IAEA nói Nga đã trực tiếp điều hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya
Nga đã trực tiếp quản lý điều hành hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Ukraine và hạn chế liên lạc với thế giới bên ngoài.
Thông tin trên được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 6-3 xác nhận, sau báo cáo của Cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine.
"Ukraine báo cáo rằng bất kỳ hành động nào của ban quản lý nhà máy - bao gồm các biện pháp liên quan đến hoạt động kỹ thuật của 6 lò phản ứng - cần phải có sự chấp thuận từ chỉ huy Nga" - IAEA cho biết trong một tuyên bố và tỏ ra "cực kỳ quan ngại" về những diễn biến tại Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Giới chức Ukraine cho biết lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát Zaporizhzhia vào thứ sáu tuần trước, sau khi làm một cơ sở của nhà máy bốc cháy. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi cho "những kẻ phá hoại Ukraine" gây nên và gọi đây là "hành động khiêu khích khủng khiếp".
Đám cháy nhanh chóng được dập tắt và không có thiệt hại đối với các lò phản ứng cũng như việc rò rỉ chất phóng xạ.
Nhưng vụ việc làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra, nếu xung đột làm hư hại một trong bốn nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Ukraine.
Người đứng đầu IAEA, ông Rafael Grossi, bày tỏ lo lắng trước thông tin nhận được từ các giới chức Ukraine về việc quân đội Nga bố trí lực lượng giám sát, điều hành nhà máy Zaporizhzhia.
"Để có thể vận hành nhà máy một cách an toàn và bảo mật, toàn bộ nhân viên nhà máy Zaporizhzhia phải được làm việc trong điều kiện ổn định mà không có sự can thiệp hoặc áp lực quá mức từ bên ngoài" - ông Rafael Grossi nhấn mạnh.
Với những gì đã diễn ra cùng tình hình chiến sự vẫn tiếp tục, IAEA và nhiều nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về sự việc và cảnh báo một thảm họa hạt nhân như những gì xảy ra ở Chernobyl hồi năm 1986 có thể bị lặp lại.
Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 12 và phía Kiev cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Moscow về các "mô hình phi NATO" cho tương lai của nước này.
Kiev và Moscow đã có hai vòng đàm phán kể từ kể từ ngày xảy ra chiến sự hôm 24-2. Ảnh: EPA-EFE.
"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trong các cuộc trao đổi với Moscow" - ông David Arakhamia, thành viên trong phái đoàn đàm phán của Ukraine với Nga, cho biết trong một tuyên bố đăng tải trên Fox News, hôm 5-3: "Tuy nhiên chúng tôi vẫn để ngỏ phương án đàm phán với Nga về ‘các mô hình phi NATO’ cho tương lai của mình".
Ukraine trong những năm qua đã hướng tới mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu và NATO - nỗ lực bị Moscow phản đối. Tổng thống Vladimir Putin từng viện dẫn việc NATO có thể kết nạp Ukraine là bằng chứng cho cáo buộc khối liên minh này muốn "gây hấn" với Nga.
"Chúng tôi sẵn sàng bàn bạc về các mô hình phi NATO. Ví dụ, mô hình này có thể được đảm bảo trực tiếp bởi các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Anh, có thể là Đức và Pháp. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận những điều như vậy trong một khuôn khổ rộng hơn, không chỉ trong các cuộc thảo luận song phương với Nga mà còn với các đối tác khác" - ông David Arakhamia nói thêm.
Các phái đoàn Kiev và Moscow đã có hai vòng đàm phán kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24-2.
Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại thủ đô Kiev, hôm 3-3 Ảnh: AP.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại quốc gia 44 triệu dân. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ giới chức Ukraine đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đảm bảo tính liên tục của chính quyền, phòng trường hợp Tổng thống Volodymyr Zelensky bị mưu sát.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6.3 đã có cuộc điện đàm, thảo luận về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.