Huyết tương của người khỏi Covid-19 có phải "át chủ bài" để chữa bệnh?
Khi cả thế giới đang tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19, việc dùng huyết tương - lấy từ người khỏi bệnh - để chữa cho người nhiễm bệnh, được nhiều người coi là phương pháp đầy triển vọng, có tiềm năng thay đổi cục diện "cuộc chiến". Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này vẫn còn nhiều thách thức.
Đã vài tháng kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, lây lan mạnh ra toàn cầu với hơn một triệu người nhiễm bệnh, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị hay vaccine phòng bệnh.
Dẫu vậy, điều trị huyết tương, một phương pháp điều trị tồn tại hơn một thế kỷ, đang thu hút được sự chú ý. Một số nhà khoa học tin rằng phương pháp này có thể là "quân át chủ bài", xoay chuyển được tình thế trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19 trên thế giới. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các "lỗ hổng" trong phương pháp này được lấp đầy.
Phương pháp điều trị huyết tương là gì?
Về cơ bản, đây là cách tiếp cận xoay quanh việc lấy huyết tương, chất lỏng màu vàng có trong máu người, từ một người mới khỏi bệnh và truyền nó cho bệnh nhân nhiễm bệnh.
Huyết tương là thành phần quan trọng trong máu và rất giàu kháng thể - các protein khóa chặt các phần của virus và vô hiệu hóa chúng. Đáng chú ý, mỗi kháng thể được tạo ra để chống lại một loại virus cụ thể, trở thành "huyết thanh chống virus", theo Aleksey Kupryashov, người đứng đầu Khoa truyền máu tại Trung tâm phẫu thuật tim mạch Bakulev.
Ngoài ra, huyết tương hữu ích hơn máu trong trường hợp này vì "bạn không cần phải quan tâm tới nhóm máu", Sergey Netesov, một nhà virus học hàng đầu của Nga đồng thời là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho hay.
Huyết tương là chất lỏng màu vàng quan trọng, có trong máu. Ảnh: Reuters
Ý tưởng đằng sau phương pháp điều trị huyết tương vô cùng đơn giản: Chia sẻ kháng thể từ bệnh nhân khỏi bệnh có hệ miễn dịch mạnh mẽ có thể giúp những người có hệ miễn dịch yếu hơn phục hồi.
Được nêu ý tưởng bởi nhà sinh lý học người Đức, Emil von Behring - người đầu tiên nhận giải thưởng Nobel về y học - phương pháp điều trị huyết tương đã tồn tại hơn một thế kỷ.
Giữa tháng 3/2020, Arturo Casadevall, nhà nghiên cứu thuộc Trường y tế cộng đồng Johns Hopkins, thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Liise-anne Pirofski, nhà khoa học tới từ Đại học Y Albert Einstein (Mỹ), đã lên tiếng ủng hộ phương pháp điều trị huyết tương, cho rằng việc truyền kháng thể từ phương pháp này có thể bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trong nhiều tuần.
Cuối tháng 3/2020, các nhà khoa học Trung Quốc cũng cho rằng huyết tương đã giúp bệnh nhân nhiễm Covid-19 giảm các triệu chứng về đường hô hấp. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dựa trên kết quả từ 5 bệnh nhân.
Điều trị huyết tương có an toàn và hiệu quả?
Như thường nói trong Lời thề Hippocrates - lời thề được các y bác sĩ thực hiện trước khi ra trường hành nghề, không gây tổn hại là chìa khóa của y học. Liệu có ai dám đảm bảo rằng việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng huyết tương sẽ chỉ có lợi mà không gây hại?
"Chúng tôi từng truyền hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu đơn vị máu trong các bệnh viện cho người nhiễm bệnh do các loại virus khác gây ra và kết quả dẫn đến tình trạng nghiêm trọng cho bệnh nhân là rất thấp. Tính hợp lý của phương pháp điều trị huyết tương nằm ở chỗ một người khỏi bệnh sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể mạnh trong cơ thể giúp chặn đứng và vô hiệu hóa virus.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn là Covid-19 là một loại bệnh mới, chúng tôi vẫn chưa áp dụng phương pháp điều trị huyết tương trên quy mô lớn, với nhiều bệnh nhân", giáo sư Jeff Bailey, nhà khoa học thuộc Đại học Brown (Mỹ), chia sẻ với RT.
Một lo ngại nữa có thể phát sinh là cứ sau mỗi lần truyền 200 - 400 ml huyết tương vào cơ thể người bệnh, nó sẽ làm giãn mạch máu. Điều này sẽ không gây hại nếu thận của bệnh nhân hoạt động tốt. Nhưng nếu điều ngược lại xảy ra, lượng chất lỏng trong phổi của bệnh nhân sẽ tăng lên, dẫn tới tình trạng xấu hơn.
Các câu hỏi về tính hiệu quả của phương pháp điều trị huyết tương với bệnh nhân Covid-19 vẫn tiếp tục được đưa ra. Chưa có thống kê chính thức và thuyết phục nào cho thấy phương pháp này hiệu quả.
"Bạn phải thử, đó là cách duy nhất cho chúng ta biết phương pháp này hữu ích hay không. Dù kết quả có thế nào, việc thử nghiệm phương pháp điều trị còn tốt hơn việc cứ nằm dài chờ chết", nhà virus học Netesov nói.
"Các bác sĩ ở tuyến đầu rất cần các thử nghiệm để nghiên cứu lợi ích của phương pháp điều trị huyết tương trong khi các loại thuốc đặc trị mới đang được phát triển", giáo sư Bailey ủng hộ quan điểm của nhà virus học Netesov.
Ngay cả khi huyết tương có tác dụng, khó khăn vẫn chưa hết
Khó khăn nhất của phương pháp điều trị huyết tương là tìm được người hiến phù hợp. Ảnh: Reuters
Phần khó khăn nhất vẫn là tìm người hiến huyết tương. Số lượng người có thể hiến huyết tương tương đối nhỏ so với con số người mắc hơn 1 triệu trên toàn thế giới. Đó là chưa kể người hiến huyết tương có đồng ý hiến hay không và số lượng ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vẫn có xu hướng tăng vì nhiều nước chưa ở đỉnh dịch.
Ngoài ra, huyết tương dành cho bệnh nhân Covid-19 phải từ người hiến không bị mắc các bệnh khác như viêm gan hoặc AIDS.
"Thực tế, có tới 50% máu của người hiến đang bị từ chối ở hầu hết các nước", Netesov dẫn chứng. Lấy ví dụ ở Trung Quốc - nơi tiên phong áp dụng phương pháp điều trị huyết tương - cứ 10 người có thể hiến huyết tương lại có một người bị viêm gan.
Tương tự, tại Nga, một số lượng nhỏ bệnh nhân vừa khỏi bệnh nhưng chỉ một nửa trong số họ đủ điều kiện hiến huyết tương, theo Netesov.
"Số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn lớn hơn rất nhiều số ca hồi phục. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, chúng ta sẽ chẳng có đủ số huyết tương cần thiết", Kupryashov nhận định.
Ngoài ra, việc xác định đúng liều lượng huyết tương cũng không kém phần quan trọng. Vì các bác sĩ cần phải biết nồng độ kháng thể nào đủ để giúp tiêu diệt virus. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà sản xuất thường sẽ xử lý huyết tương và tăng số lượng kháng thể, Bailey cho hay.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 không thể được chăm sóc an toàn ở viện dưỡng lão vì nơi đây đã quá đông và đang chật...
Nguồn: [Link nguồn]