Hungary: EU có thể phải bỏ một số lệnh trừng phạt Nga khi phải đối mặt 'thực tại tàn khốc'
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Hungary dự đoán EU có thể sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga; trong khi Moldova có thể phải đối mặt với cú sốc kép vì cuộc khủng hoảng năng lượng.
Liên minh châu Âu (EU) khả năng sẽ phải đánh giá lại và dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga vào mùa thu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary - ông Tamas Menczer dự báo ngày 13-9, theo đài RT.
Quan chức Hungary dự báo EU có thể sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: Dado Ruvic/REUTERS
Trả lời phỏng vấn trong một chương trình của đài M1 TV, ông Menczer cho rằng các hạn chế áp đặt lên Nga nhằm trừng phạt nước này liên quan tới cuộc xung đột Ukraine đã thất bại trong việc thay đổi hành vi của Moscow.
Các lệnh trừng phạt thực sự đã giúp Nga tăng doanh thu sau khi chúng gây ra sự tăng vọt về giá năng lượng. Trong khi đó, các nước châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, theo ông Menczer.
"Thực tại đã gõ cửa từng quốc gia” - ông Menczer nhận xét, đồng thời lập luận rằng đó chính là lý do ông tin các lệnh trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ.
Theo ông, các quốc gia thành viên EU sẽ đánh giá lại các chính sách trừng phạt của họ vào cuối mùa thu này.
Bên cạnh đó, ông Menczer cho biết đất nước của ông, vốn chỉ trích nỗ lực của EU nhằm tách rời nền kinh tế của khối khỏi nguồn năng lượng của Nga, phản đối việc áp đặt giá trần lên khí đốt Nga. Quan chức Hungary này cũng gọi đề xuất trên là vô lý và phi thực tế, viện dẫn tuyên bố của Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt tới các quốc gia cố gắng áp đặt giá trần.
Uỷ ban châu Âu được cho là đã hỗ trợ về việc áp đặt giá trần lên khí đốt Nga và đang thiết lập cơ chế đánh thuế đối với các công ty năng lượng có lợi nhuận khủng. Brussels cũng thúc giục các nước EU áp đặt các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau để chuẩn bị tốt hơn cho mức tiêu thụ cao điểm vào mùa đông.
Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Hungary - ông Laszlo Kover, nhận định EU là "bên thua cuộc” trong cuộc xung đột ở Ukraine vì thiệt hại kinh tế gây ra do các lệnh trừng phạt.
Nước nghèo nhất châu Âu điêu đứng
Ở một diễn biến khác, Thủ tướng Moldova - bà Natalia Gavrilita, nói với hãng tin Bloomberg rằng nền kinh tế 2,6 triệu dân của nước này có thể phải đối mặt với cú sốc kép do việc cắt giảm khí đốt của Nga và giá năng lượng "cực kỳ cao" khi mùa đông sắp tới.
Thủ tướng Moldova - bà Natalia Gavrilita. Ảnh: Yves Herman/REUTERS
Theo bà Gavrilita, Moldova - một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu - đang chuẩn bị cho mọi kịch bản giữa bối cảnh lạm phát ở nước này đã tăng hơn 30% và sắp đến thời hạn 1-10 để đàm phán trả nợ với công ty năng lượng hàng đầu Gazprom của Nga. Ở kịch bản xấu nhất, nếu không có tiến triển trong các cuộc đàm phán, nguồn cung cấp khí đốt cho quốc gia này có thể sẽ bị cắt.
Mặc dù vào tháng 10 năm ngoái, Gazprom và tập đoàn năng lượng Moldovagaz của Moldova đã gia hạn thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn thêm 5 năm nữa cho đến tháng 9-2026, nhưng tập đoàn Moldovagaz đang phải gồng mình để đáp ứng các cam kết thanh toán do giá năng lượng tăng cao.
“Ngay cả khi Gazprom tiếp tục giao khí đốt, chúng tôi vẫn sẽ phải giảm lượng tiêu thụ vì giá rất, rất cao” - bà Gavrilita cho hay, đồng thời lưu ý rằng giá năng lượng tăng vọt là "điều bất thường” trong mùa hè và "chúng tôi không biết vào mùa đông, giá sẽ tiếp tục tăng tới đâu”.
Trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng tài chính, chính phủ Moldova đã quyết định chuyển đổi hệ thống sưởi ấm ở thủ đô Chisinau từ khí đốt sang dầu và có kế hoạch giảm tiêu thụ 15% lượng khí đốt. Bên cạnh đó, các quan chức nước này cũng đang đàm phán với Romania để tìm nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng.
Ngoại trưởng Hungary - ông Peter Szijjarto nói rằng việc áp giá trần khí đốt Nga đi ngược lại lợi ích của cả châu Âu và Hungary.
Nguồn: [Link nguồn]