Huyền thoại võ thuật Hoắc Nguyên Giáp đánh bại lực sĩ khỏe nhất thế giới, sự thật ra sao?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Tương truyền, Hoắc Nguyên Giáp thi triển “Mê Tung quyền” lấy một địch mười khiến người Nhật khiếp sợ, phải ra tay hạ độc ông.

Chân dung Hoắc Nguyên Giáp (ảnh: Sohu)

Chân dung Hoắc Nguyên Giáp (ảnh: Sohu)

1. “Thần đồng” võ học

Theo Sohu, Hoắc Nguyên Giáp sinh ngày 18/1/1868 tại huyện Tĩnh Hải, thành phố Thiên Tân (Trung Quốc). Ông là con thứ 4 trong 10 người con của Hoắc Ân Đệ - cao thủ môn võ Mê Tung quyền. Không rõ sư phụ của Hoắc Ân Đệ là ai.

Theo Sina, Hoắc Ân Đệ vốn là người huyện Đông Quang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), sau di cư tới huyện Tĩnh Hải, Thiên Tân sinh sống. Dòng họ Hoắc có truyền thống võ nghệ, nổi tiếng với các bộ quyền pháp chỉ truyền dạy cho con cháu trong gia tộc.

Bản thân Hoắc Ân Đệ cũng là một tiêu sư (người vận chuyển, bảo vệ hàng hóa cho các thương nhân) nổi tiếng. Ông thường bảo vệ các chuyến hàng buôn từ Thiên Tân tới Mãn Châu Lý (phía đông bắc Trung Quốc) và ngược lại.

Tương truyền, môn võ Mê Tung quyền là do Yến Thanh và Lư Tuấn Nghĩa – 2 hảo hán Lương Sơn Bạc (thời Tống) sáng tạo ra.

Theo Sohu, trong 10 người con của Hoắc Ân Đệ, Hoắc Nguyên Giáp là người gầy yếu nhất (Hoắc Nguyên Giáp được cho là mắc bệnh hen suyễn bẩm sinh). Vì vậy, Hoắc Ân Đệ chỉ dạy cho Hoắc Nguyên Giáp nghề thuốc, không truyền võ công.

Tuy nhiên, do bản tính ham mê võ thuật, Hoắc Nguyên Giáp vẫn lén xem cha dạy võ cho các anh và khổ luyện một mình, bất chấp thể trạng ốm yếu. Có lần, Hoắc Nguyên Giáp bị cha đánh rất đau vì lén lút tập võ công, nhưng ông không bỏ cuộc.

Năm 1890, Hoắc Nguyên Giáp 22 tuổi, có một võ sư từ Hà Nam (Trung Quốc) tìm đến “thỉnh giáo” Mê Tung quyền của Hoắc Ân Đệ. Hoắc Ân Đệ cho con trai cả ra tỉ thí, nhưng nhanh chóng bị võ sư người Hà Nam đánh bại.

Trong khi Hoắc Ân Đệ còn bối rối, Hoắc Nguyên Giáp đã chặn trước mặt võ sư người Hà Nam. Ông thi triển Mê Tung quyền và nhanh chóng đánh bại đối thủ.

Tượng Hoắc Nguyên Giáp (ảnh: Sina)

Tượng Hoắc Nguyên Giáp (ảnh: Sina)

Hoắc Ân Đệ hoàn toàn bất ngờ trước tài năng võ thuật của con trai. Ông đem hết các tuyệt kỹ của Mê Tung quyền dạy cho Hoắc Nguyên Giáp.

Theo Sina, Hoắc Nguyên Giáp học một hiểu mười. Ông ngộ ra những điểm cốt lõi của Mê Tung quyền, thể hiện võ công còn cao hơn cả Hoắc Ân Đệ. Hoắc Nguyên Giáp cũng chủ trương giao lưu võ thuật, kết hợp sở trường của Bắc quyền, Bát Cực quyền vào Mê Tung quyền, hình thành một lối quyền pháp riêng.

Theo một số chuyên gia võ thuật, Mê Tung quyền mang phong cách của võ Thiếu Lâm kết hợp với Võ Đang phái. Môn võ này khi thì nhàn nhã, nhẹ nhàng, lúc lại mạnh mẽ, dứt khoát, lối tấn công biến đổi không ngừng làm đối thủ khó bề xoay xở.

“Mê” có nghĩa là “biến ảo”, “Tung” có nghĩa là dấu vết hoặc dấu chân. Vì vậy, Mê Tung quyền có thể tạm hiểu là môn võ có lối đánh biến ảo, di chuyển cực kỳ linh hoạt, theo Sina.

Hoắc Nguyên Giáp được cho là người hiểu biết sâu sắc nhất về Mê Tung quyền và đưa môn võ này lên tới đỉnh cao. Các đệ tử luyện Mê Tung quyền đời sau không thể theo kịp ông.

Diễn viên Lý Liên Kiệt (trái) trong vai Hoắc Nguyên Giáp (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

Diễn viên Lý Liên Kiệt (trái) trong vai Hoắc Nguyên Giáp (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

2. Đánh bại đại lực sĩ người Nga?

Theo China Times, Hoắc Nguyên Giáp tới năm 27 tuổi (1895) vẫn chỉ là người bán củi kiếm sống qua ngày. Lúc này ông đã lập gia đình và có con, cuộc sống rất vất vả.

Một lần gánh củi ra chợ bán, Hoắc Nguyên Giáp bị một nhóm côn đồ tới “thu tiền bảo kê”. Ông bình tĩnh rút cây gậy gánh củi ra và đánh cho hơn chục tên bỏ chạy. Sau sự kiện này, Hoắc Nguyên Giáp trở nên nổi tiếng ở Thiên Tân và quen biết với Nông Kính Tôn, chủ hiệu thuốc Hoài Thanh.

Theo Sohu, Nông Kính Tôn (1862 – 1953), quê gốc ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) là con trai trong một gia đình giàu có. Ông từng du học ở Nhật Bản và là thành viên của Quốc Dân đảng do Tôn Trung Sơn sáng lập.

Dưới vỏ bọc là một thương nhân buôn bán thuốc ở Thiên Tân và Bắc Kinh, Nông Kính Tôn âm thầm tập hợp những người yêu nước, giỏi võ thuật, mưu đồ làm cách mạng lật đổ nhà Thanh, chống Nhật và phương Tây.

Nông Kính Tôn đã giúp đỡ Hoắc Nguyên Giáp rất nhiều về tiền bạc và nhận Hoắc Nguyên Giáp vào hiệu thuốc Hoài Thanh làm việc. Hoắc Nguyên Giáp cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lòng yêu nước của Nông Kính Tôn, theo Sohu.

“Nhẹ gánh” về tiền bạc, Hoắc Nguyên Giáp bắt đầu tham gia các chuyến bảo tiêu và ngày càng nổi danh khi đánh bại nhiều toán cướp hàng. Năm 1896, Hoắc Nguyên Giáp đưa gia đình tới thành phố Thiên Tân sinh sống.

Năm 1901, một lực sĩ người Nga tên Solineron dựng bảng “Đông Á bệnh phu” (người bệnh ở Đông Á – cách nói xúc phạm người Trung Quốc) ở Nhà hát Thiên Tân. Solineron tự xưng là “đại lực sĩ khỏe nhất thế giới” và thách đấu tất cả võ sĩ Trung Quốc.

Biết chuyện, Hoắc Nguyên Giáp rất phẫn nộ. Ông nhận lời thách đấu của Solineron.

Nhiều lời đồn đại cho rằng, trận đấu giữa Hoắc Nguyên Giáp và Solineron diễn ra vô cùng kịch tích. Ban đầu, Hoắc Nguyên Giáp bị lực sĩ người Nga cậy sức dồn ép, dính không ít cú đấm và bị quật ngã xuống sàn. Lợi dụng lúc Solineron sơ hở, Hoắc Nguyên Giáp thi triển Mê Tung quyền, tung một cước vô cùng hiểm hóc, đá văng đối thủ to lớn khỏi sàn đấu.

Tuy nhiên, theo China News (hãng thông tấn Trung Quốc), trận đấu giữa Hoắc Nguyên Giáp và Solineron chưa từng diễn ra.

Biết đến danh tiếng của Hoắc Nguyên Giáp, Solineron quyết định “cầu hòa”. Vào ngày 2 bên tổ chức thi đấu, Solineron nói: “Tôi chỉ đến Thiên Tân để biểu diễn, những lời tôi nói trước đây không được tính”.

Trước mặt nhiều người, Hoắc Nguyên Giáp buộc Solineron đăng lời xin lỗi lên báo. Solineron đồng ý và nhanh chóng rời khỏi Thiên Tân.

Sau sự kiện này, Hoắc Nguyên Giáp ngày càng nổi tiếng. Nhiều người tới xin ông dạy võ. 

Diễn viên Triệu Văn Trác (trái) trong vai Hoắc Nguyên Giáp (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

Diễn viên Triệu Văn Trác (trái) trong vai Hoắc Nguyên Giáp (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

3. Đánh bại võ sĩ người Anh?

Năm 1909, có một võ sĩ người Anh tên Aopian tới Thượng Hải biểu diễn. Aopian đăng tin trên báo, muốn thách đấu tất cả võ sĩ Trung Quốc với những lời lẽ vô cùng ngạo mạn. Có tin đồn cho rằng, Hoắc Nguyên Giáp đã nhận lời thách đấu và đánh bại Aopian.

Trên thực tế, Hoắc Nguyên Giáp và Aopian chưa từng giao đấu.

Theo China News, năm 1909, Aopian đăng báo, gửi lời thách đấu tất cả võ sĩ Trung Quốc. Nông Kính Tôn là người đã mời Hoắc Nguyên Giáp từ Thiên Tân tới Thượng Hải để đấu với Aopian.

Ngay khi Hoắc Nguyên Giáp tới nơi, các tờ báo ở Thượng Hải đồng loạt đưa tên ông lên trang nhất: “Hoắc Nguyên Giáp thách đấu Aopian”.

Nghe danh Hoắc Nguyên Giáp, Aopian đã ngầm muốn bỏ cuộc.

Thỏa thuận mở võ đài kéo dài cả tháng không xong, do Aopian hàng chục lần đòi thay đổi phương thức giao đấu. Cuối cùng, hai bên thống nhất đánh bằng tay không, ai bị đánh ngã xuống đất sẽ bị xử thua.

Gần đến ngày thi đấu, Aopian bí mật rời Thượng Hải.

Đứng trên võ đài trống, Hoắc Nguyên Giáp biến buổi tỉ thí thành biểu diễn võ thuật. Hàng nghìn người đến xem hả hê thi võ sĩ người Anh bỏ cuộc, theo China News.

Sau sự kiện này, Hoắc Nguyên Giáp được xưng tụng là “Đệ nhất Thiên Tân”.

Ngày 1/6/1910, được Nông Kính Tôn và bạn bè ủng hộ, Hoắc Nguyên Giáp sáng lập “Tinh võ Thể dục hội” (Tinh võ môn) tại Thượng Hải. Chủ trương của Tinh võ môn là phổ biến võ thuật, học hỏi lẫn nhau, nâng cao sức khỏe và chí khí của thanh niên Trung Quốc.

Một số thuyết âm mưu cho rằng Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc sau trận đấu với võ sĩ Nhật Bản (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

Một số thuyết âm mưu cho rằng Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc sau trận đấu với võ sĩ Nhật Bản (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)

4. Cái chết bí ẩn

Ngày 14/9/1910, Hoắc Nguyên Giáp ho ra máu và qua đời ở tuổi 42. Trước đó, không lâu, ông từng giao đấu với một số cao thủ của Hiệp hội Judo Nhật Bản (tại Thượng Hải).

Theo China News, hội trưởng Hiệp hội Judo Nhật Bản bị Hoắc Nguyên Giáp đánh gãy xương cánh tay, phải nhận thua.

Theo Sohu, vài năm cuối đời, sức khỏe của Hoắc Nguyên Giáp ngày càng suy yếu. Ông mắc bệnh hen suyễn bẩm sinh, bệnh sốt vàng da và bệnh lao – chứng bệnh nan y thời bấy giờ.

Trần Công Triết (1890 – 1961) – đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp – kể lại, không lâu sau khi thành lập Tinh võ môn, Hoắc Nguyên Giáp bắt đầu ho ra máu. Nhưng ông vẫn đồng ý thi đấu với võ sĩ của Hiệp hội Judo Nhật Bản.

Khi phát bệnh nặng, Hoắc Nguyên Giáp được đưa vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải để chữa trị, nhưng không qua khỏi.

Theo một số thuyết âm mưu, Hoắc Nguyên Giáp bị người Nhật hạ độc trong một bữa tiệc. Thuốc độc ngấm từ từ khiến Hoắc Nguyên Giáp mất mạng.

Trong một số bộ phim võ thuật, Trần Chân – đệ tử giỏi nhất của Hoắc Nguyên Giáp – hạ gục hàng chục võ sĩ Nhật Bản để trả thù cho ông. Tuy nhiên, Trần Chân là nhân vật hư cấu. Chuyện Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc cũng chỉ dừng lại ở thuyết âm mưu, theo China News.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Sống trong thời loạn lạc, võ công không giúp Hoàng Phi Hồng tránh khỏi kết cục bi thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Huyền thoại võ thuật Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN