Hy vọng le lói ở Ukraine?
Tính đến ngày 6-3, khi chiến dịch quân sự của Nga bước sang ngày thứ 11, số người tháo chạy khỏi Ukraine đã lên đến 1,5 triệu người
Hội đồng TP Mariupol của Ukraine ngày 6-3 thông báo nỗ lực sơ tán 400.000 cư dân mắc kẹt bên trong thành phố này được nối lại theo khuôn khổ của thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, sau khi kế hoạch tương tự sụp đổ vào 1 ngày trước đó. Thế nhưng, nỗ lực ngày 6-3 tiếp tục đổ vỡ.
Nga ngày 5-3 đồng ý ngừng bắn để sơ tán dân thường khỏi các thành phố ở Đông Nam Ukraine, gồm Mariupol và Volnovakha. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị tạm ngưng sau khi hai phía tố cáo nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Trong một tuyên bố hôm 5-3, Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko khẳng định tình hình nhân đạo tại Mariupol đã trở nên tồi tệ hơn khi quân đội Nga tiếp tục tấn công và cô lập thành phố này khỏi hành lang nhân đạo, khiến hàng ngàn người phải sống trong cảnh thiếu thốn điện, nước, nhu yếu phẩm và thuốc men.
Không lâu sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nối lại chiến dịch quân sự bởi điều họ mô tả là "cư dân ở Mariupol và Volnovakha đang bị những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc giam giữ làm lá chắn sống".
Người tị nạn Ukraine đến thị trấn Isaccea - Romania hôm 6-3 Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 5-3, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia thông báo vòng đàm phán thứ ba giữa Moscow và Kiev sẽ diễn ra vào ngày 7-3. Cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, cùng ngày khẳng định dù vòng đàm phán trước đó chưa mang lại kết quả mong đợi, ông nhận thấy hai bên "bắt đầu có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng".
Tương tự, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng đàm phán "đã đạt được bước tiến đáng kể" và Moscow ủng hộ lệnh ngừng bắn để thiết lập hành lang nhân đạo cho dân thường.
Tính đến ngày 6-3, khi chiến dịch quân sự của Nga bước sang ngày thứ 11, số người tháo chạy khỏi Ukraine đã lên đến 1,5 triệu người. Trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi ông chủ Điện Kremlin kết thúc chiến dịch quân sự, đồng thời nhấn mạnh đàm phán Moscow - Ukraine không thể đạt kết quả mong muốn nếu giao tranh tiếp diễn.
Cuộc điện đàm trên diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Putin thảo luận tình hình Ukraine với Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Theo văn phòng Thủ tướng Bennett, đây là một phần trong nỗ lực của nhà lãnh đạo 49 tuổi nhằm giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao. Sau chuyến thăm Moscow, Thủ tướng Bennett điện đàm với Tổng thống Zelensky và bay đến Berlin để gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky ngày 5-3 hối thúc các nhà lập pháp Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, thiết lập vùng cấm bay và ban bố lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn nhằm vào Nga để hỗ trợ Ukraine.
Tổng thống Zelensky sau đó điện đàm người đồng cấp Mỹ Joe Biden để thảo luận kế hoạch hỗ trợ an ninh và kinh tế cho Ukraine. Tổng thống Biden cam kết cùng các đồng minh buộc Moscow trả giá đắt vì "hành vi gây hấn" ở Ukraine, đồng thời hoan nghênh quyết định tạm dừng hoạt động tại Nga của Visa và Mastercard, các công ty công nghệ và thanh toán hàng đầu thế giới.
Trước những kêu gọi từ phía Ukraine, Tổng thống Putin ngày 5-3 cảnh báo các cuộc tấn công đáp trả chiến dịch quân sự của Nga đang đặt tương lai Ukraine vào trạng thái "không chắc chắn" và nếu Ukraine mất vị thế quốc gia độc lập, "đó hoàn toàn là trách nhiệm của Ukraine".
Theo hãng tin AP, ông chủ Điện Kremlin đồng thời tuyên bố sẽ xem mọi quốc gia thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine là "trực tiếp tham gia xung đột vũ trang". Về lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin nhấn mạnh chúng chẳng khác nào "lời tuyên chiến".
Mỹ và đồng minh đến giờ chưa áp lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt Nga vì lo ngại hệ quả của nước đi này. Theo giới phân tích, nếu phương Tây cấm vận dầu Nga, giá dầu thô thế giới có thể tăng đột biến lên mốc 150 USD/thùng.
Dù vậy, kể cả khi dầu của Nga không bị cấm vận, giá dầu vẫn sẽ ở mức cao và có thể tăng mạnh hơn nữa vì người mua lẫn các nhà máy lọc dầu triển khai chế độ "tự trừng phạt", tức không dám đụng đến dầu thô Nga.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Reuters, dòng khí đốt Nga chảy về phía Tây thông qua đường ống Yamal - châu Âu những ngày gần đây rơi vào trạng thái "chập chờn". Nga chiếm gần 40% nguồn cung khí đốt châu Âu thông qua đường ống này và nếu nguồn cung bị ngưng, giá khí đốt ở châu Âu nhiều khả năng leo thang chóng mặt.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6.3 nói Nga đã phóng 8 tên lửa nhằm vào sân bay ở Vinnytsia, miền trung nước này.