Houthis tính toán gì khi tấn công tàu ở Biển Đỏ, liệu có phải chỉ nhắm vào Israel?
Nhóm vũ trang Houthis tấn công tàu thuyền qua Biển Đỏ chỉ để thể hiện sự phản đối với Israel hay còn ẩn tình gì khác?
Thời gian gần đây, các cuộc tấn công liên tục của phong trào Hồi giáo vũ trang Houthis (Yemen) vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ nhằm phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza đã gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Hành động của Houthis khiến Mỹ phải thành lập liên minh an ninh 10 nước trên Biển Đỏ để ứng phó.
Theo chuyên gia Gregory Brew của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhóm Houthis sẽ tiếp tục các cuộc tấn công trên Biển Đỏ cho đến khi xung đột Israel-Hamas kết thúc “và thậm chí sau đó nhóm này vẫn có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa”.
Vậy Houthis thực sự muốn gì khi phát động các cuộc tấn công trên Biển Đỏ? Mục đích của Houthis chỉ đơn giản là thể hiện sự phản đối với Israel hay còn gì khác?
Dùng các cuộc tấn công như một đòn bẩy
Cuộc tấn công đầu tiên của Houthis xảy ra vào ngày 19-11 khi nhóm này tuyên bố đã kiểm soát tàu chở hàng mang tên Galaxy Leader (do Nhật và Anh vận hành) vì cho rằng tàu này có liên kết với Israel.
Các chiến binh Houthis trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 19-11. Ảnh: AP
Kể từ đó, Houthis đã liên tục tấn công nhiều tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb (một lối đi hẹp dẫn vào Biển Đỏ) và xa hơn là Kênh đào Suez - vùng biển chiếm 30% lưu lượng tàu hàng trên thế giới.
Cho đến nay không có thương vong nào được báo cáo từ các cuộc tấn công của Houthis. Tuy nhiên, hậu quả đối với hoạt động hàng hải toàn cầu là rất lớn.
Cụ thể, vùng biển mà Houthis phát động các cuộc tấn công là nơi lưu thông khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới, chủ yếu hướng tới châu Âu. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Kể từ khi khủng hoảng trên Biển Đỏ xảy ra, 12 công ty vận tải biển đã thông báo ngưng vận chuyển qua tuyến đường này, trong số đó có các công ty vận tải lớn của thế giới như công ty Vận tải Địa Trung Hải (MSC, Thụy Sĩ), công ty CMA CGM (Pháp), công ty Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức).
Nhiều công ty chọn cách đi vòng qua mũi phía nam châu Phi, kéo dài thời gian di chuyển của tàu thuyền thêm khoảng 9 ngày và đội chi phí lên thêm khoảng 15%.
Chính từ tầm quan trọng của Biển Đỏ, các chuyên gia cho rằng Houthis muốn lợi dụng các cuộc tấn công như một đòn bẩy để thu hút sự chú ý của toàn cầu.
“Vị trí của người Houthis ở miền bắc Yemen đã rơi vào một điểm tắc nghẽn địa chính trị. Vai trò của họ đã bị cộng đồng quốc tế đánh giá thấp trong vài năm qua” - bà Sanam Vakil, phó giám đốc chương trình Trung Đông Bắc Phi tại viện chính sách Chatham House (Anh) nói với kênh Al Jazeera.
Tìm kiếm lợi thế chính trị trong nước
Theo ông Nicholas Brumfield - nhà nghiên cứu chính trị Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), một điều mà truyền thông quốc tế dường như bỏ qua chính là phản ứng đầu tiên của Houthis với xung đột ở Gaza: Huy động người dân Yemen ủng hộ Palestine.
Trước cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas vào Israel, Houthis đang phải chịu áp lực từ người dân Yemen liên quan các vấn đề như cải cách chính phủ, tiền lương và cuộc chiến ở Gaza đã đảo ngược tình thế này.
Truyền thông của Houthis đã công bố hơn 1.000 cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine do nhóm này tổ chức từ đầu xung đột, bao gồm các buổi cầu nguyện nhỏ đến cuộc tuần hành quy mô lớn.
Người dân Yemen biểu tình ủng hộ Palestine tại thủ đô Sanaa (Yemen) ngày 18-10 trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas. Ảnh: REUTERS
Theo vị chuyên gia, dù nhiều người Yemen đã mệt mỏi với gần một thập niên nội chiến, nhưng sự ủng hộ của họ dành do Palestine vô cùng vững chắc đến mức nhiều người tình nguyện tham gia vào các đợt tuyển quân mới của Houthis với nguyện vọng được chiến đấu ở Gaza.
Ông Brumfield cho rằng Houthis muốn tận dụng các đợt tuyển quân với danh nghĩa chiến đấu cho người Palestine để phục vụ cho chính Houthis trong cuộc chiến với chính phủ Yemen.
“Houthis đã tuyển mộ một loạt chiến binh với lời hứa rằng sẽ đưa họ tham chiến ở Palestine. Họ nói: ‘Các bạn sẽ chiến đấu ở Palestine’ và sau đó triển khai các lực lượng này chiến đấu chống lại thành trì Marib của chính phủ Yemen” - ông Brumfield nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ có thể là một chiến lược ngoại giao để đối phó với Saudi Arabia.
Trong những tháng gần đây, Houthis và liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu (ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen) đã tiến hành một số cuộc đàm phán, hướng tới thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Tuy nhiên, Houthis cũng cần một vài lợi thế trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán này. Và lợi thế đó có thể là mối đe dọa về gián đoạn thương mại dầu mỏ do căng thẳng ở Biển Đỏ - điều mà quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia thật sự lo ngại.
Trên Biển Đỏ có lằn ranh đỏ…
Bất chấp những tuyên bố từ giới lãnh đạo Houthis rằng nhóm này “quyết không đứng yên” trước hành động của Israel ở Gaza, đến nay, Houthis vẫn cho thấy một sự kiềm chế nhất định.
Ngày 26-11, lực lượng Houthis đã bắn hai tên lửa đạn đạo gần một tàu chiến Mỹ. Chuyên gia Brumfield tin rằng Houthis đã cố tình bắn trượt tàu chiến Mỹ.
“Houthis không muốn có một kịch bản mà ở đó Mỹ sẽ ngừng coi Houthis là những kẻ thống trị ‘khó chịu nhưng có thể chấp nhận được’ ở miền bắc Yemen và sau đó sẽ tìm cách lật đổ nhóm này” - theo ông Brumfield.
Về phía Mỹ, theo các chuyên gia, liên minh do Washington dẫn đầu trên Biển Đỏ hiện đang có ý định bảo vệ các tàu đi qua vùng biển hơn là đáp trả các cuộc tấn công của Houthis.
Bằng chứng là Mỹ cho đến nay vẫn chưa bắn trả về phía Yemen, bất chấp tên lửa do Houthis phóng từ Yemen bay về phía Biển Đỏ.
“Mỹ cũng không muốn leo thang cuộc khủng hoảng này” - theo chuyên gia Brew của Eurasia Group.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm vũ trang Houthis (Yemen) cho biết vừa có động thái nã tên lửa vào tàu thương mại di chuyển trên Biển Đỏ và triển khai UAV tấn công Israel trong ngày 26-12.