"HQ tấn công phủ đầu Triều Tiên" chỉ là lời nói suông
Việc Hàn Quốc lên kế hoạch “san phẳng” thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chỉ là động thái nhằm khẳng định nước này không phụ thuộc vào Mỹ trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ.
Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận.
Ông Georgy Toloraya, Giám đốc phụ trách Chương trình về bán đảo Triều Tiên tại Viện Kinh tế trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga đã đưa ra nhận định này trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Sputnik.
Ngày 11.9, truyền thông Hàn Quốc nói nước này đang lên kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Đợt tấn công sẽ “san phẳng” thủ đô Bình Nhưỡng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Nguồn tin quân sự Hàn Quốc nói trên Yonhap rằng, “mọi khu vực ở Bình Nhưỡng, đặc biệt là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể ẩn náu sẽ bị phá hủy hoàn toàn bởi tên lửa đạn đạo và đạn pháo ngay khi Triều Tiên có dấu hiệu sử dụng vũ khí hạt nhân”.
“Nói cách khác, thủ đô Triều Tiên sẽ biến thành tro bụi, hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ”, nguồn tin nói thêm. Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Hyunmoo, tầm bắn tối đa 1.000 km.
Bình luận về kịch bản đáng sợ này, ông Toloraya nói đây chỉ là thông tin nhằm phục vụ mục đích “nội bộ”. “Hàn Quốc muốn trấn an dư luận rằng nước này có thể tự mình bảo vệ lãnh thổ, dù có chiếc ô hạt nhân của Mỹ”.
So với việc Hàn Quốc cùng Mỹ thiết lập Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ biến Seoul “chìm trong biển lửa” hồi tháng 7, những lời nói mới đây nhất chỉ là thuật hùng biện.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo của Hàn Quốc.
“Triều Tiên tập trung phát triển năng lực hạt nhân như phương án đảm bảo duy nhất rằng không một ai dám sử dụng vũ lực chống lại Bình Nhưỡng”, ông Toloraya nói.
Ông Toloraya cũng bày tỏ quan điểm nghi ngờ về sự hiệu quả của lệnh trừng phạt Triều Tiên. “Trong 25 năm qua, rõ ràng lệnh trừng phạt đã không đem lại tác dụng. Thay vào đó, cộng đồng quốc tế cần chiến lược mới đối phó với Triều Tiên. Chuyên gia Nga cho rằng cách duy nhất để kiềm chế Triều Tiên là đàm phán.
Giáo sư Victor Cha thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng, mặc dù phương án dự phòng của Hàn Quốc có thể có thật, song đây chỉ là “bước đi thể hiện sự tức giận và bức xúc nhất thời thay vì mang đến chiến lược đối phó thực sự”.
Nhà phân tích Kent Boydston thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nói kế hoạch của Hàn Quốc sẽ rất khó thực hiện.
“Chắc chắn Triều Tiên sẽ phải đề phòng bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào trung tâm đầu não chính quyền. Trên thực tế, có rất ít khả năng Hàn Quốc và Mỹ biết các quan chức cấp cao Triều Tiên ở đâu khi xung đột xảy ra”