 8,6 triệu người tham gia.
Ngoài đảo Bali, kế hoạch Yogyakarta lẽ ra sẽ được thí điểm tại 4 thành phố ở Indonesia khác là Semarang, Bandung, Jakarta và Kupang.
Dù vậy, kế hoạch Yogyakarta đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương cũng như các chuyên gia ở đảo Bali.
Họ cho rằng nghiên cứu thí điểm ở TP Yogyakarta (với 4.500 người tham gia) không lấy mẫu dân số đủ lớn hay số lượng muỗi đáng kể. Các chuyên gia nhấn mạnh việc nghiên cứu không đủ sâu để biện giải cho việc thả loài mới ra tự nhiên.
"Tôi không nói rằng kế hoạch này lừa đảo hay có sai sót gì ở đây, vấn đề nằm ở chỗ nền tảng của kế hoạch này chỉ là một nghiên cứu nhỏ ở Yogyakarta" - ông Michael Northcott, giáo sư danh dự ĐH Edinburgh (Anh), bày tỏ. Ông đã sống ở cả TP Yogyakarta lẫn đảo Bali từ năm 2019.
Nhà khoa học người Indonesia hiện sống ở Bali, ông Richard Claproth, nghĩ rằng phải thực hiện đánh giá rủi ro toàn quốc trước khi thực hiện kế hoạch để bảo vệ người dân Indonesia khỏi mọi tác dụng phụ có thể xảy ra. "Nó có thể gây nên rối loạn trong xã hội và kiện tụng tập thể" - ông nói.
Phun xịt muỗi ở Ubub, Bali - Indonesia để chống sốt xuất huyết. Ảnh: Shutterstock
Theo South China Morning Post ngày 6-12, đa số người dân địa phương ở Bali không được biết chi tiết hoặc hiểu rõ kế hoạch Yogyakarta. Ông Pandu Riono, nhà nghiên cứu bệnh dịch ở Trường ĐH Indonesia, nhận định kế hoạch bị phản đối một phần do truyền thông thất bại.
"Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền địa phương Bali nhằm tạm dừng kế hoạch thả muỗi, đồng thời phổ biến thông tin rộng rãi hơn cho người dân" - phát ngôn viên của Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi phát biểu hồi tháng trước.
11 người leo núi đã thiệt mạng trong khi 12 người khác vẫn còn mất tích khi núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra – Indonesia phun trào dữ dội hôm 3-12.
Nguồn: [Link nguồn]