Hy vọng mới về con đường hòa bình của Ukraine

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Với sự tham gia dự kiến của khoảng 80 – 100 quốc gia, ông Zelensky cho rằng hội nghị sẽ phát đi tín hiệu chính trị mạnh mẽ, tạo nền móng của sự hiểu biết chung về một khuôn khổ thuận lợi và một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình. Giới chuyên gia nhận định, không có gì đảm bảo cho sự thành công của sáng kiến này ngay từ lần đầu tiên, nhưng hội nghị sẽ giúp Ukraine có thêm nhiều động lực trên chiến trường thực địa, trong bối cảnh Nga liên tục sử dụng hỏa lực tiến công dồn dập ở nhiều mặt trận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine. Nguồn: Zuma Press

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine. Nguồn: Zuma Press

Tờ The Kyiv Independent ngày 29/4 dẫn lời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay: “Chúng tôi đang tiếp tục chuẩn bị cho thượng đỉnh hòa bình đầu tiên khai mạc vào tháng 6 tại Thụy Sĩ và nhóm của chúng tôi cùng với các nhóm đối tác quan trọng đang nỗ lực để hội nghị thượng đỉnh này thực sự mang tính toàn cầu”. Theo ông Zelensky, mọi châu lục đều sẽ có đại diện tham dự. “Dù đến từ những khu vực khác nhau trên thế giới, những quan điểm khác nhau về sự phát triển toàn cầu, nhưng tất cả đều có chung sự thừa nhận rằng Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế cơ bản là văn bản ràng buộc mọi quốc gia trên thế giới, kể cả Nga. Dù khó khăn nhưng hãy cùng nhau tập hợp lại để tìm ra khuôn khổ, tìm ra con đường”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Trước đó, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã ra thông báo nêu rõ, hội nghị hòa bình cho Ukraine sẽ diễn ra từ 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Bürgenstock, bang Nidwalden. Hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Kiev và dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm mà nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra. Hội nghị nhằm tạo một khuôn khổ thuận lợi cho nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thừa nhận, không có gì đảm bảo sáng kiến này sẽ thành công và hội nghị sẽ chưa thể mang lại ngay một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. “Chúng tôi sẽ không ký kế hoạch hòa bình tại hội nghị này. Sẽ có hội nghị lần thứ hai, nhưng chúng tôi muốn bắt đầu tiến trình với một hội nghị như lần này”, nhà lãnh đạo Thụy Sĩ nói.

Được biết, Thụy Sĩ đã gửi lời mời tham dự tới hơn 100 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ dự hội nghị. Trung Quốc cũng cho biết đang cân nhắc cử đại diện tham dự. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nói với Bloomberg: “Ngoài quan điểm của Ukraine, Nga và châu Âu, chúng tôi rất coi trọng góc nhìn từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Arab Saudi, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động Moscow tham gia vào tiến trình hòa bình”. Còn Đại sứ quán Nga tại Bern thông tin, Thụy Sĩ đến nay chưa mời Nga dự hội nghị. Moscow từng nhiều lần tuyên bố bất cứ đàm phán, thỏa thuận nào về cuộc khủng hoảng Ukraine không có sự tham gia của Moscow đều vô nghĩa.

Bình luận về hội nghị hòa bình sắp tới, nhiều học giả cũng đồng quan điểm với tuyên bố của Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd. Họ cho rằng hội nghị được tổ chức dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm của Ukraine, vốn bất đồng quan điểm với phía Nga, nên tỉ lệ thành công về mặt ký kết văn kiện hòa bình sẽ rất thấp. Nhưng hội nghị có khả năng giúp Ukraine nhận được thêm các cam kết viện trợ quân sự nhanh chóng từ các nước đồng minh, đem lại nhiều động lực trên chiến trường thực địa cho quân đội nước này, trong bối cảnh Nga liên tục sử dụng hỏa lực tiến công dồn dập ở nhiều mặt trận.

Theo Reuters, Nga đang giành được những bước tiến chiến thuật mới ở mặt trận miền Đông Ukraine, trong khi lực lượng Kiev vẫn chờ viện trợ quân sự từ phương Tây. Những bước tiến về mặt chiến thuật của Nga hiện diễn ra hàng ngày và phản ánh nhịp độ mới trên chiến trường Ukraine kể từ khi thành phố công nghiệp Avdiivka thất thủ hồi tháng 2. Tướng Ukraine thừa nhận hôm 28/4 rằng các lực lượng Nga đang tấn công dọc theo toàn bộ chiến tuyến trải dài hơn 1.000km, nên lực lượng của Kiev đang phải đối mặt với “tình hình chiến lược và hoạt động khó khăn, có xu hướng trở nên tồi tệ hơn”. Nhiều nhà phân tích phương Tây cùng các quan chức Ukraine coi tốc độ tiến công dồn dập hiện nay của lực lượng Nga là dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công quy mô lớn vào cuối mùa Xuân này.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng Nga không bao giờ nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào để đổi lấy các tài sản bị đóng băng. Bà Zakharova nêu rõ: “Tôi không biết ai đã nói gì, nhưng tài sản không thể được trao đổi để lấy lãnh thổ. Đất đai quê hương của chúng tôi không phải để buôn bán”. Bà Zakharova cũng nhấn mạnh rằng mọi tài sản của Nga phải được “bảo toàn nguyên vẹn”, đồng thời cảnh báo “bất kỳ hành vi đánh cắp nào của phương Tây sẽ bị đáp trả quyết liệt”.

Tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi một bài báo của Wall Street Journal cho biết, Đức đang xem xét khả năng sử dụng tài sản của Nga để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Berlin phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để hỗ trợ cho các nhu cầu kinh tế và quân sự của Ukraine.

Tương lai Tổng thống Ukraine Voloydmyr Zelensky đã an bài, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Khánh ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN